Thứ Tư, 21/10/2015 13:02

Những gam màu tối đầu tiên trong bức tranh kết quả quý 3 của các CTCK

Bức tranh kết quả kinh doanh quý 3/2015 của các công ty chứng khoán (CTCK) dần hiện ra với những nét vẽ đầu tiên mang gam màu tối khi có nhiều gương mặt báo lỗ, một số khác làm ăn có lãi thì kết quả cũng giảm sút đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 3/2015, VN-Index chứng kiến một đợt sụt giảm mạnh từ đỉnh 638 điểm (giữa tháng 7) về 527 điểm chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Theo giải trình của nhiều CTCK thì tình hình thị trường là nguồn cơn chính tác động đến kết quả thu về trong kỳ này. Theo thống kê toàn thị trường, thanh khoản giao dịch trên hai sàn trong quý 3 đạt bình quân hơn 164 triệu đơn vị/phiên, tương đương giá trị 2,640 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước khối lượng giao dịch đạt 197.5 triệu đơn vị với giá trị 3,257 tỷ đồng).

Đồ thị VN-Index trong quý 3/2015

Xét về doanh thu hoạt động trong quý 3/2015, hầu hết các CTCK đều giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như CTCK BIDV (BSI) giảm mạnh 24% doanh thu xuống mức 111 tỷ đồng. Một số khác gồm CTCK ACB (ACBS), CTCK Vietcombank (VCBS), CTCK Bảo Việt (BVS) hay CTCK FPT (FPTS) đều có doanh thu trên 60 tỷ đồng, kết quả này tụt dốc so với cùng kỳ năm trước lần lượt 41%, 42%, 16% và 11%. Hay như CTCK Agibank (AGR) giảm mạnh doanh thu 29% về gần 47 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu kéo giảm doanh thu trong kỳ của các CTCK là từ hoạt động môi giới và đầu tư. Theo đó, doanh thu đến từ hoạt động môi giới của hầu hết các CTCK đều lao dốc trên 20% so với cùng kỳ. Thậm chí như VCBS hay MBKE giảm hơn 30% doanh thu môi giới về còn 17 tỷ đồng trong quý 3/2015. Một số gương mặt lọt vào top 10 thị phần môi giới quý 3/2015 (trên HOSE) như ACBS cũng giảm 30% doanh thu môi giới về mức 28 tỷ, FPTS và BVS giảm trên dưới 25%, đạt khoảng 21-22 tỷ đồng.

Còn về hoạt động đầu tư, doanh thu từ mảng này của phần lớn các CTCK cũng không mấy sáng sủa. Đặc biệt như VCBS, doanh thu từ hoạt động đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất – tương đương 37% tổng doanh thu với gần 23 tỷ đồng, tuy nhiên lại lao dốc mạnh so với cùng kỳ năm trước với mức giảm hơn 65%. BSI và BVS cũng giảm 71% và 33% doanh thu đầu tư về còn 16 tỷ và 11 tỷ đồng.

Ngoài ra, thêm một nhân tố tác động đến kết quả kinh doanh trong kỳ của CTCK là từ doanh thu khác. Trong đó, giảm mạnh nhất là AGR – gần 60% với doanh thu khác còn 15.5 tỷ đồng.

Bất ngờ những khoản lỗ và lãi lao dốc

Đi cùng với việc sụt giảm doanh thu, lợi nhuận mang về cho các CTCK cũng xuất hiện nhiều mảng màu tối với những khoản lỗ bất ngờ, kể cả với những CTCK có lãi thì cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Bất ngờ đó đến từ CTCK Kim Long (KLS) với khoản lỗ hơn 45 tỷ đồng hay AGR cũng lỗ hơn 26 tỷ đồng. Với AGR, bên cạnh việc vơi đi đáng kể từ doanh thu, cộng hưởng thêm khoản chi phí hoạt động tăng gần 10% đã khiến công ty lỗ gộp gần 12 tỷ đồng. Khoản lỗ này tăng thêm cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 22 tỷ đồng.

Còn riêng với KLS, không như phần lớn các CTCK khác, doanh thu của công ty tăng mạnh gần 50% trong quý 3/2015 với sự đóng góp từ hoạt động đầu tư (tăng từ 3 tỷ lên 41 tỷ đồng). Tuy nhiên, chi phí hoạt động của KLS bất ngờ tăng vọt từ 0.4 tỷ lên 100 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 87 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty, đây cũng là "thủ phạm" gây ra khoản lỗ lớn cho KLS trong quý 3/2015.

Ngoài ra, tại một số CTCK khác có lãi trong quý 3/2015, lợi nhuận cũng không mấy khả quan. Đặc biệt như VCBS, lãi quý 3/2015 của công ty chỉ hơn 4 tỷ đồng, bằng 1/10 cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân bên cạnh việc doanh thu lao dốc còn do chi phí hoạt động tăng 55% lên 43 tỷ đồng. Theo giải trình của VCBS, công ty cho biết thanh khoản trên thị trường không tốt và việc trích lập dự phòng cổ phiếu đã ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Còn tại BVS, chi phí quản lý doanh nghiệp quý 3/2015 cao gấp 2.5 lần cùng kỳ đã kéo lãi sau thuế giảm 41% xuống còn 17 tỷ đồng.

Một gương mặt nằm trong số ít các công ty tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3/2015 là CTCK VPBank (VPBS) với mức tăng 23%, đạt gần 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, VPBS cũng lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 4 tỷ và nhờ “cứu cánh” từ lợi nhuận khác gần 14 tỷ đồng. Được biết, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hiện đang có ý định chuyển nhượng 86.33 triệu cp VPBS, tương ứng tỷ lệ 89% vốn (VPBank sẽ giữ lại 11% vốn VPBS), dự kiến thực hiên trong quý 4/2015 - quý 1/2016.

Ở chiều ngược lại, CTCK Maritime (MSI) trở thành điểm sáng hiếm hoi trên thị trường với doanh thu quý 3/2015 tăng trưởng 62% lên 87 tỷ đồng (chủ yếu từ hoạt động đầu tư). Lãi sau thuế của MSI cũng cao gần gấp 4 lần cùng kỳ với hơn 36 tỷ đồng. Còn với BSI, mặc dù doanh thu của công ty giảm đáng kể 24% nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng 10% nhờ chi phí hoạt động giảm 23% (đạt 87 tỷ) và chi phí quản lý doanh nghiệp âm hơn 10 tỷ đồng.

Doanh thu và lợi nhuận quý 3/2015 của các CTCK đã công bố
ĐVT: triệu đồng

Minh Hằng

Các tin tức khác

>   21/10: Bản tin 20 giờ qua (21/10/2015)

>   26/10: Bản tin đầu tuần (26/10/2015)

>   Phân kỳ giá xuống có đáng lo ngại? (21/10/2015)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 21/10 (21/10/2015)

>   PTKT phiên chiều 20/10/2015: Bearish Engulfing xuất hiện (20/10/2015)

>   Ngừng hoạt động giao dịch đối với Công ty Cổ phần Chứng khoán Vina để chấm dứt tư cách thành viên tự nguyện (20/10/2015)

>   Khai giảng lớp Lướt sóng – Nghệ thuật đầu tư ngắn hạn và lớp Phân tích Kỹ thuật Bậc 1, Bậc 2 (20/10/2015)

>   Khai giảng lớp Lướt sóng – Nghệ thuật đầu tư ngắn hạn và lớp Phân tích Kỹ thuật Bậc 1, Bậc 2 (23/10/2015)

>   Khai giảng lớp Lướt sóng – Nghệ thuật đầu tư ngắn hạn và lớp Phân tích Kỹ thuật Bậc 1, Bậc 2 (27/10/2015)

>   HAG, HNG: Nhắc nhở chậm công bố BCTC lần 2 (02/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật