VLF: Quý 2 lỗ khủng 61 tỷ, vốn chủ sở hữu chỉ còn 3 tỷ đồng
CTCT Lương thực thực phẩm Vĩnh Long (HOSE: VLF) ghi nhận doanh thu thuần quý 2 chỉ 70.3 tỷ đồng, bằng 1/6 cùng kỳ năm trước (404 tỷ). Lợi nhuận gộp do đó cũng sụt giảm nghiêm trọng, ghi nhận 2.7 tỷ đồng, thấp hơn 6 lần cùng kỳ (17 tỷ đồng).
Theo giải trình của Ban lãnh đạo VLF, nguyên nhân chính là do tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, giá bán cũng liên tục sụt giảm. VLF cũng cho biết thêm, mặc dù đầu vụ đông xuân năm nay công ty đã mua tạm trữ được hơn 10,000 tấn gạo theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng trong quý 2/2015 cũng chỉ bán ra được 6,414 tấn gạo các loại, giảm 84% so với quý 2/2014.
Các chi phí liên quan như chi phí bán hàng cũng giảm cùng với doanh thu. Duy chỉ có chi phí quản lý doanh nghiệp lại cao gấp 4 lần cùng kỳ, lên đến 25 tỷ đồng, nguyên nhân do công ty phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo quy định hơn 19 tỷ đồng. Cùng với khoản lỗ hơn 27 tỷ do bán nhà máy thức ăn thủy sản Domyfeed.
Sau khi trừ các chi phí phát sinh này, VLF ghi nhận lỗ ròng đến 61 tỷ đồng, đây là quý thứ 5 liên tiếp lỗ. Lũy kế sáu tháng đầu năm, VLF lỗ ròng 72 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm trước lãi nhẹ 3 tỷ.
Ban lãnh đạo VLF cho biết công ty hiện gặp khó khăn trong việc vay thêm vốn từ ngân hàng do đó bế tắc trong việc cải thiện tình hình hoạt động. Tín hiệu trì trệ này đã chớm xuất hiện nhiều khả năng từ cuối năm 2012 khi VLF bắt đầu ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh chính. Lỗ lũy kế ghi nhận trên báo cáo cân đối kế toán của đơn vị này kết thúc quý 2/2015 đã lên đến 153 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu chỉ còn vỏn vẹn 3.7 tỷ đồng.
Tiền và các khoản tương đương tiền tăng 60% so với đầu năm lên 16 tỷ đồng. Hàng tồn kho ứ đọng lên đến 72 tỷ đồng, cao gấp 8 lần đầu năm (9 tỷ) do gặp khó khăn trong xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài.
Tài sản dài hạn cũng suy giảm nghiêm trọng hơn 45% so với đầu năm xuống còn 112 tỷ do công ty phải nhượng bán lại để trang trải hoạt động kinh doanh, phần giá trị còn lại của nhà của, vật kiến trúc cũng phải sử dụng để đảm bảo cho các khoản vay tại các ngân hàng thương mại.
Đáng chú ý, tại 30/06/2015, VLF không còn ghi nhận khoản nợ vay dài hạn hơn 40 tỷ đồng hồi đầu năm. Ở chiều ngược lại, nợ vay ngắn hạn lại tăng 25% lên 290 tỷ. Như vậy, nợ vay chủ yếu hiện tại là nợ vay ngắn hạn, chiếm hơn 93% nợ phải trả.
Tấn Đạt
|