Thứ Hai, 28/09/2015 11:23

TTCK Việt Nam đã chuẩn bị gì cho hội nhập AEC?

Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đang tăng cường các liên kết trong khối thông qua việc thành lập thành lập cộng đồng kinh tế chung Đông Nam Á (AEC) với kỳ vọng được mở ra vào năm 2015. Việt Nam đã chuẩn bị những gì cho việc hội nhập sắp tới vào AEC?

Tại buổi hội thảo “Hội nhập thị trường tài chính ASEAN 2015: Cơ hội và thách thức” do Trường ĐH Kinh tế - Luật và Trường ĐH Mở Tp.HCM tổ chức vào ngày 26/09/2015, ThS Lê Nhị Năng – Trưởng cơ quan đại diện UBCKNN tại Tp.HCM cho biết, đối với việc mở cửa tài chính chuẩn bị cho hội nhập AEC thì vai trò của TTCK VN là yếu tố quan trọng trong việc thu hút vốn cho nền kinh tế.

Hiện có 2 chỉ số chính về TTCK trong khu vực là (i) bộ chỉ số FTSE/ASEAN (gồm FTSE ASEAN All Share Index – chỉ số điểm chuẩn khu vực đại diện cho 90-95% vốn hóa thị trường, FTSE ASEAN Stars Index – gồm 30 cổ phiếu hàng đầu tại mỗi SGDCK tại mỗi nước trong khu vực, FTSE ASEAN All Share Ex-Developed Index, FTSE ASEAN Sector Indices – phân chia theo các ngành nghề riêng biệt, FTSE ASEAN All-Share Ex-Developed Index - loại trừ thị trường phát triển là Singapore); (ii) chỉ số 40 FTSE/ASEAN – bao gồm các thành phần của 40 doanh nghiệp lớn nhất xếp theo thứ tự vốn hóa thị trường trong khu vực ASEAN từ chỉ số FTSE/ASEAN.

Ngoài ra, trong khu vực còn có 3 quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) mô phỏng các chỉ số FTSE/ASEAN 40 và các chỉ số khác như Global X FTSE ASEAN 40 ETF – giao dịch trên SGDCK New York (NYSE) và CIMB FTSE 40 Malaysia – niêm yết trên SGDCK Malaysia.

Để chuẩn bị cho hội nhập, từ tháng 9/2011 đã thành lập Mạng giao dịch liên thông các Sở giao dịch các nước Đông Nam Á (ASEAN trading link). Dự kiến sẽ có 7 SGDCK tham gia hệ thống chung gồm SGDCK Kuala Lumpur (KLSE), SDGCK Hà Nội (HNX), SGDCK Tp.HCM (HOSE), SGDCK Indonesia (IDX), SGDCK Philipines (PSE), SGDCK Singapore và SGDCK Thái Lan. Theo Hiệp hội các SGDCK Đông Nam Á, hiện chỉ mới có 3 SGD đang tham gia mạng giao dịch liên thông gồm SGDCK Singapore, SGDCK Malaysia và SGDCK Thái Lan. Còn SGDCK Philipines cũng cam kết tiến hành kết nối sớm với ASEAN trading link.

Sự kết hợp thị trường vốn này có quy mô 2.1 ngàn tỷ USD với hơn 3.6 ngàn cổ phiếu niêm yết.

Việt Nam đã có mặt trong bộ chỉ số FTSE/ASEAN vào năm 2014, đến nay đã tham gia 4 trong 5 chỉ số chính trong khu vực gồm FTSE ASEAN All Share Index, FTSE ASEAN Stars Index, FTSE ASEAN Sector Indices và FTSE ASEAN All-Share Ex-Developed Index.

Tuy nhiên, Việt Nam không nằm trong rổ chỉ số FTSE/ASEAN 40 Index do chưa có cổ phiếu nào đáp ứng yêu cầu. Vốn hóa trung bình hiện tại của các cổ phiếu trong rổ FTSE/ASEAN 40 là 8.76 tỷ USD và cổ phiếu có vốn hóa nhỏ nhất đạt gần 2.25 tỷ USD, quy định về tỷ lệ lưu hành tự do của cổ phiếu đã phát hành (free-float) đạt trên 20% và giao dịch trong vòng 12 tháng (có điều chỉnh free-float) phải đạt ít nhất 20% tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành. TTCK VN vẫn có một số cổ phiếu triển vọng vào rổ FTSE/ASEAN 40 Index như Vinamilk (VNM) có vốn hóa thị trường 5.8 tỷ USD, free-float 45%, điều kiện mà VNM cần cải thiện là thanh khoản. Ngoài ra còn có VCB vốn hóa 5.2 tỷ USD với free-float 10% hay VIC vốn hóa đạt 3.5 tỷ USD với free-float 35%...

Theo ThS Lê Nhị Năng, việc hội nhập của TTCK VN vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện hệ thống giao dịch vẫn đang trong quá trình nâng cấp (kể cả hệ thống thanh toán bù trừ tại Trung tâm thanh toán bù trừ VN). VN cũng đang hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt các quy định liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài. Các tiêu chuẩn trong lĩnh vực chứng khoán tại VN vẫn chưa áp dụng theo chuẩn quốc tế (về bản cáo bạch – ASEAN Disclosure Standard, chỉ có 3 nước áp dụng tiêu chuẩn này là Thái Lan, Malaysia, Singapore). Theo MSCI, trong khu vực Đông Nam Á thì Philipines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan là TTCK mới nổi (Emerging Market), Singapore là TTCK phát triển (Developed Market), còn Việt Nam được phân loại là thị trường cận biên (Frontier Market) và cần phải nâng hạng hơn nữa.

Hội nhập tài chính bao gồm hai cấu phần cơ bản là tự do hóa dịch vụ tài chính (FSL) và tự do hóa cán cân vốn (CAL), các nước sẽ từng bước dỡ bỏ hạn chế đối với hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư, tạo môi trường cho dòng vốn chu chuyển tự do hơn giữa các quốc gia. Việc gia nhập cộng đồng kinh tế chung Đông Nam Á (AEC) dự kiến vào cuối năm 2015.

Đặc điểm của thị trường tài chính ASEAN là phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, thị trường vốn còn quá nhỏ bé. Đặc biệt trình độ phát triển có sự khác biệt rất lớn giữa các quốc gia, điển hình như tổng tài sản hệ thống tài chính của Singapore đạt 644% so với GDP, Malaysia 400%, Philipines 126% hay Indonesia 68%... Các nhà lãnh đạo AEC hiểu rõ sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, địa lý, trình độ phát triển… của các nước trong khu vực, do đó AEC vẫn là cam kết mở, những nước đã đạt điều kiện thì tiến hành, còn các nước chưa đạt điều kiện thì sẽ hướng tới cam kết này. Các chuyên gia cũng khuyến nghị khu vực ASEAN cần tiến hành tự do hóa dịch vụ tài chính và cán cân vốn theo phương thức “một tiến trình hai hành lang”. Theo đó, nhóm ASEAN 5 và nhóm BCLMV (Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) sẽ thực hiện theo lộ trình riêng.

Riêng với Việt Nam, khi đã thực thi những cam kết gia nhập WTO thì về cơ bản sẽ không gặp khó khăn nhiều khi gia nhập AEC. Tuy nhiên, tranh thủ những cơ hội và đối phó thách thức hội nhập thị trường không phải là câu chuyện đơn giản.

TS Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia

Minh Hằng

Các tin tức khác

>   Mua cổ phiếu được hưởng lợi từ chính sách (28/09/2015)

>   Nhịp đập Thị trường 28/09: Khối ngoại lại bán ròng, VN-Index mất 5.5 điểm (28/09/2015)

>   Vietstock kính mời Quý doanh nghiệp hiệu chỉnh Niên giám DNNY 2015 đợt 2 (28/09/2015)

>   DNM: Phát hành thành công 208,457 cp ESOP (28/09/2015)

>   28/09: Bản tin đầu tuần (28/09/2015)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 28/09 (28/09/2015)

>   Khối ngoại giao dịch thế nào tại những lần tạo đáy của thị trường? (28/09/2015)

>   UBCK: Đang theo dõi 6 công ty có dấu hiệu vi phạm phát hành (25/09/2015)

>   PTKT phiên chiều 25/09/2015: ADX xuống dưới 20 (25/09/2015)

>   Nhịp đập Thị trường 25/09: Khối ngoại bán ròng, hai sàn giữ được sắc xanh (25/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật