Ngân hàng và bất động sản Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều rủi ro
Tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poors’s cảnh báo, mức độ tín nhiệm thanh toán của các định chế tài chính Trung Quốc có thể trở nên xấu hơn, đồng thời thị trường bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Standard & Poors’s đã điều chỉnh đánh giá về rủi ro kinh tế đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”, trong đó nhấn mạnh rằng, các điều kiện kinh tế đang thay đổi có thể tác động tới các ngân hàng nước này.
“Rủi ro tín dụng của Trung Quốc có thể tiếp tục xấu hơn, bắt nguồn từ những thiệt hại tín dụng đang gia tăng và tăng trưởng tín dụng vẫn nóng, cho dù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại”, báo cáo của Standard & Poors’s cho biết.
Bên cạnh đó, theo báo cáo này, những rủi ro mà hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang đối mặt cũng tương đồng với một số quốc gia khác như Brazil, Ấn Độ hay Colombia.
Đối với lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, Standard & Poors’s nhận định, khu vực này có rủi ro suy giảm ở mức cao và bước vào giai đoạn điều chỉnh, cho dù đã xuất hiện những dấu hiệu ổn định hơn tại một số thành phố lớn.
Những đánh giá bi quan từ Standard & Poors’s được đưa ra trong bối cảnh TTCK Trung Quốc đang phải trải qua giai đoạn bất ổn và sụt giảm nghiêm trọng, làm xói mòn đáng kể lòng tin của các thị trường toàn cầu về nền kinh tế nước này. Thậm chí, những lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là một trong những yếu tố khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần trước quyết định chưa tăng lãi suất. Tuy tuyên bố của Fed không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, song Chủ tịch Fed Janet Yellen đã nhắc đến nền kinh tế lớn thứ hai này trong bài phát biểu của mình. Bà cho biết, Fed quan tâm tới các nguy cơ liên quan đến Trung Quốc, cùng với tình hình của các thị trường mới nổi và những tác động từ diễn biến ở các thị trường này đối với Mỹ.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 22/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ thấp dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể chỉ tăng trưởng 6,8% năm 2015, so với mức tăng 7,3% năm 2014 và tiếp tục tăng trưởng chậm lại còn 6,7% năm 2016.
Thập kỷ qua, nguồn tín dụng rẻ là động lực chính giúp thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, việc chuyển động lực tăng trưởng từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa và thắt chặt một số quy định quản lý ngân hàng khiến nhiều nhà kinh tế quan ngại, Bắc Kinh có thể đứng trước nguy cơ “hạ cánh cứng”, tức nền kinh tế suy giảm mạnh đột ngột.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng không thể diễn ra trong ngày một ngày hai. Tình trạng xuất khẩu giảm sút và rút vốn đầu tư đang diễn ra. Tất cả những vấn đề này đặt trách nhiệm nặng nề lên giới lãnh đạo Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, quá trình phát triển của các nền kinh tế đều có tính chu kỳ. Sự suy thoái, giảm tốc và sụp đổ trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế như công nghiệp, ngân hàng hay dịch vụ đều là một phần của quá trình kinh tế tự nhiên, dù là chúng chỉ bị phá vỡ trong ngắn hạn. Do đó, có quan điểm cho rằng, những khó khăn của kinh tế Trung Quốc đang bị thổi phồng và tâm lý của giới đầu tư đang hoảng loạn hơn so với hoàn cảnh thực tế.
Cơ quan nghiên cứu CBB International, đơn vị phát hành Sách Beige về kinh tế Trung Quốc không cho rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đổ vỡ. Chia sẻ quan điểm này, Giám đốc phụ trách các thị trường đang nổi toàn cầu tại Ngân hàng Nomura, Stuart Oakley cho rằng, Trung Quốc vẫn ổn định hơn so với nhiều thị trường đang nổi khác, đồng thời tin tưởng Trung Quốc sẽ thể hiện những diện mạo kinh tế tích cực trong vòng 5 năm tới.
Việt khoa (Theo báo chí nước ngoài)
đầu tư chứng khoán
|