Thứ Sáu, 07/08/2015 13:05

Thông tư thay thế Thông tư 74 có siết được việc hô hào mua cổ phiếu quỹ?

Việc đăng ký mua khối lượng lớn cổ phiếu quỹ nhưng sau một khoảng thời gian thông báo hủy hay chỉ mua được vài phần trăm trong số đó đang trở thành trào lưu gần đây khiến không ít nhà đầu tư thất vọng và đặt nghi vấn liệu có phải là chiêu bài của ban lãnh đạo để “đỡ” giá cổ phiếu đang trong đà giảm.

Đăng ký xong… để đó!

Một số DN đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu quỹ từ đầu năm 2015

Ngày 10/07, Chứng khoán Sài Gòn (SSI) có thông báo không mua được cổ phiếu quỹ nào trong tổng số 10 triệu cp đăng ký giao dịch từ ngày 10/06 đến 09/07. Lý do mà doanh nghiệp này đưa ra là giá thị trường cổ phiếu cao hơn giá đăng ký mua đã công bố.

Không thể phủ nhận thông tin mua cổ phiếu quỹ nhiều khả năng đã đóng góp trong mức tăng 34% của SSI từ quanh mốc 20,000 đồng/cp để lên 26,800 đồng/cp như hiện nay.

Biến động cổ phiếu SSI từ đầu năm đến nay

Trong khi đó, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lại quyết định hủy mua 10 triệu cổ phiếu quỹ khi chỉ còn cách hạn cuối mua vào vỏn vẹn 3 ngày. Lý do doanh nghiệp này đưa ra là để đảm bảo nguồn vốn đầu tư dài hạn cho các dự án trọng điểm, các trái chủ có đề nghị công ty nên dùng nguồn tiền mua cổ phiếu quỹ, cùng với các trái chủ tập trung đầu tư vào kế hoạch kinh doanh sắp tới của công ty. Giá cổ phiếu HAG cũng không có nhiều biến động mạnh sau thông tin này.

Biến động giá cổ phiếu HAG từ đầu năm đến nay

Trước đó, giữa tháng 3/2015, GAS cũng gây “chấn động” khi đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu quỹ với giá tối đa 100,000 đồng/cp mà chỉ trong thời gian 5 ngày. Thời điểm này đúng trong giai đoạn giá cổ phiếu đang “trầm mình” trước áp lực bán lớn khi có nhiều thông tin xấu về giá dầu nên cổ phiếu GAS chỉ xoay quanh mức 65,600 đồng/cổ phiếu. Dường như GAS đang cố ý tự “làm khó” mình khi đưa ra mức giá rất cao hay muốn “chơi trội” cho con số đẹp để tạo được sự tin chắc của nhà đầu tư? Chưa kể thời gian để mua lại quá ít ỏi!

Nhìn lại, phải nói rằng nhờ thông tin này mà cổ phiếu GAS đã có bước tăng trưởng mạnh khác biệt.

Và cũng không ngoại lệ, GAS khiến nhà đầu tư thất vọng khi chỉ mua được hơn 600,000 cp.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 hồi tháng 4, ban lãnh đạo GAS lý giải Ủy ban Chứng khoán chỉ cho mua từ quỹ đầu tư phát triển chứ không được lấy từ quỹ khen thưởng. Và GAS sẽ gia hạn để mua tiếp với khối lượng phù hợp. Tuy nhiên, từ lúc đó đến nay việc mua tiếp cổ phiếu quỹ của GAS vẫn nằm trong im lặng.

Biến động cổ phiếu GAS từ đầu năm tới nay

Cùng họ dầu khí, Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) và PVI cũng đăng ký mua lần lượt 2 triệu cp và 10 triệu cp quỹ nhưng chỉ gom được phần nhỏ trong thời gian qua. Bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó TGĐ PVD cũng từng lý giải, việc mua cổ phiếu quỹ PVD vào đúng dịp Tết nên không thành công và dự kiến sẽ mua tiếp 2 triệu cp trong thời gian tới.


Biến động cổ phiếu PVD từ cuối 2014 đến nay

Soi kỹ hoạt động kinh doanh tại thời điểm cuối năm 2014, hai khoản tiền thường được doanh nghiệp sử dụng để mua cổ phiếu quỹ là Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, Thặng dư vốn cổ phần và Quỹ đầu tư phát triển thì nguồn tiền khá dồi dào, tuy nhiên vay nợ cũng không ít.

Một số chỉ tiêu tại thời điểm cuối năm 2014 của các DN (Đvt: triệu đồng)

Quy định giao dịch cổ phiếu quỹ có phù hợp hoàn toàn?

Rõ ràng thì việc doanh nghiệp đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu quỹ sẽ có tác dụng kích cầu rất cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ đăng ký rồi để đó đến hết hạn thì tuyên bố “không thực hiện” sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư khi cuống cuồng đua theo. Bởi giá cổ phiếu sẽ không giữ được đà tăng trưởng lâu khi bản chất không có dòng tiền thực nào được rót vào thị trường, số lượng cổ phiếu đang lưu hành cũng chẳng đổi. Xu hướng tăng giá ngắn hạn chủ yếu do đám đông ùa vào và theo đó giá cũng được kích lên, để rồi sau đó mau chóng “xẹp” xuống trở lại.

Khó mà quy kết doanh nghiệp “làm giá” vì không có cơ sở chắc chắn, những lúc thế này, nhà đầu tư chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt khi trót “xuống tiền” trong những phiên đu theo giá tăng. Có hay không những “cá mập” ẩn mình trục lợi vẫn là những nghi vấn mà nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn tự hỏi khi sự đã rồi.

Nhưng sắp tới đây, khi Thông tư mới ra đời thay thế Thông tư 74 về quy định mua bán cổ phiếu quỹ kỳ vọng sẽ phần nào hạn chế được những trường hợp “cố ý không mua được cổ phiếu quỹ” nếu có. Điều này cũng nhằm đảm bảo công bằng cho các bên tham gia thị trường.

Theo dự thảo thông tư thay thế Thông tư 74: “Nghiêm cấm tổ chức phát hành công bố thông tin về các giao dịch mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ nhưng không thực hiện đặt lệnh giao dịch trong thời gian đăng ký giao dịch cổ phiếu quỹ; hoặc đặt lệnh giao dịch với các mức giá nằm ngoài biên độ dao động giá trong thời gian đăng ký giao dịch cổ phiếu quỹ. Nghiêm cấm các tổ chức phát hành công bố thông tin về các mức giá dự kiến thực hiện khi giao dịch cổ phiếu quỹ”.

Như vậy, quy định này sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp chỉ nói suông mà không thực hiện mua cổ phiếu quỹ. Việc giao dịch khi công bố phải được cụ thể hóa bằng lệnh mua thật với giá thật (tức là giá mua nằm trong khung biên độ dao động). Và việc công bố khoảng giá mua như trước đây sẽ bị nghiêm cấm.

Tuy nhiên, một chuyên gia chứng khoán chia sẻ rằng rất tiếc khi có quy định cấm tổ chức phát hành công bố thông tin về mức giá dự kiến khi thực hiện giao dịch. Bởi vì chính việc thông báo khoảng giá mua bán sẽ giúp nhà đầu tư tránh bị xúi giục mà đua lệnh. Bên cạnh đó, vị này cho rằng để hạn chế tối đa tình trạng đăng ký mua cổ phiếu quỹ nhiều nhưng giao dịch ít thì nội dung mua cổ phiếu quỹ trên 5% cũng nên được đưa vào chương trình ĐHĐCĐ, tránh tình trạng HĐQT tự quyết cũng như đưa ra mức giá mua như hiện nay. Tuy nhiên việc lấy ý kiến hoặc tổ chức ĐHĐCĐ sẽ mất nhiều thời gian trong khi giá cổ phiếu biến động thường xuyên. “Nhưng không phải vấn đề gì cũng hoàn hảo cả. Hơn nữa, doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ không phải là để kinh doanh” – vị này cho biết. Thêm vào đó, cũng cần có chế tài phạt nặng hơn đối với những tình trạng này.

Trong khi đó, ông Thân Mậu Khương – Chuyên viên tư vấn Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) lại cho rằng khi doanh nghiệp đã muốn mua cổ phiếu quỹ thì chắc chắn giá cổ phiếu đang rẻ và không đúng với giá trị thực. Nhưng để hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc mua cổ phiếu quỹ để đẩy giá thì quy định trên là phù hợp nhưng hơi cứng nhắc và cần linh động hơn. Ví dụ, có thể quy định mức giá mua cộng biên độ +/-7 đến 10% lấy từ ngày đăng ký mua cổ phiếu trong khoảng thời gian 1-2 tháng.

Thanh Nụ

Các tin tức khác

>   CJC: Ủy viên HĐQT Ngô Việt Hải đăng ký mua 130,000 cp (07/08/2015)

>   OPC: Giám đốc Hành chính Nguyễn Thị Ngọc Lan đã mua 8,960 cp (06/08/2015)

>   GIL: Quản lý Quỹ SSI giảm sở hữu còn 11.59% (07/08/2015)

>   TCM: TCSC tiếp tục đăng ký mua 200,000 cp (07/08/2015)

>   PDR: Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt muốn mua 3.5 triệu cp thay cho thông báo mua 1.8 triệu cp (07/08/2015)

>   HTI: Thành viên BKS Nguyễn Công Minh đăng ký mua 100,000 cp (07/08/2015)

>   MSN: Kế toán trưởng đăng ký bán 34,900 cp (07/08/2015)

>   HAI: Báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (06/08/2015)

>   BGM: Báo cáo về sở hữu của cổ đông lớn Đinh Thị Hằng (06/08/2015)

>   CCL: Con Thành viên HĐQT Dương Thế Nghiêm giao dịch "chui" 1.2 triệu cp (07/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật