KQKD quý 3/2015: Những câu chuyện lật ngược thế cờ
Theo thống kê của Vietstock, tính đến hết ngày 24/10, có 331 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 3/2015 đầy đủ với đa phần ghi nhận lợi nhuận dương. Đặc biệt có 42 doanh nghiệp đã “lật ngược thế cờ” giữa lãi và lỗ trong quý 3 này.
Lãi tan biến!
Toàn thị trường có 25 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ trong quý 3/2015. Nổi bật trong danh sách này là Than Mông Dương - Vinacomin (MDC) với mức lỗ gần 118 tỷ đồng. Nguyên nhân mưa lớn khiến toàn bộ mỏ của MDC bị ngập nước, vì thế trong quý 3, MDC đã hạch toán hơn 92 tỷ đồng chi phí để xử lý sự cố này. Cùng với khoản lỗ hơn 17 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015, MDC ghi nhận mức lỗ sau 9 tháng là 135 tỷ đồng.
25 DN chuyển từ lãi sang lỗ quý 3/2015
ĐVT: Triệu đồng
|
Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) cũng quay trở lại trạng thái lỗ 24.5 tỷ đồng sau 6 quý liên tiếp có lãi. Theo giải trình của BTS, sở dĩ lãi ròng âm do sản lượng tiêu thụ và giá thu về đều giảm, trong khi đó chi phí quản lý lại tăng gần 13 tỷ đồng do chi phí sửa chữa tăng (đây là các khoản chi phí được Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam phê duyệt). Thêm vào đó, lỗ chênh lệch tỷ giá thanh toán và đánh giá lại tăng 22.5 tỷ đồng, chiết khấu thanh toán tăng 3.6 tỷ đồng đã khiến công ty bị lỗ trong quý 3 vừa qua.
Tiếp theo đà thua lỗ trong quý 2, Thuận Thảo (GTT) tiếp tục âm lợi nhuận hơn 25 tỷ đồng trong quý 3/2015. Theo GTT, doanh thu quý 3/2015 chỉ ở mức 52 tỷ đồng, giảm 17% do công ty thắt chặt các mảng kinh doanh không hiệu quả, trong khi chi phí chiếm tới gần 78 tỷ đồng khiến lợi nhuận thuần âm 26 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, GTT lỗ hơn 82.5 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế đến cuối quý 3/2015 lên con số hơn 265 tỷ đồng, chiếm hơn 60% vốn điều lệ thực góp.
Sản xuất và Kinh doanh Kim khí (KKC) cũng báo lỗ 11 tỷ đồng trong quý 3 vừa qua do giá vốn chiếm tới 111 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ ở mức 105 tỷ đồng khiến lỗ gộp 6 tỷ đồng. Cộng thêm các loại chi phí khác, KKC lỗ ròng 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 1.6 tỷ đồng.
Thoát lỗ - tín hiệu khả quan?
Ngược lại cũng có tới 17 doanh nghiệp nỗ lực vượt khó lật ngược thế cờ từ lỗ của cùng kỳ để ghi nhận những con số lợi nhuận dương trong quý 3/2015.
Sau khi về với Tập đoàn Geleximco, Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) đã có những kế hoạch khá táo bạo như tăng vốn từ 386 tỷ lên hơn 2,000 tỷ đồng, lợi nhuận từ con số lỗ 79 tỷ của năm 2014 lên lãi tới 350 tỷ đồng. Nếu kế hoạch này được thực hiện, trong năm 2015 SHN sẽ xóa sạch lỗ lũy kế từ 2011, 2012 và 2014 để lại.
Và ngay trong quý đầu tiên sau khi có sự xuất hiện của nhóm Geleximco, SHN ghi nhận lãi 12 tỷ đồng công ty mẹ, trong khi cùng kỳ âm tới 72 tỷ đồng. Theo SHN, doanh thu quý 3/2015 tăng mạnh do công ty ký hợp đồng dịch vụ bất động sản với CTCP Ngôi sao An Bình và đã hoàn thành một phần khối lượng công việc theo tiến độ. Thêm vào đó, chi phí tài chính giảm mạnh 72 tỷ đồng do công ty không phải trích lập các khoản dự phòng giảm giá đầu tư, đồng thời số dư tiền vay giảm nên chi phí lãi vay trong kỳ giảm.
Trong khi đó, đối với Quốc tế Hoàng Gia (RIC) việc chuyển từ lỗ 37 tỷ đồng ở cùng kỳ sang lãi tới 127 tỷ đồng trong kỳ này chủ yếu nhờ tiền đền bù khu công viên tới 138 tỷ đồng. Còn doanh thu chính chỉ tăng 17% so cùng kỳ do công ty đã thúc đẩy các biện pháp mở rộng thị trường đặc biệt là thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản để đưa khách về công ty, kết quả là từ cuối tháng 4/2015 doanh thu từ cho thuê phòng tăng cao. Thêm vào đó, chi phí quản lý cùng kỳ tới 22 tỷ đồng trong khi kỳ này không có do công ty tiến hành phân bổ chi phí trước hoạt động của khách sạn Hoàng Gia Hạ Long.
17 DN chuyển từ lỗ sang lãi quý 3/2015
Đvt: Triệu đồng
|
Thủy điện Miền Trung cũng là đơn vị ghi nhận sự vượt trội về kết quả kinh doanh trong quý 3 vừa qua khi thu về 15 tỷ đồng lãi ròng. Lũy kế 9 tháng chỉ tiêu này đạt mức 149 tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch. Theo CHP, nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi, lượng nước về hồ nhiều nên sản lượng phát điện trong quý 3/2015 tăng so với cùng kỳ.
Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí (PXT) thì cho biết, công ty đang trong giai đoạn tái cấu trúc tổng thể từ nhân sự, mô hình sản xuất đến tài chính nên bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan dù chỉ lãi 5.6 tỷ đồng. Bởi trong quý 3/2015, các hạng mục thi công tại dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được công ty đồng loạt triển khai và đẩy nhanh tiến độ, nghiệm thu lên phiếu giá. Bên cạnh đó, kế hoạch tái cấu trúc về tài chính có dấu hiệu tích cực, ngoài việc nỗ lực đàm phán với các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay phát sinh trong năm 2014 trở về trước, PXT chủ động thu hồi công nợ tồn đọng để trả nợ ngân hàng đồng thời hạn chế tối đa việc giải ngân các hạn mức tín dụng dể thực hiện các hợp đồng đang thi công.
PXT cũng cho biết, trong quý 4/2015 công ty sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công việc tại dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, các hợp đồng sửa chữa giàn khoan với xí nghiệp liên doanh Việt Nga và một số hợp đồng mới sẽ triển khai trong quý 4.
Thanh Nụ
|