NKG: Kỳ vọng từ việc đầu tư vào sản phẩm có biên lợi nhuận cao?
Việc đầu tư khép kín thêm chuỗi giá trị cũng như gia tăng cơ cấu sản phẩm có biên lợi nhuận cao là những nỗ lực để cải thiện hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, sẽ rất đáng ngại cho triển vọng dài hạn của NKG nếu doanh thu vẫn tiếp tục sụt giảm như trong thời gian qua, khi mà áp lực cạnh tranh ngày càng cao.
Mặc dù được biết đến là một trong hai đơn vị dẫn đầu ngành về thị phần tôn thép mạ toàn quốc nhưng dưới áp lực cạnh tranh ngày càng cao khiến doanh thu của CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) đang có xu hướng sụt giảm nhẹ trong thời gian gần đây.
Việc giá nguyên liệu đầu vào giảm nhiều hơn so với doanh thu giúp lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 45 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thời gian tới, công ty đang kỳ vọng vào việc gia tăng công suất sản xuất sẽ giúp kết quả kinh doanh được cải thiện hơn.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu của NKG qua các quý (%)
|
Biên lợi nhuận cải thiện khi mở rộng dây chuyền cán nguội và mạ hợp kim nhôm kẽm
Dự án đầu tư mở rộng dây chuyền cán nguội thứ 2 tại nhà máy Đồng An với công suất thiết kế 200,000 tấn/năm đi vào hoạt động trong tháng 3/2015 đã giúp biên lợi nhuận của NKG được cải thiện đáng kể trong quý 2, do chênh lệch giữa giá thép cán nguội nhập khẩu và nội địa là khoảng 5-7%.
Biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của NKG
(%)
|
Tháng 6/2015, công ty cũng đưa vào sử dụng hệ thống dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm thứ 2 với công suất thiết kế 100,000 tấn/năm tại nhà máy Đồng An. Việc đưa vào sử dụng dây chuyền mới này nhiều khả năng sẽ giúp biên lợi nhuận gộp chung của NKG được cải thiện tốt hơn nữa khi theo báo cáo của CTCK BIDV (BSI), mặt hàng mạ lạnh này có biên lợi nhuận cao nhất và chiếm tới 77% cơ cấu xuất khẩu và 39% sản lượng tiêu thụ nội địa.
Giá nguyên vật liệu đầu vào giảm, nhưng cạnh tranh cũng lớn
Diễn biến giá thép cán nóng (USD/Tấn)
(Nguồn: Metal Expert)
|
Với chi phí nguyên liệu là thép cán nóng (HRC) và thép cán nguội (CRC) chiếm 70% giá vốn hàng bán thì việc giá đầu vào vẫn tiếp tục giảm giúp cho giá thành sản xuất cũng vì thế mà giảm theo. Điều này tạo nên sức ép khiến NKG cũng phải giảm giá thành sản phẩm, nhất là trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng cao từ thép nhập khẩu Trung Quốc cũng như các đối thủ cạnh tranh lớn như HSG.
Áp lực cạnh tranh khiến NKG đẩy mạnh xuất khẩu
NKG đang chú trọng đến thị trường xuất khẩu khi áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa ngày càng lớn. Nếu như năm 2012 doanh thu nội địa chiếm 91% thì tới năm 2014 chỉ còn 59%. Việc đối mặt với các ông lớn trong ngành như HSG cũng như lượng tôn thép nhập khẩu “khổng lồ” từ Trung Quốc đã khiến NKG gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa.
Việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc thời gian vừa qua nhiều khả năng làm gia tăng áp lưc cạnh tranh trong nước khi thép giá rẻ Trung Quốc sẽ có cơ hội vào thị trường Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này cũng giúp cho chi phí nguyên vật liệu đầu vào cũng giảm theo khi Trung Quốc cũng là đối tác cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào không nhỏ cho NKG.
Cơ cấu Doanh thu theo thị trường năm 2014
(Nguồn: BCTN 2014 NKG)
|
|
Đối với thị trường xuất khẩu, đối tác tiêu thụ chủ yếu đến từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia… gần đây còn có các thị trường mới như Nga, Belarus nhưng số lượng không đáng kể. Trong khi đó, thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu chính là Indonesia (khoảng 60% doanh thu xuất khẩu) lại đang gặp khó khăn, với việc áp dụng thuế tự vệ thương mại ở mức cao đối với mặt hàng tôn lạnh và tạo nhiều thách thức cho NKG.
Tóm lại, có thế thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu của NKG trong thời gian qua có xu hướng giảm nhẹ do cạnh tranh ở thị trường nội địa và khó khăn ở thị trường xuất khẩu chính. Việc đầu tư khép kín thêm chuỗi giá trị cũng như gia tăng cơ cấu sản phẩm có biên lợi nhuận cao là những nỗ lực để cải thiện hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, sẽ rất đáng ngại cho triển vọng dài hạn của NKG nếu doanh thu vẫn tiếp tục sụt giảm như trong thời gian qua, khi mà áp lực cạnh tranh ngày càng cao.
Hải Dương
|