Nguyên Tổng Giám đốc PVL “sa lầy”: Trả hồ sơ vì không có cơ sở của tội “Lạm dụng…”?
Ông Hoàng Ngọc Sáu bị buộc tội đã dùng “sân sau” để ký kết các hợp đồng trị giá bạc tỷ. Nhưng nguyên Tổng GĐ PVL kêu oan, cho rằng mình không còn “duyên nợ” với các Cty này…
* Sếp bị bắt, lỗ triền miên: Tháo chạy khỏi Địa ốc Dầu khí
* ĐHĐCĐ lần 3 PVL: BCTC kiểm toán 2013 không được thông qua
* PVL: Lỗ thêm 156 tỷ đồng năm 2013, kiểm toán lưu ý vụ ông Hoàng Ngọc Sáu
Hành vi “cố ý…” và “lạm dụng”?
Như cáo buộc của VKSND TC, tháng 7-2010, Hoàng Ngọc Sáu, SN 1966, quê Thanh Hóa, được Tổng Cty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bổ nhiệm Tổng GĐ PVPower Land (sau đổi thành Cty CP Địa ốc dầu khí - PVL). Ngày 8-8-2013, cho rằng, Sáu mắc hàng loạt sai phạm, PVC có quyết định thôi cử Sáu là người đại diện phần vốn của PVC tại PVL, miễn nhiệm chức danh Tổng GĐ PVL.
Theo đó, các cơ quan tố tụng xác định, Sáu có hành vi lạm dụng và cố ý làm trái. Cụ thể: Tháng 6-2008, khi đang là Phó TGĐ Cty CP Xây dựng Sông Hồng, Sáu thành lập Cty CP thương mại và phát triển đô thị Sông Hồng (sau là VNLand), giao cho Nguyễn Trọng Toản giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT; Hà Văn Sơn, SN 1984, quê Thanh Hóa, là Tổng GĐ. Ngày 11-7-2008, Sáu rút khỏi danh sách cổ đông (CĐ) của Cty này nhưng chuyển nhượng cổ phần (CP) cho mẹ, anh và cháu.
Tháng 9-2010, Sáu chỉ đạo Sơn, đại diện cho VNLand ký hợp đồng số 18 với Cty CP bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land) quản lý, khai thác, vận hành tòa nhà Trung tâm thương mại văn phòng và chung cư tòa nhà Petro Vietnam Landmark ở TP HCM (Dự án An Phú); rồi bảo Sơn ký hợp đồng số 28 ngày 31-12-2010 với nội dung VNLand cho PVL thuê hơn 1.000m2 tại tầng 1 khối căn hộ C-D dự án An Phú làm sàn giao dịch bất động sản trong 5 năm, giá trị hợp đồng hơn 11 tỷ đồng. Khi VNLand nhận được hơn 11 tỷ đồng do PVL chuyển, Sáu tiếp tục chỉ đạo Sơn làm thủ tục rút, chuyển cho Sáu. Để hợp thức sổ sách kế toán số tiền 10 tỷ đồng đã rút từ ngân hàng chuyển cho Sáu, Sơn đã yêu cầu Phòng Kế toán VNLand làm thủ tục nhập quỹ Cty và lập 3 phiếu chi khống (trả các khoản vay, tạm ứng).
Đó là hành vi lạm dụng, còn ở tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Sáu bị cáo buộc, “vin” vào Dự án Linh Tây (công trình chung cư kết hợp thương mại Linh Tây tại phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP HCM) do PVL làm chủ đầu tư, gồm 1 tầng hầm và 18 tầng nổi, UBND TP HCM phê duyệt năm 2009, đã triển khai xong móng và tầng hầm.
Sáu có tờ trình HĐQT PVL xin phê duyệt thiết kế cơ sở phương án điều chỉnh mở rộng phần thân công trình Linh Tây. HĐQT đã ra nghị quyết đồng ý cho Cty ký kết hợp đồng thiết kế cơ sở đối với phương án điều chỉnh mở rộng làm cơ sở trình UBND TP HCM, các cơ quan chức năng. Trên cơ sở này, Sáu ký hợp đồng thuê Cty CP thiết kế VNLand (VNLand Design) thiết kế cơ sở phương án 22 tầng. Cũng như VNLand, Cty VNLand Design do Sáu lập ra và để các cháu đứng tên nắm giữ phần lớn cổ phần.
Khi biết việc thiết kế cơ sở phương án 22 tầng có thể không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Sáu ký với VN Land Design phụ lục để bổ sung thêm vào hợp đồng phương án 18 tầng với lý do ứng phó nguy cơ lún. Tháng 9-2012, Văn phòng UBND TP HCM thông báo không chấp thuận phương án điều chỉnh mở rộng đối với Dự án Linh Tây phương án 22 tầng và CQĐT xác định, việc làm của Sáu đã khiến PVL tổn thất hơn 8 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại một dự án khác, Dự án An Phú, sau khi hợp đồng thuê hơn 1.000m2 tại đây, Sáu ký kết với Cty Jina Architects (Jina) của Hàn Quốc, thuê thiết kế nội thất sàn giao dịch bất động sản dầu khí Sài Gòn, trị giá hợp đồng 49.807 eur (hơn 900 triệu đồng). Với hợp đồng này, Jina chỉ thực hiện thiết kế ý tưởng, thiết kế cơ bản và Sáu ký lệnh chuyển tiền, thanh toán cho Jina 33.117 eur. Kết quả điều tra cho rằng, 1.000m2 mà Sáu thuê để làm sàn giao dịch là không có thật nên việc thuê Jina đã gây thiệt hại cho PVL hơn 900 triệu đồng.
VNLand “tha thiết” xin hoàn trả tạm ứng tiền thuê (hơn 11 tỷ đồng) cho PVL
|
Chưa đủ cơ sở?
Luật sư Trần Hồng Phúc, Đoàn LS TP Hà Nội, cho rằng, chưa đủ cơ sở buộc tội Sáu về cả 2 hành vi trên. Ở tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, luật sư phân tích, VNLand không phải là “sân sau” của Sáu. Bởi, tháng 6-2008, Sáu được mời tham gia góp vốn thành lập Cty tiền thân của VNLand (44 tỷ đồng). Thời điểm này, Sáu chưa làm việc tại PVC, PVL. Tháng 7-2008, do mâu thuẫn về định hướng hoạt động Cty, Sáu rút vốn và yêu cầu Cty mua lại CP vốn góp. Sau đó, Cty được chuyển nhượng cho các CĐ bên ngoài. Việc Cty này đổi tên thành VNLand vào tháng 7-2010 (sau 2 năm Sáu đã bán CP vốn góp) không liên quan đến Sáu.
“Về việc Sáu ký kết hợp đồng 18 với PVCLand quản lý, khai thác, vận hành tòa nhà Trung tâm thương mại văn phòng và chung cư tòa nhà Petro Vietnam Landmark ở TP HCM, chỉ có lời khai của Sơn. Sơn cho rằng, mọi việc đều do Sáu chỉ đạo. Thực tế, Sơn là TGĐ của VNLand, có quyền điều hành, quản lý và là người đang ở thế đối lập với Sáu. Do đó, việc chỉ dựa vào lời khai của anh ta và những nhân viên dưới quyền Sơn để quy kết Sáu là không khách quan” – luật sư cho hay.
Bà Phúc nêu, Điều 3 hợp đồng 28 quy định: “Thời hạn tính tiền thuê được áp dụng bắt đầu từ ngày mặt bằng được tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh”. Vì thế 11 tỷ đồng được PVL chuyển cho VNLand chỉ được coi như một khoản ứng trước tiền thuê 5 năm; trong mọi trường hợp, nếu VNLand chưa có mặt bằng 1.000m2 để bàn giao cho PVL thì tiền thuê vẫn chưa bị tính. Nhận định, Sáu không có hành vi gian dối và không chiếm đoạt tiền (qua xác minh tại 62 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng trong nước thì Sáu không có khoản tiền nào được nộp vào sau ngày 6,7-1-2011), bà Phúc cho rằng, không đủ cơ sở quy kết hành vi lạm dụng.
Về tội “Cố ý…”, đối với khoản 8 tỷ đồng chi cho thiết kế bản vẽ thi công mà Sáu bị cho là “đã làm thất thoát” liên quan đến Dự án Linh Tây, vấn đề này đã được các cổ đông PVL tại Đại hội đồng CĐ thường niên cũng như Đại hội đồng CĐ bất thường thông qua nên không thể coi là là hành vi cá nhân của Sáu.
Với khoản hơn 900 triệu đồng trả cho Jina, theo khoản 2 Điều 28 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, việc thuê sàn, thiết kế nội thất là một trong những bước cần thiết để triển khai sàn giao dịch bất động sản của PVL. Việc cáo trạng quy kết, Sáu biết dự án An Phú không có diện tích để PVL thuê làm sàn giao dịch BĐS nhưng vẫn ký hợp đồng thuê làm sàn, ký hợp đồng thiết kế nội thất… chỉ dựa vào lời khai của người khác là không phù hợp. Trong khi, những lời khai đó lại mâu thuẫn với hợp đồng 28, bản vẽ mặt bằng tầng 1, biên bản bàn giao mặt bằng của PVCLand cho VNLand. Do đó, luật sư bày tỏ quan điểm, phải trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Đáng chú ý, quá trình thụ lý vụ án, TAND TP Hà Nội đã trả hồ sơ và yêu cầu điều tra lại. Tòa nhận định, cáo trạng xác định, Sáu và Sơn phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa có cơ sở. Bởi lẽ, Cty nào sẽ là bị hại trong hành vi chiếm đoạt tài sản của hai người (?). “Mặt khác, diện tích mà Sáu ký thuê 1000m2 của VNLand trên thực tế là không có, chưa được bàn giao. Do vậy, cần phải xem xét lại tội này” – tòa khẳng định.
Liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng số 28/2010/HĐT ngày 31-12-2010 giữa Cty VNLand và PVL (được giao kết bởi Sáu và Sơn), Cty VNLand đã có văn bản gửi các cơ quan tố tụng xin được thanh lý hợp đồng cho thuê văn phòng. Theo đó, VNLand cam kết sẽ hoàn trả đầy đủ số tiền mà PVL đã chuyển cho VNLand. Tuy nhiên, đề nghị thanh lý hợp đồng và hoàn trả số tiền tạm ứng tiền thuê (hơn 11 tỷ đồng) chưa được xem xét giải quyết.
Cho đến thời điểm này, VNLand khẳng định, Sáu và Sơn không liên quan và không ai chiếm đoạt số tiền này.
Hoa Đỗ
pháp luật và xã hội
|