Mũi tên trúng nhiều đích
Nhiều bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào cuộc xung đột ở Syria cũng đồng thời là các nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới. Vì vậy, việc Nga can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria sẽ tác động ra sao tới các nhà sản xuất năng lượng và giá dầu mỏ trên toàn cầu là điều cần xem xét.
Tổng thống Nga V.Putin (trái) và Hoàng thân Salman bin Abdulaziz Al Saud của Ảrập Saudi (phải) thảo luận về biện pháp ổn định thị trường dầu sau khi giá dầu giảm mạnh vào cuối năm 2014. Ảnh: BUSINESSINSIDER.COM
|
Trở lại vũ đài
Theo hãng tin Nga RIA Novosti, giá dầu thế giới đã tăng 12% trong tháng 10, mức cao nhất trong vòng hai tháng qua. Điều này xảy ra ngay sau khi Nga bắt đầu tiến hành không kích các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria ngày 30-9.
Cuối tuần trước, giá dầu thô Mỹ WTI lần đầu tiên đạt mức giao dịch hơn 50 đô la Mỹ/thùng, sau khi hạ xuống thấp nhất trong vòng sáu năm qua hồi cuối tháng 8.
Tờ Wall Street Journal dẫn nhận định của nhóm tư vấn NUS cho rằng, giá dầu thô đã phản ứng với tình trạng bất ổn và bạo lực ở Trung Đông, một trong những vùng sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Mặc dù Syria không có trữ lượng dầu đáng kể, song giá dầu tăng do những lo ngại về việc xung đột có thể lan sang các khu vực rộng lớn hơn.
Sự can thiệp quân sự của Nga đang khiến cho cuộc chiến tranh kéo dài 54 tháng qua ở Syria trở nên ngày càng phức tạp. Trước những ý kiến khác nhau về hành động bất ngờ của Nga, Tổng thống V.Putin đầu tuần này đã khẳng định trong bài phỏng vấn trên truyền hình Rossiya One: “Nhiệm vụ của chúng tôi là nhằm ổn định chính quyền hợp pháp (của Tổng thống Bashar al-Assad)”.
Theo nhận định của các nhà phân tích trên tờ The Guardian (Anh), Syria là nơi có căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở Trung Đông và Syria từ lâu đã là khách hàng mua vũ khí của Nga, đồng thời là nhà cung cấp cho Nga các thông tin tình báo trong khu vực. Ông Putin không thể đứng nhìn chính quyền của Tổng thống al-Assad sụp đổ. “Bằng cách bước chân vào Syria, ông Putin sẽ làm chệch hướng chú ý của thế giới đối với vấn đề Ukraine và dệt nên một câu chuyện mới. Tổng thống Putin sẽ trở thành người gìn giữ hòa bình, dẫn đầu trọng trách chống khủng bố trong khi nước Mỹ còn đang do dự”, tờ The Guardian bình luận.
Chiến tranh kéo dài ở Trung Đông được cho là có lợi đối với Nga, khi giá dầu và khí đốt nhiều khả năng sẽ tăng, giúp nước Nga có điều kiện phục hồi kinh tế, đồng thời khiến cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây trở nên vô dụng. Càng bước sâu vào Trung Đông, Tổng thống Putin càng có cơ hội kiểm soát thị trường năng lượng. Với việc Iran và Iraq đang trở thành đồng minh, Nga có thể sẽ một lần nữa buộc châu Âu phải dựa vào mình như một nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu.
Quân bài dầu khí
Trong vài năm qua, các mối đe dọa đối với ngành công nghiệp năng lượng của Nga đang ngày một nhân rộng. Đầu tiên là các khoản doanh thu từ xuất khẩu dầu và khí đốt phải đối mặt với áp lực lớn từ quyết sách của các nhà xuất khẩu trong khối OPEC, nhất là Ảrập Saudi.
Khi giá dầu thế giới giảm, thay vì giảm sản lượng để đẩy giá lên thì nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - Ảrập Saudi -lại quyết định duy trì nguồn cung, để cho thị trường định giá, nhằm nỗ lực giành thị phần.
Tiếp đó, việc Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu áp đặt và duy trì các biện pháp trừng phạt Nga sau các cuộc xung đột ở Crimea và miền Đông Ukraine khiến sản lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên giảm mạnh.
Theo nhận định của tờ BusinessInsider, việc Nga tham gia chiến dịch quân sự ở Syria cũng là nhằm để đối phó với Ảrập Saudi. Ảrập Saudi là nước chỉ trích mạnh nhất các cuộc không kích của Nga và có những dấu hiệu cho thấy quốc gia này đang chuẩn bị tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự cho quân nổi dậy chống Tổng thống al-Assad. Đó là một phần trong kế hoạch rộng hơn của Ảrập Saudi là muốn xua tan ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Sự tham gia của Nga làm leo thang xung đột ở Syria và gia tăng áp lực lên ngân sách vốn đã căng thẳng của Ảrập Saudi. Lúc đầu, quốc gia Trung Đông này chấp nhận giá dầu thấp, bởi họ có thể bù đắp bằng nguồn lực của mình. Nhưng giờ đây, Ảrập Saudi bắt đầu cảm thấy căng thẳng do chi tiêu tốn kém vào các chiến dịch quân sự trong những năm qua. Tình hình trở nên trầm trọng khi các nhà quản lý tài sản nước ngoài đã rút 70 tỉ đô la Mỹ khỏi Ảrập Saudi do những bất ổn trong khu vực. Trong bối cảnh đó, liệu Ảrập Saudi có thể tiếp tục chính sách duy trì sản lượng cung dầu mỏ?
Tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Nga phụ trách năng lượng, Arkady Dvorkovich đưa ra nhận xét mỉa mai rằng: “Các nhà sản xuất của OPEC đang phải chịu những tác động ngược khi họ đang làm ngập thế giới với sản lượng dư thừa”. Ông Dvorkovich bày tỏ sự hoài nghi về việc, liệu các thành viên OPEC có thực sự muốn sống với giá dầu thấp trong một thời gian dài hay không, và ngụ ý rằng chính sách của Ảrập Saudi là không hợp lý.
Giá dầu thô đã phản ứng với tình trạng bất ổn và bạo lực ở Trung Đông, một trong những vùng sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Mặc dù Syria không có trữ lượng dầu đáng kể, song giá dầu tăng do những lo ngại về việc xung đột có thể lan sang các khu vực rộng lớn hơn.
|
Theo phân tích của tạp chí Enterstageright, Nga đang vận động để phân chia OPEC thành hai khối nhằm cô lập Ảrập Saudi với các thành viên Arab vùng Vịnh. Trong OPEC, các nước ủng hộ chính sách của Ảrập Saudi gồm có Kuwait, các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Qatar. Các thành viên phản đối gồm Iran, Iraq, Angola, Nigeria, Libya, Algeria, Ecuador, và Venezuela.
Một liên minh chiến lược với Iran và Iraq giúp Nga gia tăng áp lực với Ảrập Saudi. Nga cũng có thể hợp tác với Iran và Iraq để giành lấy thị phần của Ảrập Saudi tại thị trường quan trọng Trung Quốc. Theo hãng tin Bloomberg, Ảrập Saudi, Iran, Nga, Iraq và các nước khác đang ganh đua mãnh liệt để bán hàng cho Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và là nguồn tiêu thụ chủ yếu của dầu mỏ trong những năm tới.
Hơn nữa, trong việc lựa chọn các nhà cung cấp dầu thô và khí đốt tự nhiên, an ninh được coi là một yếu tố quan trọng đối với các nhà nhập khẩu. Trung Quốc, do cảnh giác với sức mạnh hải quân của Mỹ, thường thích đường ống cung cấp khí đốt tự nhiên hơn khí hóa lỏng chở bằng đường biển. Nga được hưởng một lợi thế quyết định so với Ảrập Saudi và các nhà sản xuất vùng Vịnh Ảrập, vốn phụ thuộc vào vận tải biển qua Vịnh Persian Gulf và Biển Đỏ để chở dầu và khí đốt hóa lỏng.
Tổng thống Nga V.Putin đang chơi một ván bài đầy mạo hiểm ở Trung Đông và sẽ phải tính toán cẩn thận. Nếu nặng tay, ông sẽ làm gia tăng lo ngại ở Châu Âu khi phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Nỗi sợ hãi này cũng sẽ được đánh thức ở Trung Quốc và có thể họ sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp khác. Nếu xử sự không khéo, Nga có nguy cơ tiếp tục đối đầu với Mỹ và châu Âu ở Syria, dẫn đến việc phương Tây mở rộng và tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nhằm vào chính quyền của Tổng thống Putin.
Minh Đức
tbktsg
|