Niềm tin lung lay
Malaysia đang phải đối phó với nhiều khó khăn chồng chất: giá dầu sụt giảm, đồng tiền mất giá kỷ lục và quan trọng hơn cả là vụ bê bối chính trị liên quan đến quỹ đầu tư của chính phủ. Những yếu tố đó tác động mạnh đến niềm tin của các nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán Malaysia tuột dốc không phanh. Ảnh: SCMP.COM
|
Ngăn chặn thông tin
Ông Khairuddin Abu Hassan, quan chức cấp cao trong đảng Tổ chức Thống nhất dân tộc Malaysia (UMNO) cầm quyền không thể ngờ rằng mình sẽ bị cảnh sát bắt giữ.
Cuối tuần trước, ông định rời Kuala Lumpur để tới London nhưng khi đến sân bay, ông bị lực lượng công an cửa khẩu cấm xuất cảnh. Chỉ vài giờ sau khi Khairuddin bực bội bày tỏ sự phản đối trên Facebook, cảnh sát đã ập đến tư gia và đưa ông đi.
Luật sư Matthias Chang xác nhận với báo Malaysia Today rằng ông Khairuddin có kế hoạch gặp các điệp viên nước ngoài, trong đó có nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ để trao cho họ những hồ sơ liên quan tới cáo buộc rửa tiền của Quỹ Đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB) do đương kim Thủ tướng Najib Razak sáng lập.
1MDB gần đây đang bị điều tra ở cả trong và ngoài nước. Quỹ này được thành lập từ năm 2009 để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng hiện đang nợ 11 tỉ đô la.
Theo báo The Wall Street Journal (WSJ), các nhà điều tra Malaysia đã lần theo dấu vết khoản tiền 700 triệu đô la của quỹ, và thấy nó được đi lòng vòng rồi được chuyển vào một địa chỉ, được cho là tài khoản cá nhân của Thủ tướng Najib Razak.
Cho đến nay, Thủ tướng Najib Razak bác bỏ mọi nghi ngờ về hành động sai trái và khẳng định ông không lấy tiền để trục lợi cá nhân. Ông cam kết tạo điều kiện để tiến hành các cuộc điều tra một cách minh bạch.
Trong bối cảnh đó, ông Khairuddin bị cáo buộc làm “suy yếu nền dân chủ”. Trang tin Vice News dẫn lời Chánh thanh tra cảnh sát Khalid Abu Bakar cho hay, lẽ ra Khairuddin nên cung cấp bằng chứng cho cảnh sát trong nước. “Đây là hành động thách thức hệ thống pháp lý của Malaysia, làm hủy hoại lòng tin vào các cơ quan thực thi pháp luật”, ông Khalid nói.
Còn ông Khairuddin, trả lời Malaysia Today, khẳng định rằng: “Tôi có quyền kiện ở bất cứ đâu trên thế giới, nhất là khi Malaysia đã bó tay”. Trước đó, ông lý giải với tờ WSJ, sở dĩ ông muốn gặp FBI vì ông tin chính quyền Mỹ có thể biết được việc di chuyển các luồng tiền.
Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Najib cũng đã cách chức cấp phó của mình, ông Muhyiddin, vì lý do “sức khỏe” khi ông Muhyiddin chỉ trích sự thiếu minh bạch trong các hoạt động của 1MDB nơi Thủ tướng làm Chủ tịch Ban cố vấn. Tổng chưởng lý Abdul Gani Patail, người dẫn đầu cuộc điều tra vụ bê bối này, cũng bị thay thế.
Mặc dù chuyến đi của ông Khairuddin không thành công, nhưng theo WSJ, FBI đã mở cuộc điều tra về các cáo buộc rửa tiền liên quan đến 1MDB. Văn phòng tổng chưởng lý Thụy Sỹ cũng đã mở thủ tục tố tụng hình sự đối với hai giám đốc điều hành của 1MDB tình nghi tham nhũng và rửa tiền. Thụy Sỹ đã đóng băng các tài khoản ngân hàng liên quan, có giá trị hàng chục triệu đô la. Nhà chức trách ở Singapore cũng đóng băng các tài khoản ngân hàng bị nghi ngờ và đang điều tra những cáo buộc liên quan đến 1MDB.
Ảnh hưởng nặng nề
Những tranh cãi chính trị xung quanh vấn đề nợ và tham nhũng tại quỹ đầu tư của nhà nước 1MDB đã khiến cho môi trường kinh doanh ở Malaysia, vốn đã bị ảnh hưởng bởi suy yếu kinh tế toàn cầu, trở nên trầm trọng hơn.
Theo số liệu của công ty tài chính Dealogic, các vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và những thương vụ mua bán cổ phiếu khác năm nay đã giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt giá trị 2,86 tỉ đô la Mỹ.
Các vụ mua bán, sáp nhập (M&A) cũng ở mức độ thấp nhất trong vòng sáu năm qua, chỉ đạt 6,73 tỉ đô la, so với 12,76 tỉ cùng kỳ năm ngoái.
“Những sự kiện gần đây có thể đã làm tổn hại đến niềm tin của nhà đầu tư”, Bernard Aw, chiến lược gia của IG Asia Pte, nói với WSJ. Ông cho rằng, mọi người đang chờ xem tình hình chính trị hiện nay được xử lý thế nào trước khi lên kế hoạch tăng vốn hay đầu tư.
1MDB đã từng lên kế hoạch IPO một nhà máy điện trị giá 3 tỉ đô la năm 2012, nhưng kế hoạch này sau đó bị hủy bỏ. Thay vào đó quỹ đã thảo luận với các đối tác về việc bán tài sản của nhà máy.
Theo WSJ, tâm lý lo lắng của nhà đầu tư đã khiến các cuộc IPO trong năm nay trở nên không thành công. Hơn nửa tỉ đô la giá trị cổ phiếu niêm yết dự tính đã bị hủy bỏ trong những tháng gần đây. Một số trường hợp điển hình là Weststar Aviation Services Bhd., một công ty máy bay trực thăng đang cân nhắc niêm yết 500 triệu đô la và một vụ IPO trị giá 700 triệu đô la của công ty con thuộc tập đoàn Sime Darby Bhd.
Trong năm nay, vụ IPO lớn nhất ở Malaysia là của công ty điện lực Malakoff Corp. hồi tháng 4, trị giá gần 800 triệu đô la. Con số này là không quá lớn so với vụ niêm yết 3,3 tỉ đô la cách đây ba năm của nhà sản xuất dầu cọ Felda Global Ventures Holding Bhd. và một vụ khác trị giá 2 tỉ đô la của Công ty IHH Healthcare. Năm đó, Kuala Lumpur trở thành một trong những thị trường có giá trị niêm yết lớn nhất trên thế giới.
Đây cũng là giai đoạn khó khăn cho hoạt động M&A. Đầu năm nay, kế hoạch sáp nhập ba ngân hàng CIMB Group Holdings Bhd., RHB Capital Bhd. và Malaysia Building Society Bhd.- tạo ra một tổ chức tín dụng có 183 tỉ đô la tài sản đã bị hủy bỏ do phản ứng tiêu cực của thị trường.
... đọc tiếp tại đây
tbktsg
|