Liệu có tình trạng chuyển đổi từ USD sang VNĐ?
Từ ngày 28-9, lãi suất USD dành cho tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) gửi tại các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị điều chỉnh xuống 0%, cá nhân chỉ còn 0,25%/năm, trong khi trước đó mức lãi suất này là 0,25%/năm và 0,75%/năm.
Rõ ràng, với lãi suất 0% và 0,25%/năm hiện nay, gửi USD tại ngân hàng chỉ còn ý nghĩa bảo quản, gần như không có lợi nhuận. Vậy, liệu có xảy ra tình trạng cá nhân và doanh nghiệp (DN) chuyển từ USD sang VNĐ để được hưởng lãi suất 5-6%/năm, thay vì mức 0-0,25%/năm của USD?
Ảnh minh họa
|
Sau nhiều lần "nới" biên độ tỷ giá giữa VNĐ và USD, không ít người đã lo ngại về sự giảm giá của VNĐ. Bất chấp là lý do chủ quan hay khách quan như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bị điều chỉnh giảm mạnh, nền kinh tế toàn cầu còn yếu, DN trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn…, với đa số người dân, những "cơn lốc" điều chỉnh tỷ giá khiến họ phải lo ngại cho số phận của đồng tiền nội tệ. Đối phó với "cơn lốc" này, không ít người đã chọn giải pháp mua USD hay vàng để tích trữ. Trên thực tế, thị trường vàng đã từng bị "sốt" theo USD, khi giá vàng tăng liên tục trong vài ngày, giá USD ở thị trường tự do cũng như chính thức không ngừng leo lên "kịch trần". Tuy nhiên, cơn sốt này đã được "hạ nhiệt" trong vài ngày sau đó, tâm lý người dân đã cân bằng, kéo giá vàng giảm, giá USD cũng trở lại bình thường.
Để tăng tính hấp dẫn cho VNĐ, cũng là để hạn chế tình trạng "đô la hóa" nền kinh tế, từ ngày 28-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất huy động ngoại tệ từ 0,25%/năm xuống 0% áp dụng đối với tổ chức và 0,75%/năm xuống 0,25%/năm với cá nhân. Theo TS Nguyễn Minh Phong, các quyết định gần đây về lãi suất, tỷ giá… của NHNN rất đúng và kịp thời. Đặc biệt, quyết định điều chỉnh giảm lãi suất USD của NHNN khá táo bạo, có thể đạt được nhiều mục tiêu, bởi đây là lần đầu tiên NHNN đưa lãi suất áp dụng với tiền gửi của tổ chức là 0%/năm, cắt bỏ gửi USD lấy lãi của các DN và các tổ chức, góp phần giảm tình trạng "đô la hóa". Quyết định này cũng giúp NHNN giảm bớt áp lực phải chi bán ngoại tệ cân đối do điều chỉnh tỷ giá, vì khi DN không còn động lực để gửi tiết kiệm USD, họ sẽ có giải pháp xử lý nguồn ngoại tệ bằng việc bán USD để đổi lấy VNĐ, hoặc đổi sang loại ngoại tệ khác, góp phần tăng cung trên thị trường. Đây cũng là kịch bản chuẩn bị trước của NHNN nhằm ứng phó với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất trong thời gian tới.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, quyết định của NHNN giảm lãi suất tiền gửi USD không những giảm hiện tượng "đô la hóa", mà còn giảm áp lực lên tỷ giá. Đây là một quyết định quan trọng và cần thiết để ổn định VNĐ trong lúc này. Chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi USD và VNĐ tăng do lãi suất tiền gửi USD giảm xuống mức thấp nhất như quyết định của NHNN sẽ khuyến khích cá nhân và các tổ chức kinh tế bán USD, gửi VNĐ để hưởng lãi suất cao. Trường hợp tổ chức kinh tế có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ trong tương lai, việc bán ngoại tệ lấy VNĐ gửi tiết kiệm, sau đó mua ngoại tệ khi đến hạn thanh toán hoặc mua ngoại tệ kỳ hạn vẫn có lợi hơn giữ ngoại tệ. Trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ đang giảm như hiện nay, cho dù khách hàng rút USD để chuyển sang gửi VNĐ hay đầu tư vào các kênh khác, thanh khoản USD trong những tháng tới vẫn được bảo đảm. Như vậy, việc giảm lãi suất tiền gửi USD làm giảm động cơ giữ USD và tác động bình ổn mặt bằng lãi suất VNĐ, hỗ trợ quá trình hồi phục của nền kinh tế.
Mặc dù quyết định giảm lãi suất USD đã được dự báo trước, song cũng tác động không nhỏ tới tâm lý của những người đang nắm giữ USD. Vậy, thực tế giao dịch những ngày qua tại các ngân hàng thương mại thế nào? Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) cho biết, hiện nay tình hình cân đối về USD trong hệ thống các ngân hàng thương mại nói chung, tại VietinBank nói riêng đang ở trạng thái thanh khoản tốt. Đặc biệt sau những giải pháp điều hành tỷ giá của NHNN, tính thanh khoản bằng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng tăng, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi bằng ngoại tệ của các ngân hàng đang được kiểm soát ở ngưỡng an toàn.
Việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ của tổ chức và dân cư là quyết định phù hợp với các diễn biến thị trường ngoại tệ quốc tế, giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ và kiểm soát tốt hơn tỷ giá theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, cũng như phù hợp lộ trình chống “đô la hóa” của Chính phủ. Chắc chắn người dân, DN sẽ phải tính toán một cách hợp lý giữa việc nắm giữ ngoại tệ hay chuyển đổi ra VNĐ để đầu tư kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn.
Không phải chờ đến lời khuyên từ các chuyên gia hay lãnh đạo ngân hàng, nhiều DN và người dân đã có động thái chuyển đổi từ tích trữ USD sang tiền VNĐ. Bởi, trên thực tế, lãi suất VNĐ vẫn đang hấp dẫn hơn rất nhiều so với USD, mức gửi gần như bằng không. Với các DN đang phải nhập khẩu nguyên liệu cũng như DN xuất khẩu, lãi suất huy động USD bằng 0% sẽ giúp lãi suất cho vay của loại ngoại tệ này giảm xuống mức thấp, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay USD của các ngân hàng.
Đức Anh
hà nội mới
|