Kẻ lãi đột biến, người vượt kế hoạch: DN cao su thiên nhiên đã “thoát đáy”?
Một vài doanh nghiệp cao su thiên nhiên công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 với những tín hiệu khả quan như vượt kế hoạch hay tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Liệu đây có phải là tín hiệu cho thấy ngành cao su thiên nhiên bước vào giai đoạn phục hồi?
Năm 2015 đã là năm thứ 5 liên tiếp ngành cao su thiên nhiên sụt giảm giá, việc giá cao su tăng cao ở giai đoạn năm 2010 khiến nhiều nông dân đổ xô đi trồng cao su dẫn đến nguồn cung tăng lên mạnh mẽ, trong khi cầu thì suy yếu do đà suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Trước điều này, các nhà sản xuất châu Á bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia cùng nhau hợp tác cứu giá cao su vào năm 2014 nhưng không thành công, qua năm 2015 ba nước này kêu gọi thêm sự hợp tác từ Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Giải pháp các nước đưa ra là quản lý lại các đồn điền cao su để tạo hiệu quả cao hơn, không mở rộng thêm diện tích trồng mới, đẩy mạnh sử dụng cao su cho những nhu cầu nội địa… mục đích là giảm cung trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, Hiệp hội các nhà sản xuất lốp ô tô Ấn Độ (ATMA) cho biết sản lượng cao su nước này có thể giảm 12 – 15% trong năm 2015 do nhiều nông dân ngừng trồng cao su và bị ảnh hưởng bởi mưa kéo dài. Ấn Độ là thị trường tiêu thụ cao su lớn thứ 2 thế giới và là nước sản xuất lớn thứ 5 thế giới cho nên điều này được đánh giá là có tác động tích cực đến ngành cao su thiên nhiên.
Theo đánh giá của CTCK Rồng Việt (VDS), nguồn cung cao su thiên nhiên thế giới đang có xu hướng chững lại. Trong khi về phía cầu, Hiệp hội nghiên cứu cao su thiên nhiên quốc tế (IRSG) dự báo, sẽ tăng 1.8% trong năm 2015 và 4.8% trong năm 2016. Như vậy khoảng cách chênh lệch giữa cung và cầu hiện đang dần thu hẹp. Tuy nhiên, mức tồn kho cao su trong năm 2014 hiện còn khá cao (khoảng 370,000 tấn) nên VDS cho rằng sự hồi phục về giá sẽ diễn ra chậm rãi trong thời gian tới.
Trở lại với các doanh nghiệp niêm yết thuộc ngành cao su thiên nhiên, qua 6 tháng đầu năm, hai doanh nghiệp là Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC) và Cao su Hòa Bình (HOSE: HRC) đã cùng nhau công bố kết quả kinh doanh vượt kế hoạch năm 2015. Cụ thể, TNC thực hiện được lãi trước thuế 10.2 tỷ đồng, gấp đến 2.7 lần mục tiêu kinh doanh cho cả năm và HRC có lãi ròng 27 tỷ đồng, thực hiện vượt kế hoạch 6%. Hay Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) ghi nhận lãi ròng công ty mẹ 96 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Khó vẫn hoàn khó!
Dẫu TNC và HRC đã cán đích chỉ sau 6 tháng đầu năm, nhưng kết quả kinh doanh thực sự chưa có cải thiện đáng kể.
Với lý do tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, TNC đặt kế hoạch lãi trước thuế chỉ vỏn vẹn 3.8 tỷ đồng cho năm 2015 dù năm trước thực hiện 21.4 tỷ đồng. Soi tình hình hoạt động nửa đầu năm 2015 của TNC, có thể nhận thấy rằng tuy doanh thu hoạt động chính có cải thiện giúp lãi gộp đạt 828 tỷ đồng, tăng trưởng 46% nhưng vẫn bị lỗ thuần hoạt động kinh doanh do lợi nhuận tài chính sụt giảm mạnh (thiếu vắng khoản cổ tức từ CTCP Dịch vụ Xuất Nhập khẩu NLS và Phân bón Bà Rịa). Theo đó, yếu tố lợi nhuận khác từ thanh lý chuyển nhượng tài sản tiếp tục là cứu cánh giúp công ty thoát lỗ ròng và vượt kế hoạch năm.
Bi đát hơn, doanh thu thuần HRC giảm mạnh 61%, doanh thu tài chính cũng giảm 87%, qua đó bị lỗ thuần hoạt động kinh doanh 407 triệu đồng; song vẫn là hoạt động thanh lý cây cao su đem về lợi nhuận khác 35 tỷ đồng giúp HRC có lãi ròng 27 tỷ đồng, thực hiện vượt kế hoạch 6%. Phải nhấn mạnh rằng kế hoạch này đã giảm hơn phân nửa so với thực hiện năm 2014.
Gần tương tự, DPR lãi trước thuế tăng trưởng 32% đạt 118 tỷ đồng thì trong đó có đến 74 tỷ là từ thu nhập khác. Sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán bình quân đều sụt giảm làm cho doanh thu thuần của DPR chỉ đạt 196 tỷ đồng, giảm 38% so với 6 tháng đầu năm 2014.
Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) cũng bi quan không kém khi doanh thu thuần, doanh thu tài chính, thu nhập khác cùng giảm mạnh mẽ khiến cho lãi sau thuế chỉ đạt 18 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, riêng trong quý 2, TRC chỉ ghi nhận 1.4 tỷ đồng lãi ròng, bằng 6% quý 2/2014, mức thấp kỷ lục từ khi niêm yết đến nay.
Ông lớn trong ngành là Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) cùng chung số phận khi quý 2/2015 được ghi nhận là quý bết bát nhất trong quá trình hoạt động từ trước đến nay. Doanh thu thuần và doanh thu tài chính đồng thời giảm phân nửa khiến lợi nhuận thuần chỉ còn vỏn vẹn 96 triệu đồng, giảm mạnh so với con số 10 tỷ ở cùng kỳ năm trước. Cũng tương tự các đơn vị khác, hoạt động thanh lý cây cao su lại là yếu tố đem lại lợi nhuận lớn nhất với 49.5 tỷ đồng giúp PHR có lãi ròng 39 tỷ đồng trong quý 2, chỉ giảm nhẹ 9% so với quý 2/2014. Tuy vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi ròng vẫn giảm mạnh 41% xuống còn 61 tỷ đồng.
Một đơn vị mới gia nhập ngành là Cao su Quảng Nam (HOSE: VHG) cho đến hiện tại vẫn chưa công bố BCTC quý 2. Kết quả kinh doanh quý 1 khá lạc quan với khoản lợi nhuận ròng 12 tỷ đồng, tăng trưởng 177% nhưng chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, còn lãi gộp thì giảm đến 80% chỉ đạt 1.5 tỷ đồng.
DN chế biến cao su: Lợi thế thuộc về doanh nghiệp sản xuất lốp Radial
Đối với các đơn vị chế biến cao su thiên nhiên, hai doanh nghiệp lớn Cao su miền Nam (HOSE: CSM) và Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) nhờ nhà máy lốp Radial đi vào hoạt động mà có thêm doanh thu từ sản xuất lốp Radial. Cụ thể, CSM ghi nhận 1,255.6 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 2, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước nhờ có thêm doanh thu chuyển nhượng bất động sản đầu tư 401 tỷ đồng và doanh thu sản phẩm lốp Radial, qua đó lãi gộp tăng trưởng 20%. Sau khi trừ đi các chi phí khác thì lãi ròng đạt 105 tỷ đồng, tăng trưởng 16%. Hay DRC có doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt tăng trưởng 5% và 16% so với quý 2/2015. Trong khi đó, yếu thế vì sản phẩm cạnh tranh (không thể sản xuất được lốp Radial), Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) ghi nhận quý chững lại với doanh thu và lợi nhuận gần như không tăng trưởng.
Ở phân khúc sản phẩm hoàn toàn khác biệt là sản xuất băng tải, Cao su Bến Thành (HOSE: BRC) cho thấy doanh thu giảm nhẹ trong quý 2 nhưng giá vốn tăng cao dẫn đến lãi ròng giảm đến 33% xuống mức 3.3 tỷ đồng.
|
Mỹ Hà
|