JVC: Sau cơn mưa, trời lại sáng?
Hàng loạt các dự án đầu tư liên kết, dự án bán hàng đang được triển khai và lợi thế từ độc quyền trong việc cung ứng thiết bị y tế liệu có đủ để giúp CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (HOSE: JVC) vượt qua được giai đoạn khó khăn này và quay trở lại thời kỳ hoàng kim?
Vượt qua khó khăn
Câu chuyện của JVC bắt đầu từ khi biến cố xảy đến với ông Lê Văn Hướng – Nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty. Mặc dù đây là những sai phạm mang tính cá nhân nhưng với cương vị là người đứng đầu của JVC, hoạt động của Công ty cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định.
Sự việc này đã tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh của JVC ngay sau đó. Cụ thể, kết thúc quý 1/2015 (niên độ tài chính 01/04 - 31/03), doanh thu ghi nhận của JVC là 89 tỷ đồng, giảm 53% so với mức 190 tỷ đồng cùng kỳ. Lãi sau thuế của đơn vị cũng chỉ đạt 3.8 tỷ đồng, giảm 83%. Theo JVC, nguyên nhân này là do những biến cố làm thay đổi ban lãnh đạo dẫn đến các dự án đang triển khai phải trì hoãn và không ghi nhận được lợi nhuận.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở một góc độ tích cực hơn thì với những biến cố xảy ra mà JVC vẫn không thua lỗ cũng đã là những tín hiệu khả quan, phần nào cho thấy được sự nỗ lực của ban lãnh đạo JVC trong giai đoạn khó khăn này. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 lần thứ nhất vừa diễn ra cách đây không lâu, ban lãnh đạo JVC cho biết những khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của Công ty đang dần được khắc phục và giải quyết.
Đến thời điểm hiện tại, JVC cho biết gần 200 dự án đầu tư liên kết mà Công ty đã triển khai, tương ứng với 250 hệ thống máy đã và đang hoạt động ổn định. Chính sách bán vật tư tổng hợp (VTTH) mà Công ty đã triển khai trong năm 2014 hiện vẫn duy trì được đà tăng trưởng về doanh thu và điều đó sẽ tiếp tục triển khai trong năm tài chính 2015.
Ngoài ra, đại diện JVC cũng cho biết các dự án container của Công ty hiện đã hoàn thiện 30 hệ thống và sẽ bắt đầu triển khai tại các tỉnh phía Nam từ tháng 11 năm nay. Riêng các dự án bán hàng đang triển khai như dự án Bệnh viện Cu Ba Đồng Hới – Quảng Bình (80 tỷ đồng), dự án Bến Tre (gần 20 tỷ), dự án Bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng (10 tỷ đồng),... sắp được hoàn thiện kỳ vọng sẽ tạo nguồn thu lớn và đảm bảo dòng tiền cho hoạt động.
Bên cạnh đó, việc bị ngân hàng cưỡng chế nợ, buộc đưa dư nợ ngắn hạn và dài hạn tại Vietinbank về 0 đồng vô hình trung sẽ giảm áp lực thanh toán cũng như trả lãi vay cho JVC trong tương lai. Theo chia sẻ của đại diện JVC, việc dư nợ và lãi vay ngân hàng giảm đáng kể giúp cho chi phí lãi vay mà JVC phải chịu hiện tại đã giảm từ hơn 4 tỷ/tháng xuống chỉ còn gần 1 tỷ đồng/tháng.
Chi phí tài chính của JVC 4 quý gần nhất (Đvt: Triệu đồng)
Một vấn đề là nữa tại JVC chính là hàng tồn kho, hiện đến cuối tháng 6 vẫn còn hơn 328 tỷ đồng (giảm nhẹ so với thời điểm 31/03). Theo JVC, Công ty đang triển khai bán hàng tồn kho cho đối tượng khách hàng tư nhân trên khắp cả nước, do đó sẽ giải quyết bài toán này trong năm tài chính 2015.
Có tận dụng được lợi thế độc quyền?
JVC không chỉ là một công ty cung ứng thiết bị y tế đơn thuần, Công ty còn được biết tới là đại lý độc quyền, nhà phân phối chính của nhiều hãng thiết bị y tế lớn của Nhật Bản như Hitachi, Fuji, Konica, Toray, Fukuda, Boeiki,... Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư được tổ chức đầu tháng 7/2015, đại diện Hitachi khi đó cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cũng JVC bất chấp những khó khăn ở thời điểm hiện tại, đồng thời Hitachi cũng cam kết sẽ tiếp tục để JVC là đơn vị phân phối độc quyền một số thiết bị y tế cao cấp của công ty này tại thị trường Việt Nam.
Đây là một lợi thế mà không phải doanh nghiệp nào trong ngành cũng có được. Đại diện JVC cho biết, trong tương lai Công ty sẽ tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh như các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hoá, máy chạy thận và tăng cường bán buôn thay vì bán lẻ hoặc đấu thầu trực tiếp như trước đây để đẩy mạnh doanh thu bán thiết bị y tế trong thời gian tới, đặc biệt là tận dụng được lợi thế độc quyền đối với một số sản phẩm cao cấp.
Trong chiến lược thúc đẩy tăng doanh thu bán VTTH, JVC cho hay sẽ tiếp tục tăng cường triển khai lắp đặt máy in, máy chạy thận nhân tạo, máy xét nghiệm sinh hoá,.., đồng thời tăng cường, thắt chặt mối quan hệ với các bệnh viện để đẩy mạnh hoạt động đầu tư liên kết.
Thêm vào đó, để mở rộng thị trường, Công ty sẽ triển khai khám sức khỏe cho các khu công nghiệp trên diện rộng (phía Nam, phía Bắc, KCN trọng điểm miền Trung) thay vì chỉ tập trung khám sức khỏe cho các tỉnh lân cận Hà Nội như trước đây.
Một điểm cộng nữa được JVC nêu ra là tình hình tài chính của Công ty hiện tại đã bớt khó khăn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đã dần ổn định, một số ngân hàng cũng sẵn sàng cấp tín dụng cho công ty như Techcombank, BIDV, Vietcombank trong trường hợp JVC có nhu cầu bổ sung hoặc mở rộng kinh doanh.
Nhìn chung lại, JVC vẫn tự tin còn rất nhiều yếu tố hỗ trợ có thể giúp Công ty vượt qua giông bão để trở lại thời kỳ hoàng kim.
Đăng Tùng
|