Cú sốc DongABank tại PNJ!
Trong những năm gần đây, quy định về việc kinh doanh vàng miếng đã là cú sốc lớn “đánh” vào kết quả kinh doanh của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) thì mới đây Công ty bị “bồi” thêm một cú không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà từ khoản đầu tư lâu năm vào Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).
* Ông Cao Sỹ Kiêm từ nhiệm, Cán bộ NHNN trở thành Chủ tịch DongABank
* Câu chuyện DongABank
Biến động giá cổ phiếu PNJ trong 1 năm trở lại đây (đã có điều chỉnh)
|
Nhìn lại hoạt động kinh doanh những năm gần đây của PNJ, nếu như chưa xét đến các hoạt động đầu tư ngoài ngành khác mà chỉ tính đến kinh doanh cốt lõi, doanh thu của công ty gần như tăng trưởng qua các năm ngoại trừ khúc đứt gãy năm 2012 do liên quan đến quy định kinh doanh vàng miếng. Đây cũng là cú sốc lớn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của PNJ bởi doanh thu từ vàng miếng thường chiếm đến 40-50% tổng doanh thu của Công ty.
Kết quả kinh doanh qua các năm của PNJ
ĐVT: tỷ đồng
Nguồn: BCTC kiểm toán qua các năm của PNJ (Số liệu doanh thu vàng miếng tổng hợp từ báo cáo thường niên các năm)
|
Do cú sốc này mà trong năm 2012, doanh thu thuần của PNJ lao dốc từ gần 18,000 tỷ xuống khoảng 6,700 tỷ đồng, trong đó doanh thu vàng miếng giảm 70% so với năm 2011. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của Công ty không giảm nhiều trong năm này nhờ cứu cánh từ hoạt động tài chính khi thoái vốn khỏi CTCP Năng lượng Đại Việt.
Ngoài mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi, PNJ còn lấn sân sang ngân hàng, bất động sản và ngành khác… Đó là các khoản đầu tư hiện còn nắm giữ như DongABank, CTCP Địa ốc Đông Á, CTCP Bất động sản Sài Gòn M&C hay các khoản đã thoái vốn gồm CTCP Quê hương Liberty, Dự án Hoàng Minh Giám, CTCP Địa ốc Kinh Đô, CTCP Năng lượng Đại Việt, CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC)…
Các khoản đầu tư tài chính dài hạn của PNJ
ĐVT: tỷ đồng
Nguồn: BCTC kiểm toán qua các năm của PNJ
|
Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là vào DongABank với hơn 395 tỷ đồng, tương đương gần 38.5 triệu cp, chiếm tỷ lệ 7.7% vốn (tại thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongABank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn). Còn bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT PNJ cũng đồng thời là vợ ông Trần Phương Bình – Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DongABank (bà Dung từng là Chủ tịch HĐQT DongABank từ năm 1992-1997).
Mối quan hệ của DongABank và PNJ còn thể hiện ở các khoản vay và dùng khoản đầu tư cổ phiếu vào DongABank làm tài sản thế chấp cho nhiều khoản vay của PNJ.
Liên quan đến các khoản vay nợ tại Công ty, trong những năm trước PNJ vay bằng vàng tương đối lớn và đến cuối năm 2013 đã tất toán xong các khoản vay bằng vàng. Nhiều nhất là trong năm 2012 với 832 tỷ đồng vay bằng vàng, trong đó vay DongABank 163 tỷ đồng. Khoản vay bằng tiền đồng của PNJ tại DongABank đã giảm trong những năm gần đây và còn lại không đáng kể.
Mối quan hệ PNJ – DongABank về vay nợ
Nguồn: BCTC các năm của công ty mẹ PNJ (chưa kiểm toán)
|
Sau nhiều năm song hành mật thiết cùng nhau, bất ngờ đến năm 2015, DongABank trở thành cú sốc "đánh" vào chính kết quả kinh doanh của PNJ khi Ngân hàng Nhà nước công bố kiểm soát đặc biệt. Trước đó PNJ công bố báo cáo quý 2/2015 tự lập với khoản trích lập dự phòng 55 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào DongABank và lãi sau thuế hợp nhất 6 tháng thu về hơn 175 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau soát xét, PNJ đã tăng trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào DongABank, nâng số dư khoản trích lập dự phòng rủi ro đầu tư dài hạn tại PNJ từ 55 tỷ lên 141 tỷ đồng, làm tăng chi phí tài chính trong kỳ và kéo giảm lợi nhuận sau thuế hợp nhất tụt xuống còn 107 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu cổ đông của PNJ tính đến 30/06/2015
- Bà Cao Thị Ngọc Dung và các bên liên quan: 13.79 triệu cp – 14.03%
- Quỹ VinaCapital (đại diện là ông Andy Ho): 8.51 triệu cp – 8.66%
- Quỹ Mekong Capital (đại diện là bà Phạm Vũ Thanh Giang): 4.97 triệu cp – 5.05%
- Quỹ Dragon Capital: 4.5 triệu cp – 4.58%
|
Đan Thanh
|