Thứ Ba, 15/09/2015 14:00

Lỗ đậm trước thềm IPO, Tổng công ty Chè Việt Nam có gì để thu hút NĐT?

Sau khi công bố IPO, bất ngờ Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) báo lỗ 6 tháng đầu năm 2015 với mức lỗ đậm nhất từ trước đến nay. Liệu Vinatea có toan tính gì hay vẫn còn vũ khí khác để thu hút đầu tư?

Theo các số liệu Vinatea công bố, hoạt động xuất khẩu chè chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và tỷ trọng chè xuất khẩu chiếm khoảng 70-80% trên tổng sản phẩm tiêu thụ trong giai đoạn 2011-2014. Tuy nhiên lượng chè xuất khẩu của Vinatea đang giảm dần trong 4 năm qua, từ mức 6,401 tấn năm 2011 rớt xuống 3,748 tấn năm 2014. Không chỉ vậy, cả tiêu thụ nội địa cũng đang giảm dần, tính đến cuối năm 2014 đạt 986 tấn từ mức 2,657 tấn năm 2011. Có thể thấy tình hình hoạt động kinh doanh chính của Vinatea đang suy yếu dần trong khi các mảng kinh doanh khác như cho thuê văn phòng, cung cấp dịch vụ chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ và cũng không có dấu hiệu tăng trưởng.

Do vậy, doanh thu thuần của Vinatea cũng sụt giảm đáng kể, từ 352 tỷ rớt xuống 220 tỷ đồng giai đoạn 2011-2014, trong đó mảng bán sản phẩm sụt giảm mạnh nhất từ 351 tỷ xuống 215 tỷ. Qua 6 tháng đầu năm 2015, Vinatea ghi nhận 90 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13%; giá vốn giảm mạnh hơn ở mức 15% nên lãi gộp đạt 14 tỷ đồng, không thay đổi so với cùng  kỳ năm trước. Song song đó, hoạt động tài chính của Vinatea có biến động lớn với doanh thu giảm mạnh từ 11 tỷ xuống 84 triệu đồng. Công ty bất ngờ báo lỗ đến 7 tỷ đồng trong kỳ, đây là mức lỗ đậm nhất từ 2011 đến nay. Tính đến cuối quý 2/2015 Vinatea đang lỗ lũy kế 8.7 tỷ đồng.

Với những khó khăn trên, quyết định IPO thời điểm này của Vinatea chỉ đơn thuần là trước áp lực cổ phần hóa theo phương hướng chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành doanh nghiệp cổ phần hay còn những uẩn khúc khác? Bởi thông thường, doanh nghiệp sẽ cân nhắc lựa chọn thời điểm tình hình kinh doanh khả quan nhất để thu hút được nhiều nhà đầu tư và bán được cổ phần với giá cao nhất.

Trao đổi với người viết, Trưởng phòng bộ phận IB một công ty chứng khoán lớn cho rằng đối với những trường hợp như Vinatea thường là đã thu xếp được cổ đông chiến lược.

Quả thật, mặc dù phiên đấu giá chưa diễn ra nhưng cổ phiếu Vinatea dường như sẽ không “ế” khi mà Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (HOSE: GTN) đã nhăm nhe kế hoạch “hốt” trọn. Theo quyết định của HĐQT mới đây, GTN sẽ gom để sở hữu 75% vốn điều lệ Vinatea bằng cách mua 23.56 triệu theo phương án phát hành cho nhà đầu tư chiến lược và 4.2 triệu cp bằng cách tham gia phiên đấu giá IPO. Với mức giá khởi điểm 10,100 đồng/cp, GTN sẽ chi ra khoảng 280 tỷ đồng để thâu tóm Tổng công ty Chè Việt Nam.

Hơn nữa, theo vị này, chính bởi kinh doanh đi xuống nên Vinatea mới cần IPO nhanh chóng, đây là cũng là lý do để có thể đưa ra mức định giá hấp dẫn thu hút tư nhân tham gia. Theo đó, điều quan trọng không phải là Nhà nước thoái vốn được bao nhiêu mà là doanh nghiệp sẽ ra sao sau IPO.

Soi kỹ hơn có thể thấy với tài sản, vị thế trong ngành cũng như những thuận lợi thì Vinatea có những sức hút nhất định.

Vinatea có hệ số thanh toán ngắn hạn hay thanh toán nhanh đều trên 1 lần cho 2 năm 2013 và 2014; và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu dưới 0.4 lần. Trên sổ sách, Vinatea có tài sản cố định hữu hình nguyên giá 224 tỷ đồng, đã khấu hao 57%. Theo thuyết minh BCTC, tài sản cố định hữu hình chủ yếu nằm ở nhà cửa, vật kiến trúc với nguyên giá 166 tỷ đồng; máy móc và thiết bị nguyên giá 41.8 tỷ đồng. Các tài sản này đều đã khấu hao trên 50%.

Về quyền sử dụng đất, Vinatea đang quản lý, sử dụng 3,544 ha đất gồm 134.8 m2 đất xây dựng cơ bản và 3,530.6 ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tất cả các quyền sử dụng đất trên đã được cơ quan chính quyền xác nhận và không có tranh chấp hay thuộc diện quy hoạch. Trong đó có hơn 1,000 ha đất là để tạo vùng nguyên liệu, những năm gần đây các vườn đồi chè đã giao khoán cho người nông dân. Ngày 14/07/2015, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có quyết định bổ sung giá trị vườn chè giao khoán theo giá trị sổ sách 2.6 tỷ đồng vào giá trị trực tế doanh nghiệp và giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Vinatea để cổ phần hóa.

Mặc dù các vườn chè giao khoán cho nông dân buộc Tổng công ty phải thu mua theo giá thị trường làm đẩy chi phí những năm gần đây tăng cao nhưng đây vẫn là một lợi thế cho Vinatea trong việc chủ động nguyên liệu so với các doanh nghiệp khác trong ngành.

Ngoài ra, Vinatea hiện đang sở hữu nhiều nhà máy chế biến có hệ thống phụ trợ để phục vụ sản xuất kinh doanh hoàn chỉnh. Như, tại Yên Bái, Vinatea có 1 nhà máy chế biến chè với 2 phân xưởng chè đen, chè xanh và nhà máy chè Yên Bái; hay tại Thái Nguyên, Tổng Công ty sở hữu 2 nhà máy chế biến chè. Vinatea đang hoàn thiện nhà máy chè Vân Sơn tại Mộc Châu, dự kiến năm 2015 sẽ giải ngân 13.4 tỷ đồng gồm 10 tỷ đầu tư trồng chè và 3.4 tỷ cho máy móc thiết bị.

Về quy mô, Vinatea có 7 đơn vị trực thuộc (các chi nhánh) ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái, Thái Nguyên, Sơn La; 7 công ty liên doanh, liên kết và 3 công ty con sở hữu trên 51%, riêng Công ty TNHH Chè Ba Đình đang làm thủ tục phá sản do kinh doanh không khả quan tại Nga.

Trong cơ cấu tổng tài sản, Vinatea dồn đến 42% vào các khoản đầu tư tài chính dài hạn mà trọng tâm là đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh (168 tỷ đồng). Trong đó, Công ty chè Phú Đa (liên doanh với Iraq) là đơn vị được đầu tư lớn nhất với 143 tỷ đồng, ứng 45% vốn (Chè Phú Đa chuyên sản xuất và kinh doanh các loại chè đen xuất khẩu).

Xem thêm:

* GTN: Lên kế hoạch mua 75% vốn Vinatea và hơn 12% của Vilico

* IPO Tổng CT Chè Việt Nam: 9 nhà đầu tư đăng ký mua gần 12 triệu cp

Mỹ Hà

Các tin tức khác

>   4 NĐT gom hết 93,207 cp Khoan và Dịch vụ Kỹ thuật Khai thác mỏ (15/09/2015)

>   Cổ phần hóa DNNN: Lại một năm lỡ hẹn (13/09/2015)

>   Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tập trung cổ phần hóa 5 cty (12/09/2015)

>   Tập đoàn T&T đã “đặt một chân” vào Bệnh viện GTVT trung ương (11/09/2015)

>   IPO Tổng CT Chè Việt Nam: 9 nhà đầu tư đăng ký mua gần 12 triệu cp (11/09/2015)

>   Bộ NN&PTNT đấu giá cp Mía đường I: 15 NĐT đăng ký mua 10.7 triệu cp (12/09/2015)

>   IPO DV MT Đô thị Đồng Nai: 100% trúng thầu, giá bình quân 10,138 đồng/cp (11/09/2015)

>   Tháng 10, trình phương án CPH các xí nghiệp đầu máy đường sắt (10/09/2015)

>   Khoan và DV - KT Khai thác mỏ: Địa chất Việt Bắc đấu giá 93,207 cp, 10 cá nhân đăng ký mua 384,401 cp (10/09/2015)

>   IPO Dược phẩm Trung ương 1: 100% số cp được mua hết (11/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật