Thứ Ba, 22/09/2015 08:03

Sẽ xin ý kiến Quốc hội về số vốn hơn 14 nghìn tỷ đồng TPCP còn dư

Chiều 21-9, thảo luận về phương án sử dụng 14.259 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục cần thiết để hoàn thiện 2 tuyến đường này. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo để trình xin ý kiến Quốc hội thay cho dự kiến trình Ủy ban Thường vụ xem xét, thông qua.

Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Bắc Giang được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc. Ảnh internet.

Ai có thẩm quyền phân bổ?

Theo tờ trình của Chính phủ, sau khi hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên tiết kiệm được 14.259/61.680 tỷ đồng vốn TPCP đã được phân bổ theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 của Quốc hội.

Các ý kiến thảo luận đều đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thực hiện dự án đã rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát chi phí, chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công dự án nên đã tiết kiệm chi dự phòng dẫn tới dư nguồn vốn so với số tổng vốn đã được bố trí.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tỷ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí dư đến 22% phần nào thể hiện việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt chưa sát với thực tiễn.

Thảo luận về thẩm quyền phân bổ số vốn còn dư này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thẩm quyền quyết định phân bổ 14.259 tỷ đồng cần được cân nhắc thận trọng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

“Danh mục sử dụng nguồn vốn TPCP là do Quốc hội quyết định. Mặt khác Nghị quyết số 65/2013/QH13 của Quốc hội đã quy định cụ thể Danh mục từng dự án được phân bổ nguồn vốn TPCP cho Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với tổng dự toán là 61.680 tỷ đồng. Số vốn TPCP 14.259 tỷ đồng còn dư nếu muốn được sử dụng cho các dự án khác ngoài danh mục TPCP thì cần phải được Quốc hội quyết định”- ông Hiển phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cũng cho rằng, Danh mục sử dụng nguồn vốn TPCP do 500 đại biểu Quốc hội quyết định, bây giờ có sự điều chỉnh mà chỉ Ủy ban Thường vụ quyết định thì không được. “Chính Ủy ban Thường vụ phải làm gương, nếu không thì không nói được ai”- ông Ksor Phước nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ksor Phước thậm chí phát biểu lần hai tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình cho rằng, đây là số vốn dư chứ nếu quyết toán thiếu vốn thì Chính phủ cũng phải “gõ cửa” Quốc hội và chủ trương này cần đưa ra báo cáo với Quốc hội.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, vốn TPCP là vốn Ngân sách Nhà nước nên có thể vận dụng theo khoản 1 Điều 59 của Luật Ngân sách Nhà nước như là khoản tiết kiệm chi, tăng thu của Ngân sách và thẩm quyền xem xét, quyết định sẽ thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, thẩm quyền quyết định thuộc Uỷ ban Thường vụ.

Làm rõ tính cấp thiết của từng dự án

Báo cáo làm rõ lại Danh mục dự kiến sử dụng số vốn hơn 14 nghìn tỷ này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số hạng mục không nằm trong dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nhưng là những công trình cần thiết nhằm hoàn thiện, nâng cấp hai tuyến đường này.

Theo các Nghị quyết của Quốc hội, Quốc hội chỉ ủy quyền cho Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội phân bổ vốn theo nguyên tắc và theo Danh mục đã được Quốc hội quyết định, do đó, ông Hiển cho rằng, không thể áp dụng Khoản 1 Điều 59 của Luật NSNN năm 2002 để phân bổ cho các dự án ngoài Danh mục sử dụng vốn TPCP.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng, làm rõ sự cần thiết, tính cấp bách của từng dự án, đặc biệt phải đảm bảo các công trình, dự án này nằm trong danh mục các chương trình, dự án được phép sử dụng nguồn vốn TPCP.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, qua rà soát sơ bộ, trong số các dự án được Chính phủ trình, một số dự án nằm ngoài danh mục sử dụng vốn TPCP, chưa bảo đảm tính hợp lý để sử dụng nguồn vốn TPCP. Ông Hiển dẫn chứng, ví dụ như Dự án Cầu Gián Khẩu và Quốc lộ 12B không nằm trên tuyến Quốc lộ 1A sau khi cải tạo.

“Đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình đã hoàn thành giai đoạn 1, hiện đã đủ nguồn lực phục vụ kết nối, trong tương lai sẽ làm đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa, do đó cần cân nhắc việc tiếp tục nâng cấp.

Ngoài ra, các tuyến đường đô thị đã có đường tránh thì Trung ương không nên đầu tư tuyến nội thị mà nên giao cho các địa phương. Dự án triển khai xây dựng cầu vượt tại một số vị trí giao cắt với đường sắt nhánh và Quốc lộ 1A cũng cần cân nhắc đầu tư vì chưa làm rõ hiệu quả”- Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục cần thiết để hoàn thiện 2 tuyến đường này và đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, nêu rõ những yêu cầu cần thiết để trình xin ý kiến Quốc hội.

Hồ Huệ

Hải quan

Các tin tức khác

>   Giá điện rơi vào “tầm ngắm” kiểm toán 2016 (21/09/2015)

>   Vinalines sẽ thoái vốn tại Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn (21/09/2015)

>   Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất trị giá 1,8 tỷ USD (21/09/2015)

>   Khởi công đề án thăm dò than trữ lượng khoảng 236 triệu tấn (21/09/2015)

>   Khi nào mới hết "chảy máu ngoại tệ”? (21/09/2015)

>   Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm: Nhóm lợi ích thao túng! (21/09/2015)

>   Xuất điện thoại và linh kiện vượt 20 tỉ USD (21/09/2015)

>   “Săn” hàng Việt vào thị trường Nga (21/09/2015)

>   Ôtô con ngoại nhập về VN tăng kỷ lục (20/09/2015)

>   Doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam (20/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật