HHS: Năm 2017 sẽ nắm 25% thị phần xe tải nhập khẩu
Việc phát triển và phân phối thêm xe đầu kéo Mỹ International đưa triển vọng mở rộng thị phần của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HOSE: HHS) trở nên tích cực hơn. Theo đó, HHS phấn đấu tới năm 2017 tăng mức thị phần xe tải nhập khẩu lên 25% từ con số 17.3% như hiện nay.
Theo báo cáo mới công bố của CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), mô hình kinh doanh của HHS trước đây gần như 100% dựa vào phân phối xe tải (gồm xe tự đổ, xe sát-xi và đầu kéo…) nhập từ Trung Quốc (độc quyền với Dong Feng, nhà sản xuất xe tải lớn nhất Trung Quốc và đứng thứ 2 thế giới). Mặc dù Dong Feng là đơn vị lớn và HHS ký kết độc quyền với đơn vị này nhưng một khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại mang tính toàn cầu thì HHS chắc chắn phải thực hiện đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình thông qua việc mời gọi và tìm kiếm các sản phẩm mới, và từ nhiều quốc gia khác nhau. Bước đi chiến lược đầu tiên của HHS trong tháng 3/2015 là thương vụ hợp nhất với Hoàng Giang với dòng xe tải chủ lực được công ty phân phối là Howo (Sinotruk) nhưng các sản phẩm vẫn giới hạn, chủ yếu sản xuất từ Trung Quốc. Hoàng Giang có phân phối đầu kéo Mỹ Freightliner nhưng chưa nhiều.
Để đa dạng hóa và kích thích tiêu dùng thị trường, tháng 5/2015, Hoàng Huy đã ký hợp đồng làm đại lý độc quyền với Tập đoàn Navistar (hãng xe của Mỹ với thương hiệu đầu kéo nổi tiếng thế giới International nằm trong top 3 hãng đầu kéo phổ biến ở Bắc Mỹ bên cạnh Freightliner và Paccar) và phân phối chính hãng sản phẩm xe đầu kéo đã qua sử dụng tại thị trường Việt Nam từ tháng 8/2015 vừa qua.
MBKE cho biết, theo số liệu của HHS cung cấp, trong 2 tháng 8 và 9 đã có 388 xe đầu kéo Mỹ về đến cảng Hải Phòng. Công ty cũng dự kiến nhập về 800 xe để phân phối trong năm 2015. Giá sản phẩm xe đầu kéo Mỹ (đã qua sử dụng) được đánh giá là hợp lý và cạnh tranh (gần như tương tự như xe đầu kéo mới từ Trung Quốc, 55,000-60,000 USD/xe). Nên với chiến lược mở rộng này, HHS cho thấy đã rất nhanh chân trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tiến tới gia tăng thị phần phân khúc đầu kéo đang có sự tăng trưởng mạnh nhất hiện nay và sẽ thu được lợi nhuận tích cực từ việc phân phối sản phẩm mới này.
Xe đầu kéo International được HHS phân phối
|
Các sản phẩm xe của Trung Quốc chiếm 50% trong tổng số xe tải (bao gồm cả đầu kéo) nhập khẩu trong năm 2014 và con số này đã lên đến 73% trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, số lượng xe đầu kéo có mức tăng trưởng ấn tượng nhất, chiếm tỷ trọng tới 58% trong tổng số lượng nhập khẩu. Nguyên nhân có sự tăng trưởng của dòng đầu kéo này cũng xuất phát từ nền kinh tế đang có sự khởi sắc trở lại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng trưởng. Bên cạnh đó hệ thống đường bộ, đường cao tốc đang được xây dựng với nhịp độ cao; hệ thống cảng biển cũng được đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa và nâng cao năng lực trung chuyển hàng hóa.
Nhờ có trong tay 2 thương hiệu lớn nhất từ Trung Quốc là DongFeng và Howo (Sinotruk), trong nửa đầu năm 2015, HHS chiếm lĩnh 23.6% thị phần phân phối xe tải nhập khẩu từ thị trường này. Tuy nhiên, xét riêng phân khúc đầu kéo của HHS chỉ chiếm 1/3 trong tổng doanh số phân phối, tương ứng với 13.1% thị phần từ Trung Quốc, đây là con số khá thấp.
Thị phần nhập khẩu từ Trung Quốc của HHS phân theo xe tải và xe đầu kéo
Xe tải (trong bảng): Không bao gồm đầu kéo.
|
Nhằm gia tăng thị phần phân phối ở sản phẩm này trong 2 năm tới, HHS có chiến lược đẩy mạnh phân phối thêm xe đầu kéo Mỹ. Trong năm 2016, HHS dự định phân phối 3,000 xe đầu kéo Prostar, tăng mạnh so với con số kế hoạch 800 xe trong năm nay. Việc thêm sản phẩm mới của Mỹ, ước tính thị phần nhập khẩu xe tải của HHS tới năm 2017 sẽ tăng ít nhất lên 25% từ con số 17.3% hiện tại.
Thị phần NK xe tải của HHS tính riêng từ Trung Quốc và toàn thị trường
2014: Số liệu đã gồm của HHS và Hoàng Giang
|
Rõ ràng, sản phẩm đầu kéo Mỹ là một sự bổ sung quan trọng trong danh mục sản phẩm của HHS. Tính ưu việt của dòng xe Mỹ International cùng với tính cạnh tranh cao về giá cả, dịch vụ đi kèm đưa triển vọng tăng trưởng thị phần của HHS trở nên tích cực hơn.
Báo cáo cũng cho biết thêm, bên cạnh việc phân phối sản phẩm xe mới, HHS cũng chú trọng phát triển mảng dịch vụ với mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp lợi nhuận tại mảng này lên 12-13%. Đối với xe ô tô nói chung và xe tải nói riêng, dịch vụ sau bán hàng, đặc biệt là sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, thay thế sẽ là yếu tố thứ ba để xem xét mua (bên cạnh xây dựng thương hiệu và giá cả). HHS dự kiến phát triển mảng dịch vụ trở nên chuyên nghiệp tại các đại lý bán hàng và các kênh phân phối.
Ước tính có hàng trăm nghìn xe của các hãng xe hoạt động tại Việt Nam đã được cung cấp cho thị trường trong 10 năm qua và mỗi năm có khoảng 20,000-30,000 xe tải mới được đưa vào thị trường. HHS cho rằng đây là cơ sở đầy tiềm năng để phát triển mảng dịch vụ. HHS ước tính, lợi nhuận gộp của mảng dịch vụ dự kiến sẽ là 35-40%, trong khi đó mảng xe tải nhập khẩu chỉ bình quân khoảng 10%.
Xem chi tiết báo cáo tại đây.
Duy Hoàng tổng hợp
|