Công nghiệp xe hơi Nhật Bản thắng lớn với TPP
Ngày 15-10, Chính phủ Nhật Bản đã công bố thông tin chi tiết về thỏa thuận Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán mới đây, trong đó khoảng 87% trong số 6.500 sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của nước này sẽ được dỡ bỏ thuế ngay lập tức khi TPP có hiệu lực.
Những mặt hàng được miễn thuế thuộc nhiều lĩnh vực, nhưng thắng lợi lớn nhất thuộc về các nhà sản xuất xe hơi và bộ phận ô tô khi con đường tới Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nền kinh tế số 4 thế giới cũng như một loạt các quốc gia thành viên - bớt tốn kém hơn.
Ảnh minh họa
|
Theo thỏa thuận của 4 nước sản xuất ô tô lớn nhất TPP gồm: Nhật Bản, Mỹ, Mexico và Canada, ô tô được miễn thuế nhập khẩu sẽ phải có ít nhất 45% linh kiện sản xuất trong khối TPP. Trong 4 nước trên, Mỹ đứng thứ hai thế giới về sản xuất ô tô, Nhật Bản đứng thứ ba, Mexico đứng thứ 8 và Canada đứng thứ 10. Khi Tokyo quyết định tham gia vào các cuộc đàm phán TPP vào năm 2013, Nhật Bản đã buộc Mỹ phải chấp nhận yêu cầu tháo dỡ các loại thuế đánh vào ô tô trong thời gian lâu nhất có thể. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ xóa bỏ các loại thuế quan ngay lập tức đến 87,4% trên gần 400 loại phụ tùng ô tô, bao gồm cả động cơ, phanh và hộp truyền động. Mức dỡ bỏ này được xem là tốt hơn so với 83% mà Hàn Quốc và Mỹ đạt được trước đó tại FTA, mục tiêu tối thiểu nhất của Nhật Bản đề ra tại đàm phán.
Những năm gần đây đất nước Mặt trời mọc đang chuyển dần sang sử dụng linh kiện sản xuất tại quốc gia thứ ba. Năm 2013, Công ty Nissan của Nhật Bản sử dụng khoảng 15-20% linh kiện ô tô sản xuất từ Trung Quốc và dự kiến sẽ tăng lên 35%. Việc làm này có thể làm giảm chi phí sản xuất cho phía Nhật Bản do linh kiện giá rẻ và chất lượng đã được cải thiện khá nhiều trong những năm gần đây.
Với các điều khoản của TPP về việc phải có 45% linh kiện nội sản xuất trong khối để được hưởng ưu đãi thuế, Nhật Bản vẫn có thể tiếp tục sử dụng các linh kiện của Trung Quốc. Thực tế, các hãng sản xuất Nhật Bản đã có cuộc vận động hành lang để có được tỷ lệ sản xuất nội khối thấp như hiện nay. Hiệp hội Ô tô Nhật Bản đã chi cho những người vận động hành lang hàng triệu USD để đẩy mạnh hợp tác Mỹ - Nhật và ngăn chặn việc áp phân biệt cơ chế phi thị trường. Năm 2013, Toyota rót hơn 1 triệu USD cho các cuộc vận động nhằm tạo ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán với mục đích thúc đẩy hợp tác thương mại ô tô Mỹ - Nhật, cũng như tránh việc áp đặt cơ chế phân biệt thị trường.
Việc tham gia TPP cũng mang lại cho ngành công nghiệp ô tô, vốn đã nổi tiếng của Nhật Bản, một thị trường rộng lớn với hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ dần. Hiện Washington đã đồng ý dỡ bỏ ngay lập tức mức thuế 2,5% dành cho hơn 80% các phụ tùng xe hơi nhập từ Nhật Bản trong khi việc gỡ bỏ thuế đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản sẽ được thực hiện theo lộ trình từ 25 đến 30 năm. Theo đó, mức thuế 2,5% đối với mặt hàng này sẽ được giảm xuống 0% sau 25 năm. Điều này sẽ có lợi cho các công ty như Toyota hay Subaru và khiến các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vui mừng.
Trong khi đó, Canada sẽ bỏ mức thuế 6,1% đối với xe hơi Nhật Bản trong vài năm tới. Theo nguồn tin từ tờ Mainichi của Nhật Bản, các quốc gia khác tham gia đàm phán TPP, bao gồm Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đều đã đi tới nhất trí dỡ bỏ hoặc vạch ra kế hoạch dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô Nhật Bản. Bên cạnh đó, số lượng xe xuất khẩu của Nhật Bản đối với các đối tác thương mại TPP chiếm đến 48% tổng lượng xuất khẩu chung, con số này đối với phụ tùng ô tô là 40%. Ngay cả trong trường hợp mức thuế vẫn được giữ nguyên trong một thời gian, về lâu dài, các công ty Nhật Bản vẫn được hưởng lợi đáng kể.
Việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu xe vào các quốc gia sẽ góp phần giúp các nhà sản xuất xe hơi Nhật bớt gánh nặng hàng chục tỷ yên mỗi năm. Đây được xem là một cú hích lớn cho một trong những ngành công nghiệp chủ chốt của Nhật Bản.
Kim Phượng
Hà Nội mới
|