Của cho không bằng cách cho
Trung Quốc đang vội vã chi nhiều tỉ đô la vào hạ tầng ở các nước láng giềng, để tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở châu Á. Nhưng những dự án này cũng có thể mang lại tác dụng ngược.
Vành đai kinh tế con đường tơ lụa Là một phần trong chính sách đối ngoại mới, Trung Quốc hướng tới tái lập con đường tơ lụa trao đổi thương mại cổ nối đất nước này với châu Á và phương Tây. Nguồn: Tân Hoa xã
|
Tranh giành ảnh hưởng
Tại công trình thủy điện Hạ Sesan 2 ở vùng Đông Bắc Campuchia, một bức tường bê tông lớn được dựng lên cao dần trên mặt nước. Con đập thủy điện trị giá 800 triệu đô la Mỹ do Trung Quốc tài trợ đang sừng sững như một biểu tượng cho tham vọng của Bắc Kinh trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp châu Á.
Trung Quốc đang đầu tư hàng trăm tỉ đô la vào các nước láng giềng, nhằm cạnh tranh với chính sách “tái cân bằng” hướng tới châu Á của Tổng thống Mỹ B.Obama.
Không nơi nào minh chứng điều đó rõ ràng hơn ở Campuchia, một quốc gia đang bị hút vào quỹ đạo của Trung Quốc, với những dự án trị giá hàng tỉ đô la dành cho đường giao thông, cầu, đập thủy điện..., được quyết định chỉ trong chớp mắt mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì.
Bộ trưởng Thương mại Campuchia Sun Chanthol, trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post, cho biết: “Nếu không có cơ sở hạ tầng, bạn không thể hồi sinh”. Ông thẳng thắn thừa nhận: “Chúng tôi được cho là luôn đi theo Trung Quốc, nhưng đó là vì chúng tôi cần cơ sở hạ tầng một cách nhanh chóng, không có gì hơn”. Ông Sun đặt câu hỏi: “Trung Quốc có đưa ra bất kỳ điều kiện nào không?”, rồi tự trả lời: “Hoàn toàn không”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố muốn khôi phục lại tuyến đường thương mại cổ đại, tạo ra “con đường tơ lụa trên biển”, thông qua vùng biển của các nước Nam Á và một “vành đai kinh tế con đường tơ lụa” băng qua sa mạc và các vùng núi Trung Á. Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, có trụ sở tại Bắc Kinh, và một quỹ Con đường tơ lụa 40 tỉ đô la Mỹ do Trung Quốc lập ra, sẽ cung cấp một phần kinh phí cho những dự án này.
Trung Quốc nhìn thấy cơ hội ở châu Á nhiều hơn cách mà Mỹ từng nhìn thấy và nắm cơ hội ở Mỹ Latinh. Tại Campuchia, một nền kinh tế đang phát triển nhanh và vô cùng cần hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng, Trung Quốc sẵn sàng tung tiền mặt, không có điều kiện ràng buộc như các khoản vay của Ngân hàng Thế giới.
Thậm chí, theo Washington Post, Trung Quốc cũng không quan tâm rõ ràng về tình trạng tham nhũng đối với các khoản vay này.
Mặc dù Mỹ hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, và là nhà nhập khẩu lớn các sản phẩm may mặc từ nước này, nhưng Trung Quốc đã nổi lên trong thập kỷ qua là nhà tài trợ lớn nhất và nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất đối với Campuchia.
Tác động tới người dân
Sự “hào phóng” của Trung Quốc không phải không có những hạn chế. Người dân ở quanh khu vực đập thủy điện Hạ Sesan 2 sẽ cảm nhận rõ nhất. Đây là dự án được quyết định bởi các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước mà cộng đồng địa phương, nơi bị tác động nặng nhất, gần như không có vai trò.
Gần 5.000 người sẽ bị mất nhà khi hồ thủy điện bắt đầu chứa nước. 40.000 người sinh sống dọc theo bờ sông Sesan và sông Srepok có nguy cơ mất nguồn thủy hải sản, thực phẩm sinh sống duy nhất của họ.
Theo nghiên cứu của Ian Baird tại Đại học Wisconsin ở Madison, đập Hạ Sesan 2 sẽ dẫn đến tình trạng “tăng suy dinh dưỡng và nghèo đói trên diện rộng tại Campuchia”.
Tuy nhiên, các báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã không tính đến điều này, và dự án cũng không bao gồm điều khoản bồi thường sản lượng cá bị mất đối với người dân.
Tại ngôi làng nhỏ Phluk, về phía hạ lưu đập, một ngư dân cho biết, thuốc nổ được các kỹ sư Trung Quốc sử dụng, cùng với nước xi măng chảy từ các địa điểm xây dựng, đã làm sản lượng khai thác giảm đáng kể.
“Không có cá lớn nữa, chúng tôi không thể kiếm ăn từ đánh bắt cá nữa” - Uta Khami, 54 tuổi, cha của bảy đứa con nói với Washington Post. “Cha tôi dạy tôi bắt cá từ năm 12 tuổi. Gia đình tôi sống nhờ cá trên dòng sông này. Giờ tôi tiếc nó đến đứt ruột”, ông tâm sự.
Nhưng đó không phải dự án duy nhất của Trung Quốc ở Campuchia bị người dân phản đối. Các nhóm xã hội dân sự Campuchia chỉ ra một dự án khác, trong đó chính quyền nhượng 90.000 héc ta đất cho tập đoàn Liên minh phát triển (UDG) của Trung Quốc để xây dựng trung tâm thương mại và khu du lịch sinh thái ở bờ biển phía Tây Nam của Campuchia.
Dự án này buộc hàng ngàn người bị cưỡng bức di dời. Song, theo báo cáo của Diễn đàn các tổ chức phi chính phủ về Campuchia, người dân không được bồi thường đầy đủ, phải tái định cư ở những khu đất xấu, hạn chế tiếp cận với điện, nước sạch, và nhà vệ sinh.
Một dự án đập thủy điện khác do Trung Quốc tài trợ, ở rừng nguyên sinh Areng Valley phía Tây Nam, đã bị đình chỉ hồi tháng 2, sau khi người dân địa phương biểu tình dữ dội, kèm theo những chiến dịch truyền thông xã hội lan tới giới trẻ thành thị.
Gia tăng ảnh hưởng
Tại Myanmar cách đây bốn năm, dư luận đã buộc chính phủ phải đình chỉ một dự án đập thủy điện gây tranh cãi của Trung Quốc. Một số chuyên gia tự hỏi liệu Bắc Kinh có thể rút ra được một bài học, đó là tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng địa phương cho chiến lược đầu tư dài hạn khôn ngoan hơn, so với việc đơn giản là đạt thỏa thuận với quan chức chính quyền.
Mey Kalyan, một cố vấn cấp cao Hội đồng kinh tế quốc gia, cho biết Trung Quốc được hưởng một “quan hệ đặc biệt với Campuchia”. Nhưng ông May cũng thừa nhận rằng, Trung Quốc nên nhận ra hệ thống chính trị của Campuchia khác với Trung Quốc và “cần có đối thoại nhiều hơn”.
Nhưng rõ ràng không có dấu hiệu đó ở Campuchia.
Trong ngôi làng Srae Kor, nhiều ngôi nhà gỗ vẫn được sơn mới, dấu hiệu cho thấy nhiều người dân quyết tâm không rời nhà, ngay cả khi hồ chứa đập Hạ Sesan 2 tích nước.
“Tôi muốn chết trong làng và ở lại với tổ tiên của mình”, bà La Thoeu 62 tuổi nói, “Dòng sông là cuộc sống của tôi. Tôi đã sống một cuộc sống hạnh phúc. Tôi sẽ không rời khỏi nơi này”.
Dân làng cho biết, vùng đất mà chính phủ muốn họ di chuyển tới là đất đá. Các khoản bồi thường không đủ để bù đắp doanh thu bị mất từ cá và vườn cây ăn trái trong nhiều năm. Một số người đã đi tới tận nơi, xem khu tái định cư của người dân trả đất cho dự án UDG. Họ cho biết thật sự kinh hoàng bởi chất lượng kém của khu ở mới.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc, cùng nhiều kiến nghị của người dân cũng chưa mang lại kết quả gì.
Kung Phoak, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược Campuchia, khẳng định Trung Quốc đang phải hứng chịu “sự mất lòng tin nghiêm trọng” không chỉ ở Campuchia mà toàn khu vực. Theo ông Phoak, Trung Quốc thường chỉ quan hệ với các nhà lãnh đạo Campuchia để có các quyết định được ban hành từ trên xuống. Ông cho rằng, mặc dù nền dân chủ của quốc gia đang có nhiều thiếu sót, nhưng dù sao chính phủ cũng rất nhạy cảm với dư luận. “Mọi người vẫn hoài nghi sâu sắc về các hoạt động khác nhau của Trung Quốc ở đất nước này”, ông nói.
Theo vị chuyên gia này, châu Á đã phải hứng chịu đủ từ sự ganh đua của các siêu cường trong quá khứ, và Campuchia không muốn bị đặt vào tình thế phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn được càng là trung lập càng tốt”, ông khẳng định. “Trước đây, Mỹ là đối tác chiếm ưu thế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng bây giờ không chỉ có Mỹ, mà có cả Trung Quốc nữa. Với một nước nhỏ như Campuchia, cần có sự sắp xếp chiến lược một cách rộng lớn hơn”.
Bộ trưởng Thương mại Campuchia thẳng thắn chỉ đích danh Mỹ đã “không đầu tư đủ” kể từ khi xây dựng “con đường Mỹ” từ thủ đô Phnôm Pênh đến thành phố biển Sihanoukville vào những năm 1990. “Theo quan điểm của tôi, Mỹ vội vàng chỉ trích và nhanh chóng đổ lỗi”, ông Sun nói.
“Bạn không đưa ra bất kỳ kinh phí tài trợ nào cho cơ sở hạ tầng, và sau đó khi chúng tôi đến với Trung Quốc, thì bạn đổ lỗi cho chúng tôi”, ông cho hay. “Khi được hỏi tại sao luôn đến với tài trợ của Trung Quốc, tôi đáp rằng, Campuchia giống người bị đói trong nhiều năm. Vì vậy khi ai đó cho bát cơm thì rõ ràng phải ăn thôi”.
Minh Đức (Theo Washington Post)
tbktsg
|