Chủ Nhật, 27/09/2015 21:42

Công bố thông tin của DNNN: Đánh trống bỏ dùi

Từ thực tế quy định hiện hành và dự thảo mới, khó hy vọng việc công bố thông tin nhằm minh bạch hóa các hoạt động của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ được cải thiện.

Báo cáo tài chính năm 2014 của tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản (TKV) đến tháng 5-2015 mới được công bố, nhưng chưa được kiểm toán. Và TKV được xem là đơn vị chấp hành việc công bố thông tin tốt nhất trong số các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: T.L

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) lại trình Chính phủ dự thảo Nghị định về việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo Luật Doanh nghiệp 2014. Quyết định 36/2014/QĐ-TTg về Quy chế công bố thông tin hoạt động của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (Quyết định 36) và Thông tư 15/2015 hướng dẫn quyết định này đang có hiệu lực được ban hành theo Luật Doanh nghiệp 2005.

Trong khi theo Luật Doanh nghiệp 2014, chỉ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mới được coi là DNNN, vì vậy Quyết định 36 cần được sửa đổi bằng nghị định hướng dẫn khác cho phù hợp.

Yêu cầu nhiều, công bố chẳng bao nhiêu

Quyết định 36 hay hàng loạt quy định có liên quan đến vấn đề này được ban hành trong vài năm qua như Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động công khai tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước (Nghị định 61/2013), nghị định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Nghị định 71/2013), đều đưa ra các quy định về minh bạch thông tin đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ở những mức độ khác nhau nhưng việc này được thực hiện một cách tùy hứng và không có chế tài.

Lấy ví dụ: Quyết định 36 yêu cầu DNNN phải công bố báo cáo tài chính sáu tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp, chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn (năm năm) của doanh nghiệp, tiền lương - tiền thưởng của doanh nghiệp... qua các văn bản, trang thông tin điện tử và phương tiện thông tin đại chúng khác. Thời hạn công bố báo cáo tài chính sáu tháng hàng năm phải trước ngày 31-8 hàng năm. Báo cáo tài chính năm trước phải công bố không muộn hơn ngày 30-5 năm sau.

Thế nhưng, trên thực tế, các quy định này được thực hiện như thế nào?

Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản (TKV) đã công bố báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm 2015. Báo cáo tài chính hợp nhất tập đoàn sáu tháng đầu năm không có thuyết minh đi kèm. Còn báo cáo tài chính năm 2014 của TKV công bố tháng 5-2015 là báo cáo tài chính chưa được kiểm toán và không có thuyết minh hợp nhất đi kèm. Có lẽ TKV là đơn vị chấp hành việc công bố thông tin tốt nhất trong số các DNNN.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đến nay mới công bố báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm 2014, chưa kiểm toán nhưng có thuyết minh. Còn tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới công bố báo cáo thường niên 2013.

Quyết định 36 cũng quy định khi có thông tin bất thường, khởi tố lãnh đạo, nợ thuế... DNNN phải công bố thông tin hoặc có thông tin sai phải đính chính trên trang web của mình trong vòng 24 giờ. Nhưng khi Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Nguyễn Xuân Sơn bị khởi tố thì trang web của PVN không có thông tin gì.

Vì cách công bố thông tin kiểu tùy hứng và chậm trễ như thế nên chủ sở hữu doanh nghiệp và Bộ KHĐT cũng công bố thông tin “ăn theo” kiểu này.

Quyết định 36 chỉ yêu cầu nếu các doanh nghiệp không công bố thông tin đầy đủ, đúng quy định thì Bộ KHĐT và chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ quy trách nhiệm đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự một cách chung chung. Trên thực tế, chẳng có lãnh đạo hay doanh nghiệp nào bị xử lý về chuyện này nên doanh nghiệp công bố thông tin hay không công bố đều như nhau.

Minh bạch thông tin: không phải thích thì làm

Dự thảo nghị định về việc công bố thông tin của DNNN mà Bộ KHĐT vừa trình Chính phủ không khác nhiều với Quyết định 36.

Dự thảo này có thay đổi một chút về thời hạn công bố thông tin, ví dụ như phải công bố kế hoạch sản xuất - kinh doanh ba năm thay cho năm năm, thời gian công bố kế hoạch này được đẩy lùi muộn hơn. Dự thảo yêu cầu cụ thể là phải công bố báo cáo tài chính được kiểm toán hay trang thông tin của doanh nghiệp phải có mục “Công bố thông tin”.

Dự thảo cũng quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu khi không công bố thông tin đúng thời hạn hoặc sai lệch (bị các hình thức từ hạ bậc lương đến khiển trách, cảnh cáo, truy cứu trách nhiệm hình sự). Doanh nghiệp vi phạm thì bị xử phạt như xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư...

Có một điểm mới là nếu doanh nghiệp chậm công bố các thông tin theo quy định trong thời hạn 20 ngày thì bị nêu tên trên Cổng thông tin Bộ KHĐT và báo cáo Thủ tướng.

Thực ra, DNNN nay không còn luật riêng, cũng không còn “sân chơi” riêng trong Luật Doanh nghiệp. Dự thảo nghị định mới này hay Quyết định 36 sắp được thay thế cơ bản đã đủ hành lang pháp lý cho các cơ quan quản lý xử lý tình trạng kém minh bạch về thông tin của các DNNN.

Tuy nhiên, nên mạnh tay xử phạt DNNN chậm công bố thông tin như đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết chậm công bố. Nếu không khiển trách hay cảnh cáo một vài lãnh đạo DNNN về sự vi phạm thì việc công bố thông tin của DNNN tiếp tục rơi vào những “vùng tối” kiểu như đột nhiên một số tập đoàn yêu cầu bù lỗ tỷ giá cho ngành điện mà mọi người không biết họ đi vay ở đâu, vay vào thời điểm nào.

Ngọc Lan

tbktsg

Các tin tức khác

>   Chế tài nào nếu HĐQT doanh nghiệp không muốn mở room? (18/09/2015)

>   Quy định bán cổ phần theo lô phải đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán (16/09/2015)

>   Sẽ cho ký quỹ đối với một số cổ phiếu "VIP" trên UPCoM (04/03/2016)

>   Lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi) về 4 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán (11/09/2015)

>   UBCK lấy ý kiến dự thảo lần 2 Thông tư thay thế Thông tư 121 về quản trị công ty (08/09/2015)

>   Mua bán trong ngày: Dự kiến áp dụng cho tất cả cp được giao dịch mua ký quỹ (24/08/2015)

>   UBCKNN lấy ý kiến dự thảo lần 2 Thông tư thay thế Thông tư 74 (24/08/2015)

>   Toàn văn Thông tư 123 về nới room ngoại (20/08/2015)

>   Nới room: Chờ xong Bộ Tài chính, chờ tới Bộ KHĐT! (20/08/2015)

>   Ban hành Thông tư số 123 về nới room ngoại (19/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật