Nhật chính thức tái khởi động nhà máy điện hạt nhân
Hôm nay 11-8, Nhật Bản chính thức tái khởi động lò phản ứng hạt nhân đầu tiên theo các quy định an toàn mới sau thảm họa tại nhà máy hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011.
Nhà máy điện hạt nhân Sendai số 1. Ảnh: Reuters
|
Lúc 10 giờ 30 sáng ngày 11-8 giờ địa phương, Công ty điện lực Kyushu khởi động lại lò phản ứng tại nhà máy Sendai số 1 sau hàng loạt đợt kiểm tra an toàn nghiêm ngặt.
Giảm giá thành điện và khí thải
Các nhà máy hạt nhân tại Nhật Bản đã lần lượt đóng cửa sau một loạt vụ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Fukushima số 1 do động đất và sóng thần gây ra.
Việc tái khởi động lò phản ứng trên là cú hích quan trọng cho chính sách của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, khẳng định năng lượng hạt nhân là thiết yếu để hạ giá thành điện, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và giảm khí thải CO2. Theo đó, tổng cộng 25 lò phản ứng sẽ được tái khởi động. Dự kiến, lò phản ứng thứ hai sẽ được tái khởi động vào tháng 10-2015.
Theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản, trong 4 năm qua tính đến tháng 3-2015, hoá đơn tiền điện của các hộ gia đình đã tăng khoảng 25,2% trong khi các nhà máy và công ty tăng tới 38,2%.
Thủ tướng Abe cho biết các lò phản ứng đã trải qua các khâu “kiểm tra an toàn nghiêm ngặt nhất thế giới”.
An toàn là trên hết
Phóng viên BBC tại Tokyo cho biết hơn 100 triệu đô la Mỹ đã được chi cho việc lắp đặt hệ thống an toàn mới tại nhà máy Sendai số 1. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo lò phản ứng, bị bỏ hoang nhiều năm, có thể nảy sinh nhiều vấn đề khi hoạt động trở lại. Trong khi đó, người dân địa phương cho rằng các biện pháp an toàn mới vẫn chưa được quy định chặt chẽ.
Các cuộc biểu tình đã được tổ chức bên ngoài nhà máy Sendai số 1 vào ngày 10-8 và 11-8. Người dân địa phương cho biết họ lo lắng về mối nguy hiểm tiềm tàng từ các núi lửa đang hoạt động trong khu vực. Lãnh đạo cuộc biểu tình là cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, Thủ tướng Nhật Bản thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, tuyên bố: "Chúng ta không cần các nhà máy hạt nhân. Thảm họa Fukushima cho thấy điện hạt nhân, tưởng như an toàn và rẻ tiền, lại trở nên nguy hiểm và tốn kém trên thực tế".
Trước đó, cuộc điều tra dư luận tháng 7-2015 cho thấy gần 60% người Nhật Bản phản đối tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân. Động thái trên có thể sẽ gây tổn hại đến tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Abe, đang giảm xuống do những tranh cãi xung quanh dự luật an ninh.
Người dân Nhật Bản phản đối nhà máy điện hạt nhân Sendai số 1 hoạt động trở lại. Ảnh: Reuters
|
Ngày 11-3-2011, một trong những trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận xảy ra ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, gây ra sóng thần và làm rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Fukushima số 1.
Động đất và sóng thần khiến gần 16.000 người thiệt mạng và hơn 2.500 người khác nhưng không có trường hợp tử vong nào liên quan đến thảm họa hạt nhân.
Khoảng 160.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực xung quanh nhà máy Fukushima số 1 những tuần sau đó do nồng độ bức xạ cao.
Hơn 4 năm kể từ khi xảy ra sự cố điện hạt nhân tồi tệ nhất thế giới sau thảm hoạ Chernobyl năm 1986, một số khu vực gần nhà máy Fukushima số 1 vẫn không có bóng người với hơn 110.000 người vẫn phải lánh nạn trong hoặc ngoài tỉnh Fukushima.
|
Phúc Minh
tbktsg
|