Bao nhiêu tiền margin rót từ CTCK trong 9 tháng đầu năm?
Trong 9 tháng đầu năm 2015, một lượng lớn tiền vay - tiền mua ký quỹ chứng khoán (margin) tính đến hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được bơm ra từ các công ty chứng khoán (CTCK), hầu hết đều tăng đáng kể so với thời điểm đầu năm.
* Thị phần môi giới quý 3/2015: KIS lọt top 10 ở cả hai sàn, SHS tăng hạng tại HNX
* Những gam màu tối đầu tiên trong bức tranh kết quả quý 3 của các CTCK
Đẩy mạnh margin
Xét số dư margin cuối kỳ (phải thu giao dịch ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán), CTCK Sài Gòn (SSI) đang dẫn đầu với hơn 2,570 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm 2015. Đây cũng là gương mặt chiếm ngôi quán quân thị phần môi giới quý 3 trên cả hai sàn với tỷ lệ 10% (HNX) và 13.5% (HOSE).
Một số tên tuổi khác trong top đầu thị phần môi giới như CTCK Tp.HCM (HCM), CTCK Bản Việt (VCSC) hay CTCK VNDirect (VND) đồng thời cũng là những doanh nghiệp có số dư margin cuối kỳ hàng ngàn tỷ đồng. Riêng với VND, tiền margin 1,470 tỷ đồng tăng mạnh 75% so với thời điểm đầu năm.
Một số chỉ tiêu về margin của các CTCK trong 9 tháng đầu năm 2015
(Top thị phần môi giới và CTCK có margin trên 1,000 tỷ đồng)
ĐVT: tỷ đồng
|
Tuy nhiên, con số margin cuối kỳ vẫn chưa thể hiện hết bản chất lượng tiền margin đã được các CTCK rót ra trong kỳ. Thực tế, số tiền phát sinh tăng/giảm trong kỳ vượt xa nhiều lần con số này.
Điển hình như tại CTCK Bảo Việt (BVS), lượng tiền margin tăng trong 9 tháng lên đến gần 19,000 tỷ trong khi số dư cuối kỳ chỉ khoảng 760 tỷ đồng. Hay như tại CTCK FPT (FPTS), tiền margin tăng trong kỳ cũng đạt hơn 14,700 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ tính riêng số tiền margin phát sinh tăng trong kỳ của những “ông lớn” ở trên đã vượt hơn 105,000 tỷ đồng, tổng số dư cuối kỳ hơn 16,600 tỷ đồng (tăng 15% so với đầu năm).
Hiện rủi ro đến từ việc CTCK cho vay tiền giao dịch ký quỹ chứng khoán không phải là nhỏ. Với trường hợp của CTCK Agribank (AGR), dự phòng rủi ro đã trích lập chiếm đến 363 tỷ đồng (tăng 63% so với đầu năm) cho khoản phải thu khách hàng cuối kỳ là 940 tỷ đồng. Còn tại VND, khoản phải thu giao dịch ký quỹ là hơn 1,400 tỷ, trong khi đó tiền trích lập dự phòng các khoản phải thu chiếm hơn 105 tỷ đồng.
Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2015, nhiều công ty đã tiến hành tăng vốn điều lệ như SSI đạt 4,700 tỷ (tăng gần 1,200 tỷ) hay VPBS đạt 970 tỷ dồng (tăng 170 tỷ). Ngoài ra, SSI cũng tăng vay nợ ngắn hạn lên hơn 2,500 tỷ và vay nợ dài hạn gần 700 tỷ đồng, VND tăng vay nợ ngắn hạn lên hơn 1,800 tỷ đồng. Đây là những nguồn lực đóng góp không nhỏ đối với hoạt động kinh doanh, trong đó có dịch vụ cung cấp margin cho khách hàng của các CTCK.
Đặc biệt, nhiều CTCK cũng đẩy mạnh hoạt động margin trong năm 2015 bằng cách giảm lãi suất ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán. Cụ thể CTCK VietinBank (CTS) giảm lãi suất margin về 12.96%/năm (0.036%/ngày) (từ mức 14.4%/năm trước đó) kể từ ngày 01/06/2015. Mới đây CTS tiếp tục giảm lãi suất margin xuống còn 10.8%/năm (0.03%/ngày). Hay CTCK Đại Dương (OCS) cũng công bố kể từ ngày 01/06/2015 sẽ giảm lãi suất margin và phí chuyển nhượng quyền nhận tiền bán chứng khoán từ 12.96%/năm xuống 12.6%/năm (tức 0.035%/ngày).
Nhìn chung, lãi suất margin và ứng trước tiền bán chứng khoán tại nhiều CTCK xoay quanh ngưỡng 13-14.5%/năm như VPBS 13.5%/năm (0.0375%/ngày), SSI 14%/năm (0.039%/ngày), HCM 14.4%/năm (0.04%/ngày) hay VND 14.5%/năm (0.04%/ngày).
Doanh thu khác tăng đáng kể
Doanh thu đến từ hoạt động ký quỹ của các CTCK được hạch toán vào doanh thu khác. Khoản mục này phần lớn tăng trưởng so với 9 tháng đầu năm 2014.
Cụ thể, đứng đầu là SSI với khoản doanh thu khác trong 9 tháng đầu năm 2015 với gần 400 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và chiếm 36% tổng doanh thu. Hay tại VCSC và SHS, doanh thu khác đều tăng mạnh, cao hơn gấp đôi cùng kỳ với mức trên 100 tỷ đồng, chiếm trên dưới 30% tổng doanh thu của công ty.
Đặc biệt, với một số doanh nghiệp như VND, VPBS, ACBS, FPTS và MBKE, doanh thu khác chiếm phần lớn trong các khoản thu về với tỷ trọng trên 50% tổng doanh thu.
Về lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2015, phần lớn các “ông lớn” CTCK này đều lao dốc so với cùng kỳ năm trước. Điển hình với gương mặt thuộc top đầu lợi nhuận như HCM nhưng lãi sau thuế của công ty cũng sụt mất 55% xuống còn 144 tỷ đồng. Hay như ACBS cũng giảm 48% lợi nhuận sau thuế, đạt mức 103 tỷ đồng.
Chỉ có số ít CTCK tăng trường lợi nhuận như SSI tăng 13% lên 767 tỷ hay VCSC tăng 86% lên 189 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015 của các CTCK
ĐVT: tỷ đồng
|
Minh Hằng
|