Kim cương mất giá mạnh vì Trung Quốc
Năm nay, các nhà đầu tư trang sức có thể sẽ kém may mắn hơn, bởi giá kim cương và các kim loại quý đồng loạt sụt mạnh.
Trong vòng 12 tháng qua, giá kim cương 1 carat và 0,3 carat đã giảm tương ứng 12,9% và 29%.
Trong vòng một năm trở lại đây, giá kim cương thế giới đã giảm tới 29%, chủ yếu do sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc - hãng tin CNBC cho biết.
Trong tháng 8 vừa qua, kim cương mất giá khá mạnh khi thị trường chứng khoán toàn cầu tụt dốc làm suy giảm nhu cầu hàng xa xỉ. Ngoài ra, nhu cầu nữ trang ở Trung Quốc cũng đang giảm sâu, một phần do chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay, mặt khác do tăng trưởng kinh tế nước này đi xuống.
Giá những viên kim cương tiêu chuẩn loại 1 carat đã giảm 0,9% trong tháng 8, trong khi giá loại rẻ hơn 0,3 carat giảm tới 1,7% - theo số liệu mà Rapaport Group, một tổ chức hỗ trợ giao dịch kim cương toàn cầu, công bố mới đây.
Sự giảm giá này của kim cương nối dài xu hướng đã thiết lập trước đó. Trong vòng 12 tháng qua, giá kim cương 1 carat và 0,3 carat đã giảm tương ứng 12,9% và 29%, Rapaport cho hay.
“Kim cương đánh bóng tiếp tục trượt giá trong tháng 8. Có ít công ty giao dịch kim cương mua hàng để tích trữ hơn, còn những người có tiền thì chờ cho giá giảm sâu hơn. Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của thị trường kim cương, bởi triển vọng đối với tiêu dùng hàng xa xỉ giảm xuống cùng với tài sản của các cổ đông”, báo cáo hàng tháng của Rapaport có đoạn viết.
Cho dù không tính đến đợt lao dốc của thị trường chứng khoán thế giới trong tháng 8, thì Rapaport vẫn cảnh báo rằng sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, cùng với chiến dịch của Bắc Kinh chống việc tặng quà xa xỉ trong giới quan chức, và việc nước này phá giá đồng Nhân dân tệ, sẽ là những nhân tố gây sức ép suy giảm cho nhu cầu tiêu dùng những mặt hàng không phải là thiết yếu, trong đó có kim cương.
Giá kim loại quý và đá quý sụt giảm đã có ảnh hưởng rộng lớn ở nhiều nơi. Đầu tuần này, hãng tin Reuters cho biết hơn 5.000 thợ đánh bóng kim cương ở Surat, nơi được coi là thủ phủ kim cương của Ấn Độ, đã mất việc từ tháng 6. Gần một nửa số công ty kim cương lớn ở Surat đã phải đóng cửa.
“Thu nhập ở Surat đã giảm mạnh, bởi phần lớn công nhân làm việc theo hợp đồng có ít kim cương để chế tác hơn”, báo cáo của Rapaport cho biết.
Tuy vậy, đợt mất giá này của kim cương có thể được một số người xem như một cơ hội đầu tư. Trong năm 2014, kim cương cho tỷ suất lợi nhuận trung bình là 1,9% - theo chỉ số đầu tư Coutts Index công bố hồi tháng 8. Mức lợi nhuận này cao hơn tỷ suất lợi nhuận của các mặt hàng sưu tầm khác như đồng hồ hay rượu vang, nhưng thua xa tỷ suất lợi nhuận trung bình 40% mà đầu tư vào xe cổ mang lại.
Năm nay, các nhà đầu tư trang sức có thể sẽ kém may mắn hơn, bởi giá kim loại quý đã sụt giảm mạnh cùng với đà sụt dốc của các hàng hóa cơ bản khác. Giá vàng giao ngay đã giảm 11% trong vòng 12 tháng qua, giá bạc mất 24%, trong khi giá bạch kim “bốc hơi” 29%.
Các công ty kinh doanh nữ trang đang đối đầu thách thức lớn. Kết quả kinh doanh quý 2 của Tiffany không đạt kỳ vọng cả về doanh thu và lợi nhuận. Hãng bán lẻ nữ trang Mỹ này còn mất 7% doanh thu toàn cầu vì đồng USD mạnh.
Hãng De Beeers, nhà sản xuất kim cương hàng đầu thế giới, đạt doanh thu 3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2015, giảm 21% so với mức 3,8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Vì lý do này, Cộng hòa Botswana, quốc gia châu Phi sở hữu 15% De Beers, tháng trước đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 xuống còn 2,6% từ mức 4,9% đưa ra hồi tháng 2.
An Huy
vneconomy
|