MSN: Dấu ấn Masan Nutri-Science, 6 tháng đầu năm lãi 673 tỷ đồng
Thông tin từ CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2015, trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kết quả kinh doanh liên quan đến tiêu dùng nội địa nhờ vào Masan Nutri-Science, lợi nhuận thu về cho Tập đoàn trong kỳ đạt 673 tỷ đồng.
Doanh thu trong 6 tháng đầu năm của MSN được đóng góp chủ yếu từ lĩnh vực kinh doanh tiêu dùng nội địa khi đạt 10,414 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là Masan Nutri-Science – công ty con lớn nhất MSN sau khi sáp nhập vào cuối tháng 4 vừa qua đã đóng góp 3,332 tỷ đồng vào doanh thu hợp nhất chỉ trong 2 tháng. Riêng lĩnh vực tài nguyên cũng đã đóng góp 1,201 tỷ đồng, tăng trưởng 5%. Còn đơn vị liên kết của MSN – Ngân hàng Techcombank công bố lợi nhuận đạt 1,032 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, MSN cũng cho biết, EBITDA proforma (lợi nhuận trước lãi, thuế và khấu hao) trong 6 tháng đạt 2,441 tỷ đồng, tăng kỷ lục hơn 143% cùng kỳ. Trong đó, thực phẩm đồ uống đóng góp 1,284 tỷ, Masan Nutri-Science đã đóng góp 366 tỷ và hoạt động về tài nguyên chế biến giá trị gia tăng đóng góp 588 tỷ đồng vào EBITDA của Tập đoàn.
Kết quả, lợi nhuận (proforma) của MSN trong 6 tháng đầu năm tăng vọt lên 673 tỷ đồng.
Ấn tượng Masan Nutri-Science
Việc mua lại Masan Nutri-Science đã đưa MSN thành một trong những đơn vị sản xuất thức ăn dành cho heo lớn nhất tại Việt Nam. Chỉ trong 2 tháng gia nhập MSN, Masan Nutri-Science đã đóng góp 3,332 tỷ đồng doanh thu và 217 tỷ đồng lợi nhuận thuần proforma. Biên lợi nhuận đạt mức hơn 19%, một trong những tỷ lệ được đánh giá là cao nhất trong ngành.
Masan Nutri-Science đang trên đà hoàn thành kế hoạch doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2015. Ba nhà máy mới đang trong quá trình xây dựng (bổ sung vào 10 nhà máy đang hoạt động hiện nay) tại Tiền Giang, Hậu Giang và Nghệ An, dự kiến khi đi vào hoạt động trong năm 2015 và 2016, dự kiến sẽ tăng công suất trên 40%.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã giới thiệu dòng sản phẩm nâng cao “Bio-zeem” vào tháng 6 vừa qua, một trong những bước đi cho thấy MSN đang tập trung trong việc nâng cao hiệu suất trong chuỗi cung ứng đạm động vật bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ.
Kế hoạch của Masan Nutri-Science là thúc đẩy hiệu quả hoạt động và đổi mới ngành thức ăn gia súc bằng cách áp dụng các phương pháp thức vận hành kinh doanh hiệu quả của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Masan Nutri-Science đang thực hiện xây dựng các “thương hiệu mạnh” và giới thiệu các sản phẩm mang tính đổi mới.
Hàng tiêu dùng dự kiến tung sản phẩm mới trong quý 4
MSN tiếp tục củng cố nền tảng hàng tiêu dùng, qua đó trong 6 tháng đầu năm, việc tái cấu trúc các nhãn hàng đang được thúc đẩy phân khúc sản phẩm cao cấp hơn đến khách hàng và dự kiến tung sản phẩm mới vào quý 4/2015 hoặc đầu năm 2016.
Trong đó, phân khúc thực phẩm tiện lợi được đánh giá có tốc độ tăng trưởng sản lượng cao trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu đến từ mì ăn liền, đặc biệt là sản phẩm Omachi Chua cay có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng về sản lượng...
Đối với đồ uống, Wake-Up Sài Gòn được đánh giá là một trong những nhãn hàng đồ uống phát triển nhanh nhất trong khảo sát của Kantar vào năm 2014. MSN kỳ vọng sẽ đạt được kết quả tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm.
Về bia, nhà máy bia đã hoạt động hết công suất và đạt doanh thu thuần 296 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015. MSN đang đang tập trung vào việc mở rộng quy mô để củng cố thị phần tại Đồng bằng Sông Cửu Long và từng bước mở rộng ra toàn quốc.
Trước tiềm năng của thị trường Việt Nam, với ngành hàng thị chế biến, MSN đã thông qua Masan Consumer mua lại 99.99% cổ phần của Công ty Thực phẩm Dinh dưỡng Sài Gòn, tạo nền tảng để thâm nhập vào ngành hàng 18 tỷ USD này, ban đầu sẽ là những thực phẩm ăn nhẹ chế biến từ thịt.
Masan Resources 6 tháng lãi 95 tỷ đồng
Trong 6 tháng đầu năm, Masan Resources đã đạt doanh thu 1,201 tỷ đồng, tăng 5% cùng kỳ. Đối mặt với giá cả hàng hóa giảm, kế hoạch nhà máy dừng hoạt động để bảo dưỡng trong tháng 4 cùng với việc thử nghiệm chạy thử nhà máy của Liên doanh Núi Pháo và H.C. Starck là những lý do chính làm cho tăng trưởng doanh thu chưa cao.
MSN cũng cho hay, tồn kho của Masan Resources tính đến hết tháng 6 là 1,207 tỷ đồng, tăng 168% so với 6 tháng đầu năm 2014. Điều này là do tinh quặng vonfram trước đó bán ra nay được trữ lại làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến hóa chất mới của liên doanh.
Ngoài ra, với vai trò là nhà cung cấp mới trên thị trường, các thành phẩm của Masan Resources cần thời gian để khách hàng đánh giá. Việc xây dựng hàng tồn kho sẽ được bình thường hóa lại trong 6 tháng cuối năm 2015, khi mà công ty liên doanh bắt đầu sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng như APT (Ammonium paratungstate), BTO (Oxit Vonfram dạng bột màu xanh) và YTO (Oxit Vonfram dạng bột màu vàng).
Theo đó, nhờ vào sản lượng khoáng sản thu hồi được cải thiện và công suất sử dụng nhà máy cao hơn nên biên lợi nhuận EBITDA proforma của Masan Resources đạt 49% trong 6 tháng đầu năm 2015, kết quả là lợi nhuận ròng proforma đạt 95 tỷ đồng. Theo đó, MSN đánh giá vẫn có thể thu lợi nhuận khi giá vonfram giảm xuống thấp theo chu kỳ.
Kế hoạch niêm yết Masan Resources trong 6 tháng còn lại của năm 2015 được kỳ vọng để khẳng định vị thế của Masan Resources như một nhà sản xuất vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, đồng thời mang lại minh bạch hơn nữa cho các cổ đông của MSN và Masan Resources.
Thiên Minh
|