Thứ Sáu, 16/10/2015 13:14

Doanh nghiệp niêm yết rót vốn vào bóng đá: Kẻ khóc người cười

Việc doanh nghiệp niêm yết chịu chi ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư vào môn thể thao vua - bóng đá, tất nhiên không thể cân đo đong đếm lợi ích qua lời lãi thu được trực tiếp. Theo thời gian, nhiều ông bầu đã phải dứt tình với bóng đá trong khi đó nổi lên một tên tuổi rất mới - FLC.

Tại giải vô địch quốc gia năm nay, trong 14 đội tham dự chỉ có 3 đội mang dấu ấn của những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là FLC, HAG, và SHB. Còn lại HVG, NVB, SQC, ACBTDC đã nói lời từ giã sân cỏ này.

CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - đơn vị chuyên tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, có vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2014, ngoài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sở hữu lớn nhất 35.4%, còn có 17 cổ đông sáng lập khác hầu hết cùng sở hữu 3.9% vốn. Trong đó có những cái tên ít nhiều dính dáng đến các doanh nghiệp như CTCP Thể thao Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Thể thao bóng đá Bình Dương, CTCP Thể thao SHB Đà Nẵng, CTCP Thể thao T&T, CTCP Bóng đá Thanh Hóa, Công ty TNHH Thể thao Đồng Tâm…

Điểm nổi bật trong 3 đơn vị này là cái tên FLC. Gần đây nhất, trong khi các ông bầu khác nói lời chia tay với bóng đá thì CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) quyết định góp vốn thành lập CTCP Bóng đá FLC Thanh Hóa vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó FLC góp từ 80% đến 90% vốn đăng ký hoạt động. Và Chủ tịch Trịnh Văn Quyết được cử làm người đại diện quản lý phần vốn của FLC tại đây.

Ngoài đầu tư vào đội bóng xứ Thanh, FLC cũng đang là nhà đầu tư trong nước lớn nhất vào tỉnh này trong các lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản nhà ở, khu công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao… với tổng mức đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng.

Trước khi đến với bóng đá, FLC cũng đã có nhiều hoạt động gắn với thể thao, đặc biệt là đầu tư vào giải golf lớn nhất Việt Nam - FLC Golf Championship với tổng giá trị giải thưởng lên tới gần 60 tỷ đồng. Rồi đầu tư vào giải quần vợt FLC 2015, đầu tư khu Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn…

FLC vừa chính thức góp vốn thành lập CTCP Bóng đá FLC Thanh Hóa trong tháng 9/2015

Cái tên FLC cũng nổi lên mạnh trong vài năm gần đây  gắn liền với hàng loạt dự án đình đám như khu công nghiệp kiểu mẫu FLC Hoàng Long, tháp đôi 265 Cầu Giấy, xây dựng sân golf tại Quảng Bình và Bình Định, KCN Chấn Hưng… Hoạt động kinh doanh của FLC cũng ghi nhận nhiều chuyển biến với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt.

 

Một số chỉ tiêu tài chính qua các năm của FLC
Đvt: Triệu đồng

Còn HAG và SHB đã là hai cái tên quen thuộc của làng bóng đá. CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) bắt đầu bén duyên với bóng đá khi năm 2001 tài trợ cho đội bóng Gia Lai, sau đó đội bóng này mới được chuyển giao cho HAG quản lý và đổi tên thành Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai vào năm 2002. Đến năm 2007, HAG gây nhiều bất ngờ khi mạnh tay trong việc mở Học viện Bóng đá hợp tác với CLB bóng đá Anh là Arsenal.

Năm 2009, CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai chính thức được chuyển đổi thành CTCP Thể thao Hoàng Anh Gia Lai với vốn điều lệ 115 tỷ đồng, trong đó HAG sở hữu trực tiếp và gián tiếp tổng cộng 63.56%, tức hơn 73 tỷ đồng. Còn theo báo cáo thường niên 2014, HAG đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Thể thao Hoàng Anh Gia Lai lên 69.2%. Chủ tịch HAG – Ông Đoàn Nguyên Đức đến nay đã gắn chặt với tên gọi bầu Đức.

Vào thời hoàng kim của bất động sản, HAG đã gặt hái được những thành công lớn khi lợi nhuận tăng trưởng cao. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, bất động sản theo đó cũng đóng băng, HAG đã chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp không chỉ trong nước mà còn vươn ra tại Lào và Myanmar. Năm 2014, hoạt động dịch vụ (trong đó có bóng đá) đã mang về cho HAG 224 tỷ đồng doanh thu chủ yếu từ bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai và kinh doanh khách sạn.


Đội hình của Hoàng Anh Gia Lai
Đội hình SHB Đà Nẵng

Năm 2008, CLB Bóng đá Đà Nẵng đổi tên thành SHB Đà Nẵng sau khi Sở thể dục thể thao TP Đà Nẵng chuyển giao đội bóng cho Ngân hàng SHB. Một năm sau, câu lạc bộ chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang thành CTCP Thể thao SHB Đà Nẵng với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, còn mức đầu tư là trên 55 tỷ đồng.

Quy mô đầu tư của SHB cho mảng này cũng xếp vào hàng hoành tráng khi năm 2011, công bố rót hơn 700 tỷ đồng xây dựng trung tâm thể dục thể thao thuộc CLB SHB Đà Nẵng. Về hoạt động ngân hàng, SHB cũng đã trải qua khá nhiều biến động sau khi nhận về Habubank (HBB) và hiện đang có kế hoạch sáp nhập Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) trong xu thế tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Vị Chủ tịch ngân hàng này – ông Đỗ Quang Hiển cũng thường được nhắc đến với tên gọi bầu Hiển. Hiện ông còn là Chủ tịch của Tập đoàn T&T với đội bóng đang trụ hạng là T&T Hà Nội.  

Ngoài những doanh nghiệp niêm yết đầu tư vào đội bóng riêng, còn có những cái tên khá nổi trong làng bóng đá và đang trụ hạng liên quan đến doanh nghiệp như Đồng Tâm Long An (gắn với bầu Thắng – Chủ tịch CTCP Đồng Tâm và Ngân hàng KienLongBank), Than Quảng Ninh... Còn đội bóng KienLongBank Kiên Giang mà năm 2011, KienLongBank chi 7.5 tỷ để thành lập CTCP Bóng đá KienLongBank Kiên Giang nay đang vẫn chưa thể giải tán do còn nợ lương cầu thủ, nhân viên… và còn liên quan đến nhiều sai phạm.

Không có đội bóng nhưng Eximbank (HOSE: EIB) lại rót khá nhiều vốn để tài trợ cho các giải đấu bóng đá. Tuy nhiên, việc này dường như không nhận được sự đồng thuận từ các cổ đông nhỏ lẻ của ngân hàng. Đặc biệt, tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, cổ đông thắc mắc liệu vị Chủ tịch Lê Hùng Dũng cũng đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có mâu thuẫn quyền lợi hay không; rồi chi phí hoạt động khác năm 2014 tăng đột biến liệu có liên quan đến tài trợ bóng đá… Với nhiều khúc mắc, năm 2014 EIB cho biết đã cắt hoàn toàn chi phí tài trợ cho môn thể thao này.

“Đắng lòng” giã từ sân cỏ

Hàng loạt những tên tuổi đình đám đồng hành với môn thể thao này đã phải rút lui như CTCP KD & PT Bình Dương (HOSE: TDC) với CLB Bóng đá TDC Bình Dương, Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank – NVB – nay đổi tên thành Ngân hàng Quốc dân) với CLB Bóng đá Navibank Sài Gòn, CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) gắn với CLB Bóng đá Hùng Vương An Giang, CTCP Khoáng Sản Sài Gòn - Quy Nhơn (HNX: SQC) với SQC Bình Định hay Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) với Hà Nội ACB. Trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế những năm trước, nhiều đơn vị cầm cự được hoạt động kinh doanh chính của mình đã là một khó khăn, bởi thế việc từ giã sân cỏ là điều dễ hiểu.

Năm 2009, Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank - NVB) của ông Đặng Thành Tâm tiến hành mua lại CLB Bóng đá Quân khu 4 đồng thời thành lập CTCP Bóng đá Navibank Sài Gòn do Chủ tịch Nguyễn Vĩnh Thọ quản lý. Thông tin về giá trị đợt chuyển giao này cũng hiếm hoi nhưng theo báo cáo thường niên, NVB đã tài trợ cho công ty này 16.6 tỷ đồng.

Đến năm 2012, từ một nhà băng lãi hàng trăm tỷ rớt xuống còn vài tỷ đồng, thêm vào đó các công ty liên quan trong nhóm của ông chủ Đặng Thành Tâm như KBC, SQC cũng gặp khó đã ông chủ Đặng Thành Tâm quyết định bỏ bóng đá và Navibank Sài Gòn được Công ty Xuân Thủy của bầu Thụy mua về với giá 21 tỷ đồng. Tuy nhiên số phận CLB này cuối cùng cũng bị giải thể do bầu Thụy muốn đưa Navibank Sài Gòn về Hà Tĩnh nhưng địa phương này không nhận.

Cũng thuộc nhà Đặng Thành Tâm, năm 2009 CTCP Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn (HNX: SQC) rót 4.56 tỷ đồng vào đội bóng của CTCP Bóng đá SQC Bình Định. Tuy nhiên đến năm 2011, báo cáo tài chính của SQC này đã không còn khoản mục đầu tư vào công ty con này nữa.

Đội hình một thời của Navibank Sài Gòn

Năm 2012, không chỉ giới tài chính mà cả giới thể thao cũng bất ngờ với tin Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội ACB Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt. Bầu Kiên chính là cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) – đơn vị đã chi 300 tỷ đồng vào CTCP Thể thao ACB (theo bản cáo bạch 2006 của ACB). Tuy nhiên cùng với những biến cố liên quan đến bầu Kiên, khoản đầu tư này đã không còn trên BCTC 2012 của ACB.

Bầu Kiên và Hà Nội ACB một thời

Bên cạnh việc kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất thủy sản, CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) cũng được giới yêu bóng đá biết đến khi gắn liền với cái tên CTCP Bóng đá Hùng Vương An Giang (HAF) vào năm 2011 với tỷ lệ nắm giữ 48%, tương ứng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế theo truyền thông đưa tin thời bấy giờ, UBND tỉnh An Giang sẽ góp vốn bằng cơ sở vật chất, còn HVG góp bằng tiền mặt bằng việc trích khoảng 40 tỷ đồng để CLB có kinh phí hoạt động.

Theo thông tin báo chí, năm 2014, CTCP Bóng đá Hùng Vương An Giang đã đi đến quyết định giải thể và chuyển tất cả về Trung tâm đào tạo bóng đá tỉnh An Giang nắm. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính 6 tháng 2015, HAF là công ty con của HVG với tỷ lệ nắm giữ 51.98%.

Hùng Vương An Giang một thời

Minh An

Các tin tức khác

>   Chứng khoán Đà Nẵng: 9 tháng lãi ròng 5 tỷ đồng (16/10/2015)

>   MBKE: Lãi ròng quý 3 giảm 41% do tác động của thị trường (16/10/2015)

>   STG: Nghị quyết HĐQT thông qua việc vay huy động từ tổ chức hoặc cá nhân và phát hành trái phiếu không chuyển đổi (16/10/2015)

>   DHC: Lãi ròng lũy kế 9 tháng 50 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch (16/10/2015)

>   ATA: Không được xuất hàng sang Mỹ, quý 3 tiếp tục lỗ hơn 600 triệu đồng (16/10/2015)

>   ATA: Giải trình biến động KQKD quý 3,2015 so với cùng kỳ năm trước (16/10/2015)

>   Danh sách các Công ty Chứng khoán đã nộp BCTC quý 3 năm 2015 (tính đến hết ngày 15/10/2015) (16/10/2015)

>   CEO: 26/10 GDKHQ dự ĐHĐCĐ bất thường 2015 (16/10/2015)

>   Chứng khoán Tân Việt: 9 tháng lãi ròng 19 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa cùng kỳ (17/10/2015)

>   SDN: Lãi ròng 9 tháng 5.5 tỷ đồng (16/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật