Đạm Cà Mau sản xuất nhiều sản phẩm mới
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT PVCFC khi trả lời câu hỏi của báo Đất Việt về chiến lược phát triển của PVCFC.
Ông Thành cho biết: 9 tháng đầu năm 2015, nhà máy đạm Cà Mau luôn vận hành an toàn, ổn định với công suất trung bình 102,6%, sản lượng urê quy đổi ước đạt hơn 602 nghìn tấn.
Hiện sản phẩm đạm Cà Mau đang dẫn đầu với 55% thị phần khu vực Tây Nam bộ và trở thành lựa chọn số 1 của nông dân khu vực này.
Ngay từ khi đi vào hoạt động, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC -DCM) đã tận dụng triệt để lợi thế về mạng lưới vận tải bằng đường thủy để giảm chi phí nhằm cung cấp sản phẩm đến tay nông dân miền Tây với giá tốt hơn so với nhiều đối thủ cạnh tranh.
Hiện PVCFC là đơn vị duy nhất ở Việt Nam sản xuất loại phân đạm hạt đục, hạt to nên khi bón cho cây và lúa độ phân giải chậm. Điều này không chỉ giúp cho cây trồng hấp thu hết dinh dưỡng, ra nhiều hoa trái và cỡ hạt đồng đều mà còn tiết kiệm từ 8-10% lượng phân so với các loại phân đạm khác.
Trong chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, mục tiêu của PVCFC là giữ vững thị trường Tây Nam bộ, phát triển thị phần tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên, cùng với việc mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó ưu tiên số 1 là thị trường Campuchia.
Lãnh đạo PVCFC kiểm tra công tác bảo dưỡng nhà máy
Mới đây, để tăng cường độ màu mỡ cho đất, PVCFC đã nghiên cứu và bón thử nghiệm, tiến tới cho ra thị trường rộng rãi sản phẩm phân đạm urê đen và xanh, trong đó ruột vẫn là phân u rê nguyên thủy nhưng vỏ bọc là phân hữu cơ.
Điều này không chỉ làm cho đất tơi xốp, phì nhiêu mà còn làm cho cây cứng cáp, chống được sâu bệnh giúp bà con nông dân có vụ mùa bội thu. PVCFC cũng sẽ đa dạng hóa sản phẩm bằng cách sản xuất NPK.
Ông Thành khẳng định: Tương lai của ngành phân bón là phân hữu cơ (phân vi sinh) nhằm bồi bổ cho đất đai màu mỡ.
Là dự án trọng điểm quốc gia, NM Đạm Cà Mau là dự án tâm huyết của Tập đoàn Dầu khí VN nhằm phát huy nội lực trong nước, đáp ứng nhu cầu phân đạm phục vụ ngành nông nghiệp, giải quyết triệt để tình trạng thiếu phân bón trên thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Mặc dù đi vào hoạt động sau NM Đạm Phú Mỹ, song với nỗ lực không ngừng của lãnh đạo và CBCNV, NM Đạm Cà Mau đã cung cấp liên tục, ổn định sản phẩm urê chất lượng cao cho khu vực ĐBSCL và các khu vực khác, không chỉ tiết kiệm hàng trăm triệu đô la nhập khẩu phân bón mà còn mang về những mùa vàng bội thu cho bà con nông dân. Đây là thành tích rất đáng tự hào đối với một nhà máy còn rất non trẻ.
Ông Bùi Minh Tiến, TGĐ PVCFC, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất phân bón cho biết: Là đơn vị sản xuất kinh doanh các sản phẩm phân bón, chúng tôi có những trăn trở về những khó khăn, thách thức của nền nông nghiệp nước nhà cũng như cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả của bà con nông dân. Đó là làm thế nào để cung cấp những giải pháp dinh dưỡng vào bảo vệ tốt nhất cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của VN, đưa ra được những sản phẩm mới, tạo thêm những giá trị gia tăng cho bà con nông dân.
Trên tinh thần đó, PVCFC đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn kỹ thuật với nội dung là tư vấn cách thức, biện pháp sử dụng bón phân đúng phương pháp (3 đúng) thông qua các hoạt động hội thảo nông dân (tư vấn trực tiếp) tại các xã ở hầu khắp các tỉnh thành vùng ĐBSCL, khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc.
Ngoài ra, PVCFC còn chủ động phối hợp với các Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở NNPTNT, Đài truyền hình địa phương xây dựng các chương trình tọa đàm, hội thảo trên truyền hình nhằm giải đáp những thắc mắc của nông dân liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, PVCFC đã phối hợp, triển khai được trên 500 cuộc hội thảo nông dân, hàng chục cuộc tọa đàm. Chính những hoạt động tư vấn đó đã giúp cải thiện, nâng cao kiến thức canh tác về nông nghiệp cho nông dân, góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp và được bà con đánh giá cao.
Mới đây, PVCFC đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang phát triển nông nghiệp bền vững. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm phân bón và các giải pháp về dinh dưỡng cho cây trồng ở các vùng thổ nhưỡng khác nhau.
Đối với người nông dân, hai bên sẽ cùng nhau đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật dưới mọi hình thức, chú trọng việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả và toàn diện; hợp tác xây dựng chuỗi giá trị trong ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam thông qua việc triển khai cánh đồng lớn tại các tỉnh.
Với mô hình hoạt động Công ty cổ phần, Đạm Cà Mau đã huy động được nhiều nguồn lực đại chúng tham gia vào quá trình phát triển Công ty ngày càng làm ăn minh bạch, không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đưa Đạm Cà Mau trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp phân bón. Hy vọng, cổ phiếu Đạm Cà Mau sẽ là món ăn đáp ứng nhiều “khẩu vị” của các nhà đầu tư.
Trần Thị Sánh
đất việt
|