Vấn đề AIIB giữa Nhà trắng và Trung Quốc
Các quan chức Mỹ đã tuyên bố đình chiến với Trung Quốc trong chiến dịch phản đối của họ đối với Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB), một định chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng với tham vọng cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Ảnh minh họa
|
Mỹ nói rằng họ đã có được sự cam kết của Bắc Kinh, rằng Trung Quốc sẽ có những biện pháp phù hợp để giải quyết những lo ngại của mình, đồng thời đảm bảo rằng AIIB sẽ có những đóng góp tích cực đối với WB và IMF trong vai trò là những tổ chức tài chính lãnh đạo thế giới nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.
Trong suốt thời gian qua, Mỹ đã từ chối gia nhập AIIB, đồng thời đã khởi xướng một chiến dịch chống lại tổ chức này. Tuy nhiên, chiến dịch này của Mỹ có vẻ như không có nhiều hiệu quả khi rất nhiều nước, trong đó có cả những đồng minh thân cận của Mỹ đã cam kết sẽ gia nhập và đóng góp một vai trò quan trọng trong AIIB.
Định chế tài chính này cũng được cho là một trong những thách thức lớn nhất đối với cấu trúc tài chính thế giới được xây dựng kể từ sau Hội nghị Bretton Woods năm 1944.
Động thái mới nhất của Mỹ đánh dấu một bước tiến quan trọng của chính quyền Obama trong việc bình thường hóa quan hệ kinh tế đối với Trung Quốc. Thêm vào đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nội các của ông Obama cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với đồng Nhân dân tệ trong việc trở thành đồng tiền dự trữ chính thức của IMF.
Các quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng, trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Washington đã có được những cam kết từ phía Trung Quốc trong việc tăng cường những đóng góp tài chính vào WB và các ngân hàng phát triển khu vực khác.
Bước đầu là việc tăng cường đóng góp tài chính từ phía Trung Quốc đối với Hiệp hội Phát triển thế giới (IDA), một trong những cơ chế cho vay chính của WB đối với các nước nghèo, cũng như các tổ chức tương đương khác của các ngân hàng phát triển khu vực.
Trung Quốc cũng cam kết rằng AIIB và bất kỳ tổ chức quốc tế nào mà nước này tham gia trong tương lai, cũng sẽ tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và quản trị quốc tế nghiêm ngặt nhất. Đây cũng là câu trả lời đối với một trong những mối quan ngại lớn nhất từ phía Washington trong chiến dịch phản đối đối với định chế tài chính này.
Mặc dù chỉ được thể hiện một cách tương đối mơ hồ trong đối thoại giữa 2 nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế, có thể thấy rõ được thiện chí từ cả 2 phía trong lĩnh vực tài chính.
Trong đó, hai quốc gia tái khẳng định cam kết của mình trong việc đóng góp cho các tổ chức tài chính quốc tế cũng như hứa hẹn sẽ nâng cao vai trò của WB và các định chế tài chính khu vực khác của châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực và tăng cường sự đóng góp của mình vào các tổ chức hợp tác quốc tế như IMF, WB và G20.
Phong Nguyễn
thời báo ngân hàng
|