Lilama: Sau cổ phần hóa, nhà nước còn nắm 51%
Theo phương án cổ phần hóa Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Công ty TNHH MTV (Lilama), nhà nước vẫn sẽ sở hữu 51% vốn Lilama sau cổ phần hóa.
Cụ thể, giá trị Công ty mẹ Lilama cổ phần hóa là 5,855 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn góp nhà nước là 780 tỷ đồng. Giá trị trên không bao gồm các khoản đầu tư dài hạn, nợ phải thu khó đòi của CTCP Tôn Việt Pháp và CTCP Lilama Hà Nội với tổng số tiền 475 tỷ đồng.
Nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư (mua sắm máy móc thiết bị) cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trong năm 2015 khoảng 4,973 tỷ đồng gồm 1,122 tỷ đồng huy động từ nguồn tín dụng, 2,941 tỷ chiếm dụng khách hàng và các đối tượng khác, vốn tự có khoảng 910 tỷ đồng.
Theo BCTC tại ngày 30/06/2014, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 8.85 lần (5,074 tỷ/573 tỷ). Do vậy, mức vốn điều lệ được xác định là 1,500 tỷ đồng để góp phần giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu về mức hợp lý.
Sau cổ phần hóa, dự kiến cơ cấu vốn điều lệ theo cổ phần sở hữu của cổ đông gồm 51% nhà nước sở hữu, 1.6% cán bộ công nhân viên và 47.4% chào bán công khai, ứng với 71.1 triệu cp.
Đối với 71.1 triệu cp đấu giá công khai, mức giá khởi điểm được đề xuất là 10,000 đồng/cp. Trong đó, tối đa 36.75 triệu cp được bán cho cổ đông chiến lược.
Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là có cam kết nắm giữ cp tại Lilama tối thiểu 5 năm, cam hết hỗ trợ cho sự phát triển của Lilama cả về nhân lực và công nghệ. Khối lượng đặt mua tối thiểu 7.5 triệu cp, ứng với 5% vốn điều lệ.
Ngọc Điểm
|