Thứ Ba, 22/09/2015 13:06

Gian nan thoái vốn ngân hàng

Được xem là nhóm cổ phiếu dẫn dắt trong một số giai đoạn nhưng không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng đủ hấp dẫn nhà đầu tư, thậm chí nhiều nhà băng phải “trầy trật” để tăng vốn còn các tập đoàn lớn thoái lui không dễ dàng.

Chông gai con đường thoái vốn

Con đường thoái vốn của các tập đoàn Nhà nước khỏi mảng ngân hàng có thể nói dài thật dài, bởi lộ trình và phương hướng đã vạch ra từ lâu nhưng đến nay cũng chưa được là bao.

Đơn cử như trường hợp của Ngân hàng An Bình (ABBank), từ tận cuối năm 2011, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã có kế hoạch “rút bớt chân” khỏi ABBank để giảm tỷ lệ sở hữu từ 25% xuống dưới 20% vốn. Đến đầu năm 2012, EVN tìm được đối tác là Ngân hàng Phát triển TpHCM (HDBank) để chuyển nhượng 5.3% vốn tại đây. Nhưng chỉ sau đó ít ngày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ trả lời không đồng ý chủ trương chuyển nhượng do chưa đáp ứng quy định về tỷ lệ chuyển nhượng vốn, thương vụ này tạm thời khép lại.

Đến giữa năm 2013, EVN tiếp tục đăng ký chào bán 25.2 triệu cp ABBank (thời điểm đó EVN đang nắm 102 triệu cp, chiếm tỷ lệ 21.3%). Theo thông tin từ báo chí, EVN từng chào bán công khai cổ phần ABBank trên HNX vào giữa tháng 8 nhưng không có nhà đầu tư nào đoái hoài. Có ý kiến cho rằng việc EVN yêu cầu nhà đầu tư phải đăng ký mua toàn bộ số cổ phần chào bán theo lô lớn là một trong những nguyên nhân khiến việc thoái vốn khó khăn.

Chào bán ra bên ngoài bất thành, cuối cùng số cổ phần này cũng tìm được bến bờ mới và hoàn tất chuyển nhượng cho “người nhà” là CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) với giá trị 252 tỷ đồng vào cuối năm 2013. ABBank nói riêng và chuỗi thương hiệu “An Bình” đều là thảnh viên của Geleximco trong lĩnh vực tài chính và bất động sản. Sau giao dịch này, EVN còn nắm 76,856,018 cổ phiếu (16.02% vốn) của ABBank, trong khi đó Geleximco nâng sở hữu lên 62,333,062 cp (12.99%).

Tuy nhiên chặng đường này vẫn chưa dừng lại bởi theo lộ trình thoái vốn, EVN sẽ phải rút hoàn toàn khỏi ABBank vào năm 2015. Để giải quyết việc này, EVN từng có ý định tổ chức đấu giá lượng cổ phần còn lại nhưng Thủ tướng đã yêu cầu ngừng việc đấu giá và giao cho NHNN thu xếp, lựa chọn đơn vị mua lại.

Mới đây, đến đầu tháng 9/2015, EVN tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký bán đấu giá 81,587,900 cp ABBank (tỷ lệ 17% vốn) với giá khởi điểm 10,000 đồng/cp. Kết quả thế nào có lẽ còn phải đợi một thời gian nữa.

Ngoài giao dịch EVN thoái vốn tại ABBank, một số tập đoàn Nhà nước khác cũng sẽ rút bớt vốn ra khỏi lĩnh vực ngân hàng như Tập đoàn Bảo Việt (BVH) với Ngân hàng Bảo Việt (BaoVietBank), Tập đoàn Dầu khí (PVN) với Ngân hàng Đại Chúng (PVcomBank), hay Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với Ngân hàng Sài Gòn Công thương – Saigonbank (SGB).

Trong đó, việc thoái vốn khỏi Saigonbank cũng không dễ dàng khi Sabeco đấu giá 500,000 cp với giá khởi điểm 75,000 đồng/cp và chỉ có một nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua toàn bộ. Phiên đấu giá này đã bị hủy vào cuối tháng 4/2015 do không đủ điều kiện tổ chức (phải có ít nhất hai nhà đầu tư tham gia đấu giá).

Còn tại BaoVietBank, BVH sẽ không bán bớt cổ phần mà sẽ giảm tỷ lệ sở hữu thông qua việc tăng vốn ngân hàng. Từ giữa năm 2014, BaoVietBank công bố đã được NHNN chấp thuận tăng vốn từ 3,000 tỷ lên 5,200 tỷ đồng (nhưng chỉ mới thực hiện lên 3,150 tỷ đồng), tỷ lệ sở hữu của BVH cũng đã giảm từ 52% xuống 49.5%.

PVN thì vẫn giữ tỷ lệ sở hữu 52% vốn PVcomBank (giảm từ mức 78% sau khi hợp nhất với Ngân hàng Phương Tây – WesternBank). Theo thông tin từ báo chí, Chính phủ đã đồng ý để PVN tiếp tục giữ vốn góp tại đây tới hết năm 2015 và sau đó sẽ rút bớt vốn.

Tăng vốn không khó nói nhưng khó làm

Không chỉ các giao dịch thoái vốn của các tập đoàn lớn khó khăn mà việc phát hành tăng vốn cũng chật vật không kém.

Điển hình như trường hợp của Ngân hàng  Đông Á (DongABank), từ tháng 9/2013 đã chốt danh sách chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 5,000 tỷ lên 6,000 tỷ đồng nhưng sau nửa năm (đến tháng 4/2014) đã công bố hủy do phát hành không thành công. Phương án tăng vốn này sau đó tiếp tục được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2014 và tồn tại trong im lặng. Mãi đến ĐHĐCĐ 2015, DongABank vội vã công bố phương án tăng vốn lên 6,000 tỷ đồng với điều chỉnh đối tác chiến lược là Tập đoàn KIDO (KDC). Nhưng cuối cùng KDC đã từ chối tham gia góp vốn vào DongABank. Sau đó không lâu, NHNN công bố đưa DongABank vào diện kiểm soát đặc biệt và đình chỉ hàng loạt các lãnh đạo cấp cao, cổ phiếu DongABank cũng không được chuyển nhượng kể từ giữa tháng 8/2015.

Còn một trường hợp nhà băng rơi vào diện tái cơ cấu khác là Ngân hàng Sài Gòn (SCB). SCB đã có chủ trương phát hành 200 triệu cp cho các cổ đông hiện hữu từ năm 2014 nhưng không thành công do chỉ có một cá nhân tham gia góp vốn là bà Trương Mỹ Lan (cổ đông sáng lập của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, còn Chủ tịchthành viên HĐQT cũ của SCB từng công tác nhiều năm tại Vạn Thịnh Phát và nhóm công ty liên quan). Tuy nhiên, SCB cuối cùng chuyển sang phương án hai, tìm được các đối tác nước ngoài và tăng vốn thêm 2,000 tỷ trong năm 2015 lên gần 14,300 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2015, vẫn còn hàng loạt các ngân hàng khác có ý định tăng vốn nhưng chưa “rục rịch” được gì mặc dù chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hết năm. Như Ngân hàng Bưu điện Liên Việt – LienVietPostBank (LPB) dự kiến phát hành 254 triệu cp ra công chúng với giá 10,000 đồng/cp để tăng vốn lên 9,000 tỷ đồng. Cũng tăng lên gần mức này là Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) với sự chấp thuận của ĐHĐCĐ phương án tăng vốn từ 5,465 tỷ lên gần 8,200 tỷ đồng, trong đó ủy quyền cho HĐQT quyết định chào bán 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (hiện SeABank có cổ đông chiến lược ngoại là Tập đoàn Tài chính Société Générale nắm 20% vốn).

Ngoài ra còn có Ngân hàng Phương Đông (OCB) với kế hoạch tăng vốn thêm 510 tỷ lên 4,500 tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ cho đối tác chọn lọc khoảng 338 tỷ đồng. Ngân hàng Việt Á (VietABank) dự định phát hành thêm 70 triệu cp để tăng vốn lên 4,200 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phần riêng lẻ, thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3-4/2015 (VietABank đã từng có ý định tăng vốn lên 4,000 tỷ trong năm 2014 nhưng không thành công). Hay Ngân hàng Bắc Á – BacABank (NASB) sẽ phát hành thêm 60 triệu cp để tăng lên 5,000 tỷ đồng, trong đó chào bán riêng lẻ 48.9 triệu cp bằng mệnh giá (38.9 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và 10 triệu cp cho đối tác khác) (trước đó, trong nửa đầu năm 2015, BacABank đã chào bán riêng lẻ 70 triệu cp và tăng vốn xong lên 4,400 tỷ đồng).

Nằm trong số ít ngân hàng hoàn tất được kế hoạch tăng vốn có Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từ giữa năm 2015 đã phát hành riêng lẻ gần 75 triệu cp với giá 27,548 đồng/cp và đến đầu tháng 7/2015, VPBank công bố tăng vốn thành công lên 8,056 tỷ đồng.

Hay Ngân hàng Quân đội – MB (MBB) cũng vừa hoàn tất đợt tăng vốn từ 11,594 tỷ lên 16,000 tỷ đồng sau khi phát hành 15.2 triệu cp cho cán bộ công nhân viên và chào bán riêng lẻ 390.6 triệu cp. Theo đó, tại mức giá bình quân hơn 11,000 đồng/cp, MBB thu ròng 4,286 tỷ đồng.

Trong thời gian vài năm gần đây sau thời hoàng kim của cổ phiếu ngân hàng, nhiều cổ đông trót đua theo nắm giữ các cổ phiếu này đang tìm cách giải thoát cho đồng vốn của mình, đặc biệt là các ngân hàng OTC. Câu hỏi thường trực của các cổ đông tại nhiều kỳ Đại hội là khi nào cổ phiếu của ngân hàng mới được niêm yết, và mục đích của nhiều cổ đông trong số này không ngoài việc thoái vốn khỏi ngân hàng. Đặc biệt là trong bối cảnh ngành ngân hàng đang được tài cơ cấu toàn diện và bộc lộ không ít yếu kém. Do đó rất nhiều cổ đông không mặn mà gì việc góp thêm tiền tăng vốn hay ôm vào các cổ phiếu ngân hàng. Thậm chí cả việc tăng vốn bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng không vừa lòng nhiều cổ đông như tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của OCB khi nhiều vị “đòi” cổ tức tiền mặt nhưng không thành.

Đan Thanh

Các tin tức khác

>   MBB: Phát hành thành công 390 triệu cp, thu về gần 4,300 tỷ đồng (20/09/2015)

>   DGW: Sắp phát hành hơn 7 triệu cp trả cổ tức 30% (20/09/2015)

>   QBS: Thông báo phát hành cổ phiếu ra công chúng (18/09/2015)

>   CTS sắp phát hành hơn 4.7 triệu cp để trả cổ tức năm 2014 (18/09/2015)

>   VietinBankSc: Đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh (16/09/2015)

>   Nước và tài nguyên môi trường VN đăng ký chào bán 900,000 cp giá 10,000 đồng/cp (18/09/2015)

>   CT3 đã nộp hồ sơ chào bán gần 1.9 triệu cp giá 12,000 đồng/cp (18/09/2015)

>   QBS sắp phát hành 32 triệu cp (17/09/2015)

>   STB đã nộp hồ sơ phát hành gần 643 triệu cp (17/09/2015)

>   HQC đã phát hành 63 triệu cp (17/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật