Bệnh viện GTVT Trung ương: Tăng vốn sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn sở hữu 73%
Theo phương án cổ phần hóa, với vốn điều lệ 168 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu nhà nước sau cổ phần hóa sẽ là 30%. Tuy nhiên, vẫn còn một phần giá trị Bệnh viện chưa được quyết toán hết trong đợt cổ phần hóa này, khi được quyết toán sẽ làm tăng vốn điều lệ và được tính vào vốn nhà nước nên sau cổ phần hóa Nhà nước vẫn nắm 73% vốn và nhà đầu tư tham gia mua cp Bệnh viện sẽ phải chịu rủi ro pha loãng này.
Cụ thể, phương án cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương trên vốn điều lệ 168 tỷ đồng gồm bán cổ phần ưu đãi cho người lao động 1.77 triệu cp, ứng với 10.52% vốn; bán cho cổ đông chiến lược 5.04 triệu đơn vị tức 30% vốn; đấu giá công khai 4.95 triệu đơn vị ứng với 29.48% vốn. Theo đó, sau cổ phần hóa Nhà nước sẽ chỉ còn sở hữu 30% vốn Bệnh viện GTVT Trung ương.
Ngày 21/10/2015 tới đây, Bệnh viện sẽ tiến hành đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 4.95 triệu cp với giá khởi điểm 10,000 đồng.
Tuy nhiên, phương án trên chỉ được xây dựng trên số vốn điều lệ hiện tại là 168 tỷ đồng. Vẫn còn một giá trị khác chưa thể quyết toán hết vào giá trị Bệnh viện trong đợt cổ phần hóa này. Đó là dự án tòa nhà Bệnh viện thực hiện từ nguồn vốn vay ODA, tính đến 30/06/2014, dự án đã hoàn thành khối lượng xây dựng cơ bản với giá trị được ghi nhận vào giá trị doanh nghiệp là 55 tỷ đồng. Phần giá trị đầu tư còn lại của dự án tòa nhà Bệnh viện ước tính còn khoảng 267.5 tỷ đồng (ước tính theo tỷ giá 21,500 VNĐ/USD tại thời điểm xây dựng phương án thí điểm cổ phần hóa) chưa được tính vào giá trị doanh nghiệp. Dự kiến quý 3/2015, sau khi dự án đầu tư mới tòa nhà Bệnh viện có quyết toán thực tế công trình hoàn thành, phần giá trị đầu tư còn lại (khoảng 267.5 tỷ đồng) sẽ được bổ sung tăng vốn điều lệ và được tính vào giá trị phần vốn nhà nước tại Bệnh viện. Khi đó, vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng từ 168 tỷ lên 435.5 tỷ đồng và tỷ lệ phần vốn nhà nước tăng lên tương ứng khoảng 73% trên mức vốn mới.
Như vậy, sau cổ phần hóa, các nhà đầu tư sẽ bị thay đổi tỷ lệ sở hữu tại Bệnh viện. Theo quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 21/07/2015 của Thủ tướng Chính phủ nhà nước sẽ tiếp tục bán vốn tại Bệnh viện sau tăng vốn điều lệ lên 435.5 tỷ để duy trì tỷ lệ nắm giữ dưới 30%.
Với rủi ro này, nhà đầu tư chiến lược sẽ chỉ còn sở hữu khoảng 11.5% vốn Bệnh viện sau tăng vốn điều lệ. Bên cạnh đó, phải cam kết nắm giữ trong phòng 5 năm kể từ khi Bệnh viện được cấp phép đăng ký kinh doanh lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Biết thêm, theo thông tin trên báo chí, Tập đoàn T&T là đơn vị duy nhất được Bộ Giao thông Vận tải chọn để đàm phán hợp đồng bán 30% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO Bệnh viện do đáp ứng được các quy định khắt khe trên. Cũng như tiêu chí nhà đầu tư chiến lược của Bệnh viện là doanh nghiệp cùng lĩnh vực có vốn không thấp hơn 200 tỷ đồng hoặc nhà đầu tư tài chính có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1,000 tỷ đồng. Đối tác chiến lược phải kinh doanh có lãi và không có lỗ lũy kế trong BCTC kiểm toán gần nhất.
Trong các năm qua, tổng thu của Bệnh viện đạt khoảng 140 tỷ đồng nhưng tổng chi là 170 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng thu gồm 53 tỷ đồng và tổng chi 60 tỷ đồng. Do đó, hằng năm Bệnh viện vẫn nhận nguồn ngân sách chi thường xuyên và không thường xuyên của Nhà nước để đảm bảo hoạt động.
Theo kế hoạch sau cổ phần hóa, hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, bệnh viện sẽ có lãi ròng 7.8 tỷ đồng ngay trong năm 2015, hai năm tiếp theo lần lượt là 9.6 tỷ và 12 tỷ đồng.
Hiện tại, Bệnh viện GTVT là bệnh viện đa khoa với 26 khoa, phòng gồm 5 phòng ban chức năng, 5 khoa cận lâm sàng và 16 khoa lâm sàng; có 470 giường bệnh, có năng lực cung cấp gần 500,000 lượt khám bệnh và gần 11,000 người bệnh điều trị nội trú hàng năm. Tổng giá trị thực tế được xác định gồm 158.5 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của Nhà nước là 136.5 tỷ đồng, tài sản không cần dùng là 1.5 tỷ đồng.
Mỹ Hà
|