Khủng hoảng chứng khoán “làm sứt mẻ quyền lực Tập Cận Bình”
Tháng 7 vừa qua, trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên máy bay sang Nga dự hội nghị thượng đỉnh, văn phòng của ông đã ra chỉ thị: phải cứu thị trường chứng khoán.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012 và vạch ra một “giấc mơ Trung Quốc” nhằm thúc đẩy vị thế của đất nước, ông Tập Cận Bình đã xây dựng hình ảnh của nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất trong nhiều thập kỷ.
|
Một chương trình mua vào cổ phiếu quy mô lớn do nhà nước cấp vốn sau đó đã đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm trong một thời gian ngắn vào giữa tháng 7. Sự đảo chiều chóng vánh này của thị trường cho phép ông Tập thể hiện sức mạnh kinh tế của Trung Quốc với lãnh đạo các nền kinh tế mới nổi tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Nga.
Tuy vậy, trong mấy tuần gần đây, thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc mạnh trở lại, kéo theo thị trường tài chính toàn cầu, và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng niềm tin đối với việc ông Tập Cận Bình chèo lái nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới - tờ Wall Street Journal nhận định.
Tình thế bất lợi
Thứ Năm tuần này, ông Tập sẽ một lần nữa phát đi hình ảnh sức mạnh khi chủ trì cuộc duyệt binh quy mô lớn tại Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đây là cuộc duyệt binh có sự tham gia của 12.000 binh sỹ, nhiều chiến đấu cơ và tên lửa đạn đạo, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc kỷ niệm kết thúc thế chiến hai ở quy mô lớn như vậy.
Và 3 tuần sau sự kiện trên, ông Tập Cận Bình sẽ tới Washington trong chuyến thăm chính thức Mỹ. Chuyến thăm này cũng được cho là nhằm thể hiện sự “ngang tầm” của Trung Quốc với Mỹ.
Tuy vậy, theo giới phân tích, ngay vào thời điểm chuẩn bị xuất hiện trong những lần phô diễn sức mạnh quan trọng này, ông Tập Cận Bình có vẻ như rơi vào thế dễ tổn thương nhất từ khi lên nắm quyền vào năm 2012.
Hình ảnh của ông Tập như một nhà lãnh đạo cứng rắn hơn và có năng lực hơn các nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Trung Quốc đang chịu tác động bất lợi từ việc nước này lúng túng trong xử lý biến động của thị trường chứng khoán, bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ, nền kinh tế giảm tốc, và vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân mới đây.
Đặc biệt, những khó khăn kinh tế đang là cơ sở để nhiều giới nội bộ chính trị ở Trung Quốc chỉ trích ông Tập đã tập trung quá nhiều quyền lực trong tay mình và dành sự chú ý quá lớn cho các mục tiêu chính trị và các vấn đề quốc tế, khiến nền kinh tế chịu tổn thất.
“Ông Tập nắm quyền kiểm soát, rõ ràng là thế. Hầu như mọi người đều trông chờ ông ấy ký vào mọi thứ trước khi có bất kỳ hành động nào được thực hiện”, một quan chức cấp cao Trung Quốc nói.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012 và vạch ra một “giấc mơ Trung Quốc” nhằm thúc đẩy vị thế của đất nước, ông Tập Cận Bình đã xây dựng hình ảnh của nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất trong nhiều thập kỷ, thông qua củng cố quyền kiểm soát đối với quân đội và tiến hành chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay, đánh vào hàng loạt nhân vật cấp cao.
Tuy vậy, hàng loạt sự kiện kinh tế bất lợi xảy ra trong vòng một tháng qua đang đe dọa các mục tiêu của ông Tập Cận Bình.
Nỗi lo kinh tế Trung Quốc suy yếu hiện đang chiếm vị trí đầu tiên trong một danh sách dài những vấn đề căng thẳng dự kiến sẽ chiếm lĩnh chương trình nghị sự chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, bao gồm vấn đề an ninh mạng và hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên biển Đông.
Tuần trước tại Bắc Kinh, bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã thảo luận vấn đề kinh tế với một trợ lý cấp cao của ông Tập Cận Bình. Theo thông tin từ Nhà Trắng, trong cuộc gặp với ông Tập và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc, bà Rice đã nhấn mạnh “sự cần thiết phải giải quyết các khác biệt” giữa hai bên về một số vấn đề, trong đó có vấn đề tỷ giá tiền tệ.
Ông Tập nói với bà Rice rằng Trung Quốc và Mỹ nên “quản lý có hiệu quả những vấn đề nhạy cảm” giữa hai nước, nhưng không công khai đề cập đến vấn đề kinh tế Trung Quốc hay thị trường.
Chịu trách nhiệm chính
Tập Cận Bình đã tránh các tuyên bố công khai về biến động thị trường trong mùa hè năm nay. Nhiều quan chức Trung Quốc và nhà đầu tư đã chỉ trích Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường, “nhân vật số 2” trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã không có biện pháp can thiệp hữu hiệu.
Tuy vậy, giới nội bộ chính trị Trung Quốc nói chính ông Tập Cận Bình mới là người phải chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng, bởi ông đã giao việc ra quyết định hàng ngày, bao gồm các quyết định về quản lý kinh tế - vốn là nhiệm vụ của Thủ tướng - cho các ủy ban trong đảng và tất cả các ủy ban này đều do ông Tập lãnh đạo.
Quyền lực hạn chế của ông Lý Khắc Cường chỉ được thể hiện sau khi thị trường bắt đầu lao dốc. Theo nguồn tin thân cận của Wall Street Journal, tại một cuộc họp được triệu tập khẩn cấp hôm thứ Bảy, ngày 4/7, ông Lý Khắc Cường yêu cầu các nhà điều tiết thị trường tài chính của Trung Quốc bắt tay vào cứu giá cổ phiếu.
Cơ quan duy nhất phản ứng ngay lập tức là Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Cơ quan này tuyên bố Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ cung cấp nguồn tín dụng không giới hạn cho một công ty được nhà nước hậu thuẫn mua vào cổ phiếu.
Tuy vậy, PBoC không công khai xác nhận sự hỗ trợ này cho tới tận ngày thứ Tư của tuần sau đó. Bởi vậy, trong hai ngày đầu tuần, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn tiếp tục lao dốc mạnh. Phải tới khi có lệnh từ ông Tập Cận Bình, thì PBoC mới xác nhận về sự hỗ trợ này, theo nguồn tin.
Nguồn tin kể, chỉ thị của ông Tập được đưa tới Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay trước khi ông lên đường sang Nga hôm 8/7. Thị trường “phải chuyển đỏ” - chỉ thị có đoạn viết. Khi thị trường tăng điểm, các chỉ số và mã cổ phiếu được hiển thị bằng màu đỏ, màu may mắn theo quan niệm của người Trung Quốc.
Theo các quan chức Trung Quốc, ông Tập Cận Bình muốn thị trường chứng khoán ổn định trước khi ông gặp các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế mới nổi hàng đầu khác trong nhóm BRIC - nhóm gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
“Tôi cho rằng tổn thất về niềm tin chính trị đối với ông Tập Cận Bình là lớn. Trong hệ thống của Trung Quốc có những nhà cải cách thực sự. Nhưng việc liệu ông Tập có một đội ngũ kinh tế có tầm nhìn rõ ràng và nhất quán hay không đang là điều mà nhiều người nghi ngờ ở thời điểm hiện nay”, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Barry Naughton thuộc Đại học California nhận xét.
Theo giới nội bộ chính trị Trung Quốc, nhóm kinh tế của ông Tập đang điều chỉnh chiến lược, gác lại chủ trương dùng thị trường chứng khoán để giúp các công ty quốc doanh trả bớt nợ nần. Trong tuần qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi lý thuyết do ông Tập khởi xướng kêu gọi thúc đẩy dịch chuyển sang lĩnh vực sản xuất trình độ cao, giảm sản xuất thép và các ngành công nghiệp khác đang dư thừa công suất.
Những người ủng hộ ông Tập đang lo ngại rằng những khó khăn mà ông gặp phải đang giúp những nhóm lợi ích có ảnh hưởng khác mạnh lên, bao gồm những người đứng đầu các doanh nghiệp quốc doanh lớn và các nhà lãnh đạo về hưu muốn chống chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập và cải cách ở khu vực kinh tế quốc doanh.
“Ông Tập Cận Bình đã tạo ra ấn tượng rằng ông ấy rất mạnh, nhưng thực ra ông ấy đang phải đối mặt với sự phản kháng rất quyết liệt và kiên trì”, chuyên gia về chính trị Trung Quốc Huang Jing thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận xét. “Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn từ sự giảm tốc kinh tế”.
Cuộc duyệt binh vào ngày 3/9 cũng sẽ cho thấy cách tiếp cận của ông Tập đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã khiến Mỹ và nhiều quốc gia khác quan ngại tới mức nào. Không một nhà lãnh đạo của một nước phương Tây lớn nào tham dự cuộc duyệt binh này.
Diệp vũ
vneconomy
|