MBB: Nhìn lại một chặng đường
Năm 2004, Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB) là đơn vị đầu tiên thực hiện phát hành cổ phần thông qua bán đấu giá ra công chúng. Sau hơn 10 năm hoạt động dưới hình thức đơn vị đại chúng và niêm yết, MBB vẫn luôn theo đúng phương châm an toàn – bền vững – hiệu quả với kết quả kinh doanh ổn định, quản trị rủi ro tốt, thuộc top ngân hàng đem lại tỷ suất sinh lời cao nhất cho cổ đông.
Tăng trưởng bền vững
Quả thật, nhìn lại kết quả kinh doanh giai đoạn 2005 – 2014, MBB luôn đạt được mức mức tăng trưởng khá ổn định và bền vững. Thu nhập lãi thuần tăng dần đều từ 240 tỷ lên 6,540 tỷ đồng; lãi ròng từ 109 tỷ lên 2,476 tỷ đồng.
Đồng thời, trong giai đoạn tái cơ cấu 2011 – 2015, nhiều ngân hàng lộ ra yếu kém với kết quả kinh doanh sụt giảm trầm trọng, MBB vẫn đảm bảo khi doanh thu và lợi nhuận lần lượt duy trì khoảng 6,000 tỷ và 2,000 tỷ đồng.
Năm 2014, MBB trở thành ngân hàng tạo ra thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) cao nhất trong 9 ngân hàng niêm yết trên toàn thị trường với 2,191 đồng.
Kết quả kinh doanh giai đoạn 2005-2014 (Đvt: Triệu đồng)
|
Gần đây nhất, trong quý 2/2015, MBB tiếp tục ghi nhận 809 tỷ đồng lãi ròng, tăng trưởng 17% trong khi chi phí dự phòng rủi ro giảm đáng kể. Lũy kế 6 tháng đầu năm, MBB thực hiện 1,828 tỷ đồng lãi trước thuế, hoàn thành 56% kế hoạch năm; lãi sau thuế đạt 1,429 tỷ đồng, tăng trưởng 8%.
Đảm bảo cân bằng giữa rủi ro và thu nhập
Đồng hành với kết quả kinh doanh tăng trưởng bền vững, MBB cũng rất chú trọng đến vấn đề quản trị rủi ro. Công tác quản trị rủi ro (QTRR) tại MBB hướng tới mục tiêu xây dựng nền tảng tiên tiến, hiện đại, tiệm cận với thông lệ quốc tế. Cụ thể, mô hình tổ chức QTRR theo “ba vòng kiểm soát” cho phép tách bạch trách nhiệm giữa các chức năng kinh doanh, quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ. Nhờ đó, MBB đảm bảo được sự cân bằng giữa rủi ro và thu nhập.
Từ năm 2007, MBB đã xây dựng thành công hệ thống “Xếp hạng tín dụng nội bộ” và hoàn thiện hệ thống vào đầu năm 2008, trở thành ngân hàng TMCP đầu tiên áp dụng phân loại nợ theo xếp hạng khách hàng, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công nhận. Năm 2014, MBB được NHNN lựa chọn là 1 trong 10 ngân hàng đầu tiên triển khai áp dụng chuẩn mực Basel II.
Chính vì vậy, tỷ lệ nợ xấu của MBB được duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của toàn ngành, tại thời điểm cuối quý 2 năm nay là 2.04%. Nợ xấu của MBB cũng chưa bao giờ vượt quá tỷ lệ 3%/năm.
Số liệu báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm của MB cũng cho thấy, tổng tài sản MBB đạt hơn 204 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn dồi dào hỗ trợ MBB quản lý tốt thanh khoản trong các năm vừa qua, kể cả những giai đoạn khó khăn nhất của thị trường, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu luôn đáp ứng được yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 lên 20%
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng cho vay khách hàng của MBB đạt 10%. Với kết quả kinh doanh khả quan, MBB dự kiến đề nghị NHNN cho phép điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 lên mức 20%, thay vì kế hoạch đặt ra từ đầu năm là 13%.
Hiểu được nhu cầu riêng của từng nhóm doanh nghiệp cũng như tham gia cung cấp vốn cho các ngành được Chính phủ khuyến khích, ưu tiên. MBB đã và đang xây dựng các gói tín dụng với lãi suất hợp lý như gói sản phẩm tài trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nhựa, gói tín dụng cho doanh nghiệp xây lắp hay doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh điều tại một số khu vực.
Ngoài ra, MBB cũng rất chú trọng tới việc huy động tiền gửi từ dân cư, là nguồn vốn bền vững, giữ vai trò quan trọng trong ổn định nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh. Ngân hàng đang có khá nhiều sản phẩm hấp dẫn như tiết kiệm Nhân An, tiết kiệm thực gửi Campuchia, tiết kiệm 12 tháng linh hoạt, tiết kiệm Mobile… Nhờ đó vốn huy động của MBB luôn đạt doanh số cao và ổn định. Năm 2014, vốn huy động đạt 167,941 tỷ đồng, tăng 23% so với 2013, tăng gấp 28 lần so với năm 2005. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn của MBB cao gấp 1.5 lần so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn chung toàn hệ thống ngân hàng.
Đvt: Tỷ đồng
|
Hiện MBB đang trong kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 16,000 tỷ đồng. Cụ thể, có 3 đợt tăng vốn, đợt 1 tăng thêm gần 348 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 34.78 triệu cp để trả cổ tức đợt 2/2014; đợt 2 tăng thêm 152 tỷ đồng bằng phương án chào bán 15,218,188 cp cho cán bộ nhân viên và đợt 3 tăng vốn thêm 3,906 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ 390,606,250 cp cho cổ đông, đối tác chiến lược trong nước.
Năm 2015 với MBB là năm bản lề, năm cuối của chương trình triển khai chiến lược giai đoạn 2011-2015, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2015-2020. Mục tiêu đưa MBB đứng trong top 5 ngân hàng thương mại tại Việt Nam, đạt tốc độ tăng trưởng gấp 1.5 lần đến 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành trong cả giai đoạn vừa qua đối với các tiêu chí cơ bản, bao gồm tăng trưởng doanh thu thuần sau rủi ro, tín dụng và huy động. MBB xây dựng định vị trở thành ngân hàng thuận tiện đối với khách hàng với 3 trụ cột: ngân hàng cộng đồng, ngân hàng chuyên nghiệp và ngân hàng giao dịch cùng 2 nền tảng gồm quản trị rủi ro hàng đầu và văn hóa thực thi nhanh hướng tới khách hàng.
Tại ngày 31/12/2014, MBB có 224 điểm giao dịch, trong đó có 1 hội sở chính, 2 chi nhánh nước ngoài (1 chi nhánh tại Lào và 1 chi nhánh tại Campuchia), 71 chi nhánh trong nước, 148 phòng giao dịch và 2 quỹ tiết kiệm. Đồng thời, MBB cũng đang có mạng lưới gồm 5 công ty con và 3 công ty liên doanh, liên kết.
Ngoài ra, đầu tháng 8/2015 MBB đã ký kết Hợp đồng liên doanh thành lập một công ty bảo hiểm nhân thọ mới tại Việt Nam với Tập đoàn bảo hiểm Ageas (AGEAS) của Vương quốc Bỉ và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Muang Thai (MTL) của Thái Lan để xúc tiến việc thâm nhập vào thị trường bảo hiểm nhân thọ.
|
Mỹ Hà
|