Thứ Sáu, 18/09/2015 22:18

Trung Quốc đã khiến Fed phải “run tay” như thế nào?

“Nếu không vì Trung Quốc và tất cả những biến động xuất phát từ Trung Quốc, tôi nghĩ Fed đã tăng lãi suất”.

Hãng tin Bloomberg nhận định, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất trong cuộc họp vừa diễn ra có thể xem như một bằng chứng về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

Những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu xuất phát từ nguyên nhân là kinh tế Trung Quốc đủ lớn để Fed “run tay”, trì hoãn lần tăng lãi suất cơ bản đồng USD lần đầu tiên sau gần một thập kỷ. Và đó cũng là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách một cường quốc kinh tế toàn cầu.

Trong tuyên bố sau cuộc họp kéo dài hai ngày 16-17/9, Fed nói nền kinh tế và lạm phát của Mỹ có thể bị kìm hãm bởi “những diễn biến gần đây về tài chính và kinhh tế trên toàn cầu”. Đi kèm với nhận định này là quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0%.

Trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch FED Janet Yellen nói rõ hơn rằng, biến động trên thị trường tài chính toàn cầu thời gian qua phản ánh nỗi lo của các nhà đầu tư về rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

“Nếu không vì Trung Quốc và tất cả những biến động xuất phát từ Trung Quốc, tôi nghĩ Fedđã tăng lãi suất”, ông Mickey Levy, chuyên gia kiinh tế trưởng phụ trách thị trường châu Mỹ và châu Á tại công ty Berenberg ở New York, nhận định. Ông Levy là người đã phân tích chính sách của Fed trong hơn 30 năm.

Tâm điểm chú ý của thị trường tài chính toàn cầu được dồn vào Trung Quốc sau khi thị trường chứng khoán nước này lao dốc chóng mặt, cuốn phăng 5.000 tỷ USD vốn hóa, và cú phá giá đồng Nhân dân tệ đầy bất ngờ hôm 11/8, khiến đồng tiền này mất giá mạnh nhất trong 2 thập niên và thị trường quốc tế rúng động theo.

Theo dự báo, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ tăng trưởng chậm nhất trong 1/4 thế kỷ trong năm nay, bất chấp 5 lần cắt giảm lãi suất và những nỗ lực kích thích bằng tài khóa.

“Trung Quốc đã gây ảnh hưởng lên cuộc họp này của Fed. Trước kia, tình hình Trung Quốc không có ảnh hưởng lớn đến như vậy đối với Fed”, ông Tai Hui, chiến lược gia trưởng phụ trách thị trường châu Á của công ty quản lý tài sản JPMorgan Asset Management ở Hồng Kông, nhận xét.

Bloomberg đánh giá, Trung Quốc đang có ảnh hưởng tới thế giới nhiều hơn bao giờ hết, và mức độ ảnh hưởng của nền kinhh tế này đối với thị trường toàn cầu sẽ chỉ tăng lên một khi Trung Quốc tiến gần Mỹ về quy mô nền kinh tế. Năm 2014, Trung Quốc chiếm 13,3% GDP toàn cầu, từ chỗ chưa đầy 5% cách đây 1 thập kỷ - theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

“Trung Quốc đang trở thành một phần ngày càng lớn của nền kinh tế toàn cầu”, nhà phân tích David Loevinger thuộc công ty quản lý quỹ TCW Group Inc. ở Los Angeles phát biểu. “Nước này sẽ có ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế và chính sách tiền tệ của các quốc gia khác”.

Trong cuộc họp báo ngày 17/9, bà Yellen thừa nhận rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ đã đặt tâm điểm chú ý vào Trung Quốc. “Chúng tôi đã rà soát các diễn biến tại tất cả các khu vực của thế giới, nhưng chúng tôi đặc biệt chú ý tới tình hình Trung Quốc và các thị trường mới nổi”, bà Yellen nói.

Bà Chủ tịch Fed nói không rõ liệu kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc nhanh tới mức nào và liệu Chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát sự giảm tốc đó tốt tới mức nào.

“Vấn đề là liệu có tồn tại hay không mối rủi ro [kinh tế Trung Quốc] bất chợt sụt sâu hơn những gì các nhà phân tích dự báo”, bà Yellen nói. Bà Yellen cũng đề cập đề mối quan ngại về việc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể không hiểu rõ về thị trường khi giải quyết các tình huống.

Sau những cú sụt mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm thêm lãi suất, phá giá đồng tiền, và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tuy vậy, giới quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi về tác dụng bền vững của những biện pháp này.

Cho dù lạm phát ở mức thấp xa so với mục tiêu là một lý do để Fed trì hoãn việc tăng lãi suất, thị trường việc làm của Mỹ vẫn đang tiếp tục khởi sắc, với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 giảm xuống mức 5,1%, thấp nhất trong 7 năm.

Các số liệu của kinh tế Mỹ hiện đang tốt, nhưng điều khiến Fed lo ngại là triển vọng của nền kinh tế, và hiện triển vọng đó đang đối mặt rủi ro - theo ông Brian Jacobsen, chiến lược gia danh mục đầu tư thuộc công ty Wells Fargo Advantage Funds.

“Fed không lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng các điều kiện toàn cầu tác động lên tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở Mỹ. Fed làm việc dựa trên các dữ liệu và dự báo tương lai, thay vì những gì đã diễn ra”, ông Jacobsen phát biểu.

An Huy

vneconomy

Các tin tức khác

>   Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận thương mại, du lịch đối với Cuba (18/09/2015)

>   Tin tặc dọa tấn công DDoS, tống tiền ngân hàng bằng bitcoin (18/09/2015)

>   TQ ngấm đòn chủ nợ lớn nhất của Mỹ: Tình thế mới (18/09/2015)

>   Dầu rút ngắn đà giảm sau quyết định của Fed (18/09/2015)

>   Vàng đảo chiều ấn tượng khi Fed vẫn chưa hành động (18/09/2015)

>   Đồng USD chìm nghỉm sau tuyên bố giữ nguyên lãi suất của Fed (18/09/2015)

>   Fed khó có thể quyết định nâng lãi suất do giá tiêu dùng giảm (17/09/2015)

>   S&P nâng xếp hạng nợ ngoại tệ của Hàn Quốc lên mức AA- (17/09/2015)

>   Fed vẫn chưa nâng lãi suất (18/09/2015)

>   NHTW Anh sẽ phát hành tiền polymer từ năm 2016 (17/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật