AMD trước “ván cờ lớn” AMDI
2/3 vốn chủ sở hữu đã đổ vào Viện quản lý và phát triển châu Á (AMDI), đồng thời kế hoạch tăng vốn gấp đôi từ 300 tỷ lên 609 tỷ đồng của CTCP Đầu tư AMD Group (HOSE: AMD) cũng chủ yếu huy động vốn cho 2 dự án của AMDI.
* Thấy gì đằng sau cú dốc ngược của cổ phiếu AMD?
Đầu năm 2014, sau khi tăng vốn từ 30 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, AMD đã dành đến 77% số tiền huy động được, tương đương 208.4 tỷ đồng để đầu tư vào Viện quản lý và phát triển châu Á (AMDI). Theo đó, riêng giá trị đầu tư vào AMDI đã chiếm gần 60% tổng tài sản lúc bấy giờ và 44% tổng tài sản tính đến cuối quý 2/2015 (469.7 tỷ đồng).
Sau khi mua AMDI, ĐHĐCĐ thường niên AMD cũng đã thông qua phương án tăng vốn gấp đôi từ 300 tỷ lên 609 tỷ đồng. Dự kiến toàn bộ số tiền thu được 300 tỷ đồng sẽ dùng để đầu tư vào dự án Tổ hợp ươm tạo công nghệ và Đào tạo Nguồn nhân lực quản lý tại Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội do AMDI làm chủ đầu tư. Nếu kế hoạch huy động vốn thành công thì khoản đầu tư vào đây của AMD sẽ lên đến 66% tổng tài sản và chiếm đến 83% vốn chủ sở hữu mới.
Không những dồn gần như toàn bộ sức lực mà AMD còn phải trả một giá rất cao để kiểm soát được AMDI. Bởi, AMDI chỉ có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, song AMD đã bỏ ra số tiền 208.4 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng chuyển nhượng vốn góp từ ông Chee Fong Yuen với giá gốc 20.8 tỷ đồng, qua đó sở hữu 69.48% vốn của AMDI vào tháng 2/2014. Tức AMD đã chi gấp 10 lần giá gốc để biến AMDI thành công ty con. Đi kèo với việc này là việc ghi nhận khoản lợi thế thương mại khá lớn trị giá 185 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản ngay trong quý 1/2014; tính đến cuối quý 2/2015 khoản lợi thế này còn 138.5 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý nữa, tuy bỏ ra giá rất cao để mua vào đầu năm 2014 nhưng cuối năm, AMD lại muốn thoái bớt 15% vốn với giá không thấp hơn 10 lần vốn góp, song chỉ chuyển nhượng được 10%. Theo đó, sở hữu tại AMDI giảm từ 69.48% xuống 59.48%.
Trước những động thái đầu tư lớn của AMD, thị trường chứng khoán đã có những phản ứng không mấy lạc quan. Chính thức niêm yết trên HOSE vào ngày 16/06/2015, thị giá AMD tăng mạnh lên mốc 25,000 trong nửa tháng đầu tiên nhưng sau đó tụt dốc không phanh, hiện giá AMD đang nằm trong trạng thái đi ngang quanh mốc 13,000 đồng.
Thị giá AMD trong 6 tháng qua
|
Ẩn số AMDI
AMDI là một tổ chức khoa học công nghệ thực hiện hoạt động tư vấn, nghiên cứu và đào tạo về quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được thành lập vào cuối năm 2006 với vốn điều lệ thực góp là 30 tỷ đồng.
Điểm nổi bật của AMDI là dự án dự án Tổ hợp ươm tạo công nghệ và Đào tạo Nguồn nhân lực quản lý mà AMD đang nhắm tới. Dự án có tổng mức đầu tư 518 tỷ đồng, quy mô xây dựng gồm 20,077 m2 đã có sổ đỏ; được đầu tư từ năm 2011, đã xong hạ tầng và một số hạng mục đã được khởi công như khối nhà học và nhà thực hành – thí nghiệm … Dự kiến năm 2017 dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, AMDI cũng đang có dự án xây dựng Trường Đại học Tổng hợp Bắc Ninh (BNU) có tổng đầu tư 274 tỷ đồng. Tính đến giữa tháng 6/2015 đã được UBND tỉnh đồng ý về mặt chủ trương.
Năm 2014, AMDI thực hiện doanh thu gần 30 tỷ đồng và đã mở rộng địa bàn sang Lào, đây là bước đầu tiên trong kế hoạch mở rộng thị trường sang các nước khu vực Đông Nam Á.
AMDI đóng góp bao nhiêu trong cơ cấu nguồn thu AMD?
Trong chiến lược của mình, AMD đang hướng đến một tập đoàn đầu tư đa ngành nghề với 5 lĩnh vực hoạt động chính là đầu tư công nghệ cao, tư vấn – đào tạo – nghiên cứu, thương mại – du lịch, thiết bị công nghệ và giáo dục mầm non. Theo đó, mảng thương mại là hoạt động chính của công ty mẹ với việc hợp tác cùng Công ty TNHH Thiên Thuận Tường phát triển trung tâm mua sắm E-Best Mall. Trong khi các công ty con như AMDI cung cấp dịch vụ đầu tư công nghệ cao cùng công tác đào tạo – tư vấn – nghiên cứu, Pink house phát triển giáo dục mầm non và CTCP Vật tư và Thiết bị khoa học Acetech kinh doanh thiết bị công nghệ.
Các năm qua, trong cơ cấu nguồn thu của AMD, mảng hoạt động thương mại phân phối sản phẩm điện máy, phôi thép, mặt hàng tiêu dùng đem lại doanh thu chủ yếu trong khi mảng dịch vụ chỉ đóng góp một phần rất nhỏ.
Cụ thể, năm 2013, trong 55.5 tỷ đồng doanh thu thì có đến 54 tỷ từ bán lô hàng điện tử - điện lạnh cho CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF, phần còn lại rất nhỏ 1.5 tỷ đồng là từ cung cấp dịch vụ cho AMDI. Bước sang năm 2014, nguồn thu vẫn chủ yếu đến thương mại trong khi dịch vụ đạt 27.3 tỷ đồng (chủ yếu từ AMDI). Tính đến 6 tháng đầu năm, trong tổng doanh thu 449 tỷ đồng, phân nửa là đến từ bán hàng, ngoài ra khoản thu mới xuất hiện từ hàng hóa bất động sản cũng đóng góp đáng kể với 174 tỷ đồng; nguồn thu từ cung cấp dịch vụ chỉ vỏn vẹn 33 tỷ đồng.
Cũng phải nhìn nhận, tuy nguồn thu từ cung cấp dịch vụ không cao nhưng lại là hoạt động đem lại phần lớn lợi nhuận gộp cho AMD, tỷ suất lợi nhuận gộp mảng dịch vụ đang tăng dần, đặc biệt 6 tháng đầu năm con số này lên đến 53% đóng góp 68% lãi gộp AMD trong 6 tháng đầu năm (15.7 tỷ trong tổng lãi gộp 23.44 tỷ).
Trần Việt
|