Dự trữ ngoại hối Trung Quốc xuống đáy hai năm
Từ đầu năm đến nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm trung bình mỗi tháng 36,5 tỷ USD
Dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong tháng 9, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013, cho thấy Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC) duy trì can thiệp vào thị trường để hỗ trợ tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Theo tờ Financial Times, trong tháng 9, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 43 tỷ USD, còn 3.514 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2012.
Trước đó, trong tháng 8, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm gần 94 tỷ USD, mức giảm mạnh chưa từng có.
Giới phân tích cho rằng việc dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm liên tục là do PBoC can thiệp vào thị trường nhằm “đỡ” tỷ giá Nhân dân tệ sau động thái phá giá bất ngờ hôm 11/8.
Bắc Kinh một mặt phá giá đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ cho các công ty xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng mặt khác cũng không muốn đồng Nhân dân tệ giảm giá sâu bởi điều đó sẽ dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn và bất ổn gia tăng.
Từ đầu năm đến nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm trung bình mỗi tháng 36,5 tỷ USD. Tháng duy nhất từ đầu năm chứng kiến dự trữ ngoại hối của nước này tăng là tháng 4.
Nhờ thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc, dự trữ ngoại hối của nước này đạt đỉnh 4.000 tỷ USD vào tháng 6/2014, sau đó đảo chiều đi xuống.
So với mức đỉnh, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện giảm 12%, nhưng vẫn còn rất lớn để nước này có thể duy trì chính sách kiểm soát tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Số liệu do PBoC công bố ngày 7/10 cũng cho thấy tính đến cuối tháng 9, giá trị dự trữ vàng của Trung Quốc là 61,2 tỷ USD, giảm từ mức 61,8 tỷ USD trong tháng 8.
Diệp Vũ
vneconomy
|