Việt kiều “nín thở”…chờ Nghị định
Quy định trước tiên phải có “giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt” đang là một rào cản rất lớn đối với mong muốn sở hữu nhà tại Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài (Việt kiều).
Việt kiều gặp khó…
Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 đã “mở cửa” cho Việt kiều được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, những vướng mắc trong khâu chứng minh nguồn gốc phải được quy định chi tiết trong Nghị định hướng dẫn khiến cho họ vẫn phải… “nín thở” chờ văn bản pháp quy quan trọng này.
Người nước ngoài tham dự lễ mở bán dự án khu phức hợp căn hộ cao cấp The Goldview tại đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Việt
|
Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người, trong đó có hơn 2 triệu người tại Mỹ. Khi Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực, một bộ phận không nhỏ Việt kiều đã khấp khởi trước cơ hội được sở hữu nhà tại Việt Nam, chuẩn bị cho kế hoạch “về cội” trong tương lai, khi có điều kiện.
Tuy nhiên, muốn sở hữu nhà, trước tiên Việt kiều phải có giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt do một trong số các cơ quan có thẩm quyền cấp (theo quy định hiện nay là cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư). Căn cứ để xác nhận nguồn gốc người Việt của Việt kiều chủ yếu là giấy khai sinh, thẻ căn cước, tờ khai gia đình, CMND, hộ khẩu. Thế nhưng, do hoàn cảnh lịch sử, nhiều Việt kiều không còn giữ được những giấy tờ chứng minh nguồn gốc bản thân này..., nhiều trường hợp cơ quan Nhà nước hiện nay cũng không còn lưu giữ hồ sơ hộ tịch gốc của họ. Chính vì vậy, để chứng minh nguồn gốc người Việt theo quy định của Luật thực sự là khó khăn rất lớn đối với Việt kiều.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, trong trường hợp Việt kiều không có khai sinh hoặc giấy tờ tùy thân khác để chứng minh nguồn gốc người Việt, thì cho phép sử dụng thông tin trên thẻ căn cước (ID), hộ chiếu (passport) của nước sở tại cấp cho họ (có ghi rõ nơi sinh là Việt Nam) để chứng minh nguồn gốc người Việt. Và nên coi đây là cơ sở pháp lý theo công pháp quốc tế để xác định nguồn gốc người Việt. “Ví dụ, hộ chiếu của Mỹ cấp cho Việt kiều sinh tại Việt Nam thì đã được ghi rõ: "Nơi sinh: Việt Nam" (Place of Birth: Vietnam). Nếu thực hiện phương thức này thì sẽ làm đơn giản hóa thủ tục xác định nguồn gốc người Việt của Việt kiều” - ông Châu nói.
Để tạo thuận lợi cho Việt kiều mua nhà, HoREA hiện đã có văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên, trước khi nghị định này chính thức được ban hành, Việt kiều có nguyện vọng được sở hữu nhà tại Việt Nam vẫn phải “nín thở”… chờ đợi.
Người nước ngoài cũng... không dễ
Tại Khoản (4.b), Điều 7 dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Nhà ở 2014, quy định đối với trường hợp người nước ngoài bán hoặc cho - tặng nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì bên mua, bên nhận cho - tặng chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn còn lại. Có thể hiểu là, giả sử một người nước ngoài mua một căn hộ tại Việt Nam, thời hạn sở hữu căn hộ theo Luật là 50 năm. Người này đã sinh sống tại căn hộ đó được 20 năm, nếu họ bán hoặc cho - tặng một người nước ngoài khác thì người mua lại hoặc nhận cho - tặng căn hộ đó chỉ được sở hữu trong 30 năm còn lại.
Trao đổi với phóng viên, ông Châu cho rằng, quy định này không phù hợp và không đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người nước ngoài khi mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. “Nên cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi mua lại nhà ở của người nước ngoài thì được quyền sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa 50 năm để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật” - ông Châu nói.
Về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu theo quy định của Luật và dự thảo Nghị định, theo ông Châu, nên giao quyền cho UBND cấp tỉnh xem xét quyết định để phù hợp với thực tiễn tình hình của địa phương, nhất là các đô thị tập trung đông người nước ngoài như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang…
Việt Tâm
kinh tế & đô thị
|