Ngành sữa hướng đến chủ động nguồn nguyên liệu
Nếu nguồn nguyên liệu chỉ dừng lại ở việc đáp ứng được 30% nhu cầu sản xuất chế biến của ngành sữa thì 70% nguồn nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài. Điều này không chỉ làm giảm lợi nhuận, thiếu tính chủ động của các DN sữa mà còn làm tăng giá thành các sản phẩm sữa sản xuất trong nước..
Đại hội ngành sữa Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: VGP/Thanh Thủy
|
Theo đánh giá của bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam tại Đại hội ngành sữa Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 được tổ chức ngày 6/8 tại TPHCM, để có thể đưa ngành sữa Việt Nam vào bản đồ ngành sữa thế giới, trong những năm qua các doanh nghiệp (DN) sữa trong nước đã có những chiến lược phát triển đúng hướng.
Các DN sữa Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư công nghệ tiên tiến và hiện đại trên thế giới, từ con giống, thức ăn chăn nuôi, đến quy trình sản xuất, chế biến sữa. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm sữa theo hướng lấy ATVSTP làm đầu đã giúp các sản phẩm sữa của các DN sữa trong nước ngày càng chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng nội địa.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 năm qua, số lượng bò sữa tăng trung bình 14% mỗi năm và đã đạt con số gần 230.000 con vào đầu năm 2015. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước đạt 550.000 tấn đã đáp ứng được gần 30% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến của toàn ngành. Đặc biệt, theo Công ty chứng khoán VPBS, đây là một trong những ngành tiêu dùng tăng trưởng nhất Việt Nam với 17% năm 2013, 20% năm 2015 và dự kiến sẽ tăng lên 23% năm 2025.
Tuy nhiên, theo bà Mai Kiều Liên, để đạt mục tiêu do Bộ Công Thương đề ra (2,6 tỉ lít vào năm 2020 và 3,4 tỉ lít tới năm 2025; tiêu thụ sữa đạt trung bình 27 lít/người năm 2020 và đạt 34 lít/người tới năm 2025; sữa tươi sản xuất trong nước đạt 1 tỉ lít - đáp ứng 38% nhu cầu tới năm 2020 và 1,4 tỉ lít, đáp ứng 40% nhu cầu tới năm 2025), ngành sữa cần phải xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài và tổng thể để không chỉ tăng trưởng về số lượng, doanh thu mà còn phải nâng cao chất lượng sữa, đa dạng hoá các sản phẩm sữa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bà Mai Kiều Liên cho rằng, một trong những chiến lược then chốt nhất để ngành sữa tăng trưởng cao và phát triển bền vững là phải chủ động nguồn nguyên liệu của các DN sản xuất và chế biến sữa.
Chủ động nguồn nguyên liệu trong nước
Với một thị trường 2,7 tỉ lít vào năm 2020 và 3,4 tỉ lít vào năm 2025 nhưng nếu nguồn nguyên liệu chỉ dừng lại ở việc đáp ứng được 30% nhu cầu sản xuất chế biến thì 70% nguồn nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài. Điều này không chỉ làm giảm lợi nhuận, thiếu tính chủ động của các DN sữa mà còn làm tăng giá thành các sản phẩm sữa sản xuất trong nước.
Vì vậy, theo TS. Bùi Đăng Vang (Hội Chăn nuôi Việt Nam), phải tập trung đẩy mạnh phát triển đàn bò hơn nữa.
Hiện nay, một trong những DN có tốc độ tăng trưởng đàn bò nhanh nhất là Vinamilk (VNM). Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển đàn bò, ông Vang cho biết, ngay từ năm 2006, Vinamilk đã xây dựng chiến lược phát triển đàn bò sữa theo hai hình thức là đầu tư một cách có bài bản vào các trang trại nuôi bò sữa công nghiệp và phát triển đàn bò sữa qua các hộ nông dân theo hình thức liên kết.
Cụ thể, hiện tại Vinamilk đã có 7 trang trại và theo kế hoạch hết năm 2015, số trang trại của Vinamik đạt tới con số 9 trang trại với tổng đàn bò lên 90.000 con, trong đó, đàn bò có quy mô 24.000 con bò cao sản được nhập từ Australia và Mỹ tại 7 trang trại đang hoạt động của Vinamilk và 70.000 con bò của các hộ nông dân cung cấp 550 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày cho các nhà máy chế biến sữa của Vinamilk.
Một dự án mới đã được ký kết 3 bên giữa Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Nutifood và Vissan từ tháng 6/2014 dự kiến sẽ đầu tư vào các trang trại tại Gia Lai và Đắk Lắk với quy mô 200.000 con bò sữa cao sản đang được triển khai. Ngoài ra, hàng loạt dự án của các doanh nghiệp FDI cũng đã chú trọng vào mảng đầu tư này theo hướng phát triển các trang trại nuôi bò sữa công nghiệp và liên kết với các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa.
Đặc biệt, theo đánh giá của TS. Bùi Đăng Vang, mô hình liên kết với các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa, các DN cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa để sao cho những hộ nông dân này có vai trò như một trang trại thành viên của DN mình. Có như vậy, sự liên kết và hài hoà về lợi ích giữa các bên mới bền vững, từ đó tạo động lực sản xuất cho các hộ nông dân.
Sự liên kết của các DN sữa và các hộ nông dân không chỉ giúp các DN sữa chủ động nguồn nguyên liệu để phát triển ngành sữa bền vững mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân góp phần tiến tới tái cơ cấu hoá ngành nông nghiệp để phát triển tốt hơn.
Bên cạnh đó, để phát triển ngành sữa bền vững, trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển, các doanh nghiệp cần định hướng phát triển ngành sữa theo hướng hiện đại, bền vững và sản xuất sạch hơn với việc xây dựng và xử lý hệ thống chất thải triệt để, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển công nghiệp chế biến sữa theo hướng tăng dần tỉ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần sữa bột nhập ngoại.
Thanh Thủy
chính phủ
|