Cần hàng nghìn tỷ USD thực hiện mục tiêu phát triển bền vững
Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra một loạt mục tiêu toàn cầu mới để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên khắp hành tinh, câu hỏi về nguồn vốn nghìn tỷ USD ở đâu vẫn để ngỏ trong khi các nước liên tục đưa ra những cam kết tài chính.
193 quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc mới đây đã thông qua 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) như một lộ trình để chấm dứt nạn đói nghèo, chống lại tình trạng bất bình đẳng và biến đổi khí hậu trong 15 năm tới.
Các mục tiêu này sẽ giải quyết các vấn đề ở cả nước giàu và nước nghèo, thay cho một kế hoạch hành động trước đó của Liên hợp quốc là Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) vốn tập trung chủ yếu vào giảm nghèo ở các nước đang phát triển.
Trong khi viện trợ và giảm nợ là "công cụ" chính trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, nhiều quốc gia nhận thấy rằng cần có nguồn lực khác ước lên tới 3.000 tỷ USD/năm để có thể thực thiện SDG.
Ngân hàng Thế giới (WB), cùng với các ngân hàng phát triển khác, đã dùng cụm từ “Từ hàng tỷ USD đến hàng nghìn tỷ USD” để minh chứng cho thách thức này.
Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurria cho rằng sự tham gia của khu vực tư nhân có ý nghĩa quan trong khi chính phủ các nước cần tăng cường sử dụng công cụ thuế và các hệ thống quy định để khuyến khích đầu tư.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thông báo tại cuộc họp thượng đỉnh về SDG diễn ra trong các ngày 25-27/9, 40 quốc gia và hơn 100 tổ chức quốc tế đã đưa ra những cam kết tài chính ban đầu trị giá hơn 25 tỷ USD trong 5 năm để giúp chấm dứt những ca tử vong không đáng có ở phụ nữ, trẻ em, và thanh thiếu niên.
Anh Quân
Vietnam+
|