Thứ Ba, 15/09/2015 13:25

Xóa hết lỗ lũy kế, TPBank đã nhẹ gánh hay chưa?

Cùng với điểm đen đầy bí ẩn về hoạt động kinh doanh năm 2011, để sau đó bất ngờ xuất hiện khoản lỗ hàng ngàn tỷ đồng, TPBank “đổi chủ” và lột xác toàn bộ với bộ nhận diện thương hiệu mới nhưng còn các hệ lụy liệu đã giải quyết xong hết hay chưa?

* Vụ siêu lừa Huyền Như: TPBank phản bác Viện kiểm sát

* TPBank đã thu nợ từ Trustbank, SCB, ủy thác của QLQ FPT

Đã qua rồi một thời tên tuổi TienPhongBank (nay là TPBank) gắn chặt với CTCP FPT (HOSE: FPT), cổ đông sáng lập lớn nhất cùng khoản đầu tư gần 33.8 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu 16.9% (tại thời điểm cuối tháng 9/2010). Vào năm 2012, ngân hàng này chính thức bước vào công cuộc lột xác sau khi về tay Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI. Ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch DOJI ngồi vào “ghế nóng” – trở thành Chủ tịch kế nhiệm vào tháng 4/2012 cho đến nay. Tỷ lệ sở hữu của DOJI nắm giữ tại TPBank cũng vượt trội với 20% theo công bố trên website Ngân hàng (tính cả các cổ đông liên quan). Cùng với đó, bộ nhận diện thương hiệu được thay đổi hoàn toàn, logo truyền thống 3 khối màu của nhóm doanh nghiệp liên quan đến FPT cũng theo đó biến mất, nhường chỗ cho tam giác xoắn và sắc tím ngự trị.

Giai đoạn chuyển giao đầy biến động của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) rơi vào năm 2011 đến nay vẫn còn nhiều ẩn số khi hầu hết các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh cũng như tài liệu, báo cáo chính về năm này đều không được công bố. Đặc biệt là những số liệu của quý cuối cùng trong năm này.

Cũng từ năm 2011, đi liền với đỉnh điểm sa sút của ngân hàng, tầm ảnh hưởng của FPT sụt giảm mạnh. Đơn vị này chuyển hẳn khoản đầu tư liên kết hơn 487 tỷ đồng tại TPBank sang hạch toán dưới dạng đầu tư dài hạn mặc dù khoản đầu tư này của FPT vẫn giữ nguyên hơn 487 tỷ đồng tính đến giữa năm 2015. FPT khi đó lý giải rằng công ty đã không còn ảnh hưởng đáng kể đến ngân hàng thông qua người đại diện có vai trò chủ chốt nữa.

Mặc dù vẫn còn đó khoảng trống thông tin của năm 2011 và kể cả năm 2012 sau đó, nhưng vẫn dễ nhận ra đây là điểm đen lớn về kết quả kinh doanh của TPBank. Hệ lụy để lại từ đó không phải là nhỏ khi báo cáo tài chính năm 2012 (vốn dĩ cũng không được công bố ra công chúng) bất ngờ xuất hiện khoản lỗ lũy kế hơn 1,250 tỷ đồng. Nhiều khả năng, khoản lỗ này được hạch toán vào quý cuối cùng của năm 2011 bởi cả lợi nhuận chưa phân phối lẫn lãi trong 3 quý trước đó đều là con số dương, năm 2012 TPBank cũng lãi hơn 116 tỷ đồng.

Điểm sáng đến nay, kết thúc quý 2/2015, TPBank đã chính thức thoát khỏi gánh nặng lỗ lũy kế với lợi nhuận chưa phân phối gần 7 tỷ đồng. Trong khi đó tổng lợi nhuận sau thuế từ năm 2012 đến nay của TPBank cũng tăng mạnh từ 116 tỷ lên 536 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế qua các năm của TPBank
ĐVT: tỷ đồng

Lãi tăng trưởng, lỗ lũy kế cũng không còn nhưng liệu TPBank đã giải quyết hết những hệ lụy còn tồn đọng từ trước hay chưa?

Về hoạt động cho vay khách hàng, TPBank công bố tỷ lệ nợ xấu ở mức khá thấp (giảm từ 3.66% của năm 2012 xuống 1.97% vào cuối năm 2013). Đến giữa năm 2015, số dư dự phòng rủi ro cho vay khách hàng khoảng 229 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu theo công bố từ TPBank là 0.96%.

Tuy nhiên, cái khó của TPBank chưa hết với khoản dự phòng rủi ro dồn phần lớn qua tài sản có khác và vẫn cao ngất ngưởng từ năm 2012 đến nay nhưng không có thuyết minh chi tiết nào về khoản này. Theo đó, tài sản có khác của TPBank đến giữa năm 2015 gần 1,550 tỷ nhưng dự phòng “ngốn” đến 886 tỷ đồng.

Được biết, một lượng tiền không nhỏ của TPBank đi lòng vòng qua trung gian cũng đang vất vả để tìm đường trở về và chịu ảnh hưởng từ đại án Huỳnh Thị Huyền Như. Vấn đề được hé lộ trong báo cáo tài chính năm 2011 của CTCK Phương Đông (ORS), kiểm toán có lưu ý về số tiền gửi 1,060 tỷ đồng (đang tạm ngưng giao dịch) tại VietinBank (CTG) nhận từ TPBank để thực hiện các hợp đồng môi giới mua chứng khoán chưa thanh toán. Đến năm 2012 số tiền này giảm xuống 410 tỷ và sau đó đang giữ nguyên mức 380 tỷ đồng.

Ngoài ra, chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng tài sản có khác là các khoản lãi, phí phải thu tăng mạnh dần theo thời gian từ 300 tỷ lên hơn 900 tỷ đồng vào năm 2014, đồng thời tỷ lệ khoản này so với thu nhập lãi cũng biến thiên tăng từ 25% lên mức 40%. Đến giữa năm 2015, lãi, phí phải thu của TPBank đã lên hơn 1,000 tỷ đồng.

Một số chỉ tiêu chính qua các năm hoạt động của TPBank
ĐVT: tỷ đồng
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính, báo cáo thường niên qua các năm của TPBank (Ngân hàng không công bố báo cáo năm 2011)

 

TPBank được thành lập từ năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 1,000 tỷ đồng. Sau hai đợt tăng vốn, TPBank đạt vốn điều lệ 3,000 tỷ đồng vào năm 2010. Qua đợt tái cơ cấu, TPBank tiếp tục tăng vốn lên 5,550 tỷ đồng và giữ nguyên đến hiện nay.

Thông tin từ website TPBank cho biết một số cổ đông của Ngân hàng gồm:

  • Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI (và các bên liên quan): 20% vốn
  • CTCP FPT: 487 tỷ đồng – 8.8% (nếu giá trị đầu tư tính theo mệnh giá) (tính đến giữa năm 2015)
  • Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare - VNR): 30 triệu cp – 278 tỷ đồng – 5.47% (tính đến giữa năm 2015)
  • Tập đoàn tài chính SBI Ven Holding Pte.Ltd. Singapore: 4.9% vốn (tính đến năm 2009)
  • Công ty Thông tin di động VMS (MobiFone): 14.3 triệu cp - 7.14% vốn (tính đến 30/09/2010)

Riêng với MobiFone gần đây có thông tin đã nộp hồ sơ sang công ty chứng khoán để bán đấu giá cổ phần nắm giữ tại TPBank.

Đan Thanh

Các tin tức khác

>   Bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ (14/09/2015)

>   Ngân hàng ngoại đã tiến đến đâu tại Việt Nam? (14/09/2015)

>   NHNN chính thức chấp thuận sáp nhập SouthernBank vào Sacombank (14/09/2015)

>   ADB cam kết tài trợ hơn 1,2 tỷ USD một năm trong giai đoạn 2016-2018 (14/09/2015)

>   Giá USD bất ngờ tăng vọt (14/09/2015)

>   Lãnh đạo HDBank làm Chủ tịch Saigon Co.op (14/09/2015)

>   Ngân hàng đang mạo hiểm với thanh khoản? (14/09/2015)

>   Tổng tài sản của hệ thống TCTD tăng, song vốn điều lệ giảm nhẹ trong tháng 7 (13/09/2015)

>   Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận lập hàng loạt chi nhánh (03/03/2016)

>   DATC được tăng vốn thêm 3.600 tỉ đồng để xử lý nợ xấu (13/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật