TTCK Trung Quốc: Xu hướng tăng dài hạn khi nào kết thúc?
Giữa tháng 6/2015, TTCK Trung Quốc bắt đầu điều chỉnh giảm sau 1 năm tăng nóng với mức tăng hơn 150% (từ mức trên dưới 2,000 điểm lên mức đỉnh 5,166 điểm ngày 12/06) của chỉ số Shanghai Composite (SSEC). Đợt điều chỉnh kéo dài nhiều phiên, chỉ số này giảm 3-4% xen kẽ một số phiên giảm 7-8%. Đặc biệt, sự hoảng loạn ngày 24 và 25/08 khiến nhiều người cho rằng Trung Quốc đã “hạ cánh cứng”, Chính phủ Trung Quốc đã thất bại trước giới tài phiệt quốc tế và sẽ phải thả nổi mất kiểm soát đồng nhân dân tệ (NDT)...
Tuy nhiên, người viết cho rằng nền kinh tế Trung Quốc, dù đang ẩn chứa nhiều vấn đề, có lẽ vẫn có cơ hội phục hồi kỹ thuật trong một vài năm tới trước khi có thể rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Với xác suất khá cao, chỉ số SSEC chưa kết thúc xu hướng tăng dài hạn bất chấp những diễn biến dao động mạnh, kịch tính ngắn hạn.
Cải cách và chuyển đổi mô hình kinh tế
TTCK Trung Quốc đã từng có một số giai đoạn ảm đạm nhưng phải đến đợt điều chỉnh này mới có tác động khá mạnh tới diễn biến trên các TTCK lớn khác và thu hút được sự chú ý quốc tế. Ngoài việc Trung quốc hiện đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới theo quy mô GDP, diễn biến khốc liệt của đợt điều chỉnh khiến chính phủ Trung Quốc phải dồn dập can thiệp vào TTCK... Người viết cho rằng nguyên nhân sâu xa của mọi cái nhìn hướng về Trung Quốc lúc này đều xuất phát từ câu hỏi: Liệu quá trình cải cách, chuyển đổi mô hình kinh tế của nước này đã vượt khỏi tầm kiểm soát?
Sau 3 thập kỷ liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhờ mô hình phát triển theo chiều rộng dựa vào xuất khẩu và đầu tư với ưu thế nhân công rẻ làm động lực đưa nền kinh tế nước này lên hàng thứ 2 thế giới từ năm 2010 xếp theo quy mô GDP, Trung Quốc đang tiến hành cải cách, chuyển đổi sang mô hình dựa vào tiêu dùng trong nước làm động lực chính phát triển kinh tế. Tuy nhiên, dường như quá trình cải cách, chuyển đổi này đang gặp trục trặc. Và cỗ xe kinh tế có lẽ đang được “bẻ lái” vào đoạn đường cua khá gấp khiến người ta có thể cảm nhận những cú sốc, va đập khi đổi hướng.
Hiện nay trên thế giới chỉ có Mỹ là nước dường như thành công với mô hình phát triển kinh tế dựa vào tiêu dùng trong nước làm động lực chính. Người viết cho rằng có một số nhân tố đặc thù khiến mô hình này thành công ở Mỹ: (1) cơ cấu nhân khẩu; (2) văn hóa tiêu dùng của người dân; (3) tinh thần mạo hiểm, chấp nhận rủi ro kinh doanh; (4) năng lực sáng tạo. Xét trên các khía cạnh này, có lẽ Trung Quốc chưa có lợi thế hoặc chí ít là chưa được chuẩn bị tốt. Đặc biệt văn hóa tiết kiệm của người dân và một thể chế chưa có nhiều sự khích lệ tính năng động, sáng tạo cũng như mạo hiểm kinh doanh là một trở lực lớn cho việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong nước.
Thời gian gần đây, thuật ngữ “Trạng thái bình thường mới” thường được nói đến ở Trung Quốc với hàm ý nước này đã có sự chuẩn bị và chủ động cho những thay đổi có kiểm soát nói chung, hạ thấp dần tốc độ tăng trưởng GDP nói riêng. Tuy nhiên, có lẽ sự xuất hiện và tăng trưởng của những ngành, lĩnh vực mới không đủ lớn để bù đắp cho sự sa sút trong lĩnh vực xuất khẩu cũng như những ngành kinh tế truyền thống. Hệ quả là tốc độ tăng trưởng GDP thực tế có thể đã sụt giảm khá mạnh dù số liệu được công bố là 7% trong quý 2/2015 phù hợp với chỉ tiêu đề ra. Và sau khi số liệu xuất khẩu tháng 7 được công bố giảm tới 8.9% so với cùng kỳ năm 2014 thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá.
Theo đó, ngày 11/8, PBoC điều chỉnh 1.9% đối với tỷ giá tham chiếu lên 6.2298 NDT đổi 1 USD - mức độ giảm giá trị đồng nội tệ trong một ngày lớn nhất trong vòng 2 thập kỷ. Trong 2 ngày 12-13/8 đồng NDT lại tiếp tục bị phá giá tương ứng là 1.6% và 1.1%. Như vậy sau 3 ngày 11/8-13/8, đồng NDT bị giảm giá trị tổng cộng hơn 4% so với đồng USD. Trên các phương tiện truyền thông xuất hiện nhiều cách diễn giải khác nhau về động thái này. Tuy nhiên cách diễn giải hợp lý có lẽ là phá giá để cứu xuất khẩu và hãm đà sụt giảm quá mạnh của tốc độ tăng trưởng GDP.
Chắc hẳn Trung Quốc sẽ không quay lại với mô hình cũ mất cân đối và rủi ro cao mắc bẫy thu nhập trung bình. Nội hàm của mô hình kinh tế mới như thế nào, đã được xác định hay vẫn đang dò dẫm tìm kiếm? Tốc độ cải cách, chuyển đổi mô hình kinh tế trong thời gian tới sẽ như thế nào? Những cú sốc, va đập với cường độ nào là có thể chấp nhận được trong tiến trình cải cách, chuyển đổi?... Và liệu tiến trình cải cách, chuyển đổi có thành công hay sẽ đổ vỡ? Đó là những vấn đề không dễ phỏng đoán và không chỉ phụ thuộc vào bối cảnh thế giới mà phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến chính trị nội bộ Trung Quốc.
Người viết cảm nhận rằng Trung Quốc vừa trải qua một cú va đập khá sốc nhưng nói chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Và cho dù quá trình cải cách, chuyển đổi sẽ được tiếp tục như thế nào, có thành công hay đổ vỡ thì với động thái điều chỉnh vừa qua (thể hiện qua các biện pháp phá giá tiền tệ, hạ lãi suất, hạ tỷ lệ dữ trữ bắt buộc, bơm tiền ra nền kinh tế....) cũng như dư địa điều chỉnh chưa hết sẽ mang lại cho nền kinh tế nước này cơ hội phục hồi kỹ thuật trong một vài năm tới cho dù một số chỉ tiêu kinh tế có thể chưa cải thiện trong một vài tháng tới.
Xu hướng dài hạn của SSEC
Dù Thống đốc PBoC tuyên bố vỡ bong bóng chứng khoánTrung Quốc tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 vừa diễn ra đầu tháng 9 ở Thổ Nhĩ Kỳ, thực tế chỉ số SSEC vẫn tăng gần 50% so với 1 năm trước - một mức tăng không dễ đạt được với bất cứ TTCK nào khác trên thế giới trong vòng 1 năm qua.
Trên cơ sở phân tích kỹ thuật, người viết cho rằng SSEC chưa có dấu hiệu kết thúc xu hướng tăng dài hạn. Hiện tại vùng giá 2,500-2,700 là vùng hỗ trợ rất mạnh và chỉ khi phá vỡ vùng hỗ trợ này đi kèm khối lượng tăng mạnh, tâm lý hoảng loạn như các phiên ngày 24-25/8 thì cái gọi là đổ vỡ có lẽ mới thực sự xảy ra. Trong trường hợp đó, sự đổ vỡ có thể không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, hiện tại, xác suất cho kịch bản này không cao.
Từ nay đến giữa năm 2016 vùng giá 3,700-4,200 vẫn là kháng cự mạnh của SSEC. Khả năng từ nửa cuối 2016 kéo dài đến khoảng 2018-2019 TTCK Trung Quốc lại tiếp tục tăng mạnh. Trong khoảng thời gian đó, các vùng giá 8,000-9,000 và 11,000-12,000 sẽ là các vùng kháng cự thực sự mạnh của SSEC, trường hợp thị trường yếu hơn thì chỉ số này sẽ dừng lại tại vùng 5,000-6,000. SSEC có thể đạt tới 7,500-8,000 trong khoảng 3-4 năm tới.
Với một thị trường có tính đầu cơ cao như TTCK Trung Quốc, người viết cho rằng trong một vài năm tới SSEC có thể sẽ tăng nóng, thậm chí nóng hơn cả giai đoạn cuối 2014 và đầu 2015 vừa qua. Và sau đó, khi xu hướng tăng dài hạn của chỉ số này kết thúc, TTCK nói riêng, nền kinh tế Trung Quốc nói chung có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Thập kỷ thứ 3 của thế kỷ này có thể là những năm tháng không dễ dàng đối với người Trung Quốc. Trong trường hợp ít cực đoan hơn, những khó khăn có thể tập trung vào cuối thập kỷ thứ 2 và có lẽ kéo dài tới nửa đầu thập kỷ thứ 3.
Mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm dần qua từng năm nhưng vẫn xếp hàng cao nhất thế giới trong khi nhiều nước vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Với nhận định vị thế của nước Mỹ đang suy yếu, Trung Quốc đã thực thi chính sách đối ngoại “chủ động hành động” thay vì phải “giấu mình chờ thời” trước đây, thoát khỏi vỏ bọc “trỗi dậy hòa bình” và hiện nguyên hình tham vọng cường quốc toàn cầu trong trật tự thế giới mới đang hình thành, thậm chí địa vị siêu cường thay Mỹ lãnh đạo thế giới, tăng cường chi tiêu quốc phòng và các hoạt động quân sự, thay đổi luật chơi và lôi kéo đồng minh thông qua thiết lập các thể chế như Ngân hàng Phát triển mới (NDB), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) hay các dự án một vành đai một con đường, con đường tơ lụa mới, quốc tế hóa đồng NDT... thậm chí ngang ngược chiếm đoạt chủ quyền biển đảo bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế...
Khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, dù theo kịch bản nào, diễn biến tiêu cực của nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính – tiền tệ Trung Quốc nói riêng ít nhiều sẽ tác động tới chính sách đối ngoại của nước này. Ngoài ra tinh thần dân tộc cực đoan của một bộ phận người dân và giới tinh hoa Trung Quốc cũng có thể sẽ bị lợi dụng để đánh lạc hướng sự quan tâm của người dân. Chuẩn bị cho những tình huống đó là việc cần thiết đối với những nước láng giềng của Trung Quốc cũng như những nước tham gia hoặc chịu ảnh hưởng bởi những sáng kiến, dự án hoành tráng nói trên.
Phạm Tường Phán
|