Inox Kim Vĩ: Cớ gì lại rớt thảm!
Với kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước, nguyên cớ gì giá cổ phiếu KVC của CTCP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ lại có chuỗi “lau sàn” rất dài kéo theo sự chán chường của không ít nhà đầu tư mua vào ở vùng giá quá cao giai đoạn trước?.
“Mở màn” xuất thần
CTCP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ tiền thân là công ty TNHH Kim Vĩ được thành lập năm 2008. Trước giai đoạn niêm yết, 3 năm liên tiếp từ 2012-2014, công ty đều thực hiện tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Lần thứ nhất là vào tháng 11/2012, công ty tăng vốn thêm 20 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng; lần 2 vào tháng 3/2013 tăng thêm 72 tỷ đồng lên 108 tỷ đồng; lần 3 vào tháng 9 năm 2014 tăng thêm 57 tỷ đồng lên 165 tỷ đồng.
Năm 2012 và 2013, công ty vẫn còn lỗ lũy kế và phải đến năm 2014 sau khi ghi nhận khoản lãi ròng 22.3 tỷ đồng đột biến thì KVC mới suýt soát khắc phục được lỗ lũy kế này. Nhiều khả năng đây là nguyên nhân khiến một doanh nghiệp có trụ sở và cơ sở sản xuất chính ở khu vực TPHCM như KVC lại niêm yết ở sàn HNX. Phải chăng vì ở sàn HNX chỉ quy định doanh nghiệp niêm yết không có lỗ lũy kế (?), trong khi sàn HOSE yêu cầu doanh nghiệp muốn niêm yết phải có lãi trong 3 năm trước đó.
Ngày 14/4, 16.5 triệu cổ phiếu KVC đã chính thức giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội với giá tham chiếu 16,000 đồng/cp. Chia sẻ với giới báo chí trong buổi lễ chào sàn, ông Đỗ Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, hoạt động sản xuất - kinh doanh của KVC đang ở giai đoạn thuận lợi nhất nên việc niêm yết cổ phiếu KVC sẽ tạo tiền đề mới cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Điều ông Hùng chia sẻ trên không phải không có cơ sở khi năm 2014, khi Bộ Công thương chính thức có quy định áp dụng biện pháp chống bán phá giá cho một số sản phẩm thép không gỉ, đã mang lại lợi thế kinh doanh không nhỏ cho nhóm doanh nghiệp ngành này, phần nào đã giúp hoạt động kinh doanh của KVC chuyển mình khởi sắc trong năm 2014.
Chính những yếu tố trên ít nhiều đã giúp cổ phiếu tạo sức hút ngay những phiên đầu chào sàn, song nhịp tăng chẳng tày gang khi 4-5 phiên kế tiếp KVC giảm kịch sàn rồi rơi lại vùng giá ban đầu.
Dòng tiền ngầm sau đó hoạt động âm ỉ, tích lũy gần 2 tháng trời trước khi thị trường thi nhau đồn đoán lợi nhuận quý 2/2015 của KVC với những con số tăng trưởng vượt bậc. Một CTCK thời điểm này còn đưa ra vùng giá mục tiêu đến tận 35,000 – 36000 đồng/cp, góp thêm phần "lửa" cho sức nóng tại cổ phiếu này lúc bấy giờ.
Không khác quá xa lời đồn đoán, KVC ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng kể trong quý 2. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 115 tỷ và 6.7 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng đến 42% và 250% so với cùng kỳ năm trước. Lãi lũy kế qua nửa đầu năm gần 11 tỷ đồng, ứng với thực hiện được 39% kế hoạch đề ra (28 tỷ).
Kết quả kinh doanh của KVC từ 2013 đến nay (Đvt: Triệu đồng)
Giá của cổ phiếu này sau khi kết quả kinh doanh “ra lò” đã tăng mạnh đáng kể lên mức cao nhất là 39,400 đồng/cp, tức gấp 2.5 lần so với phiên chào sàn, một mức tăng trưởng đáng mơ ước cho một cổ phiếu mới chào sàn chỉ vỏn vẹn 3 tháng.
Rơi rụng cũng thần tốc!
Tuy nhiên, một lần nữa, cổ phiếu KVC đã khiến nhà đầu tư phải “lên bờ xuống ruộng” khi con sóng giảm thứ hai thảm khốc hơn nhiều so với lúc trước. Điều gì xảy ra ở cổ phiếu này (?). Câu chuyện call margin chắc chắn không phải vì KVC vừa mới niêm yết trên sàn, chưa được phép giao dịch ký quỹ. Rớt mạnh vì xu hướng thị trường chung có lẽ cũng không phải vì diễn biến “lau sàn” của cổ phiếu là bất thường, bên bán tỏ vẻ rất quyết liệt khi áp giá sàn ngay từ đầu phiên.
Diễn biến cổ phiếu KVC từ lúc niêm yết đến 26/8/2015
Sẽ có nhiều lời giải đáp và giả thuyết cho câu hỏi trên mà chỉ có những “người trong cuộc” – những người cầm trịch cổ phiếu này mới thấu hiểu. Nỗi đau thắt lòng đọng lại ở nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ khi trước đó nghe theo những lời tung hô và những con số định giá bóng bẩy hào nhoáng.
Khi doanh nghiệp đánh mất đi niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, dù KVC chưa có kế hoạch tăng vốn trong năm nay hay qua năm sau thì đây cũng là “scandal” khiến nhà đầu tư ít nhiều rung tay khi “rút bóp” đầu tư vào cổ phiếu này.
Hình ảnh của KVC làm người viết nhớ lại những giao dịch đột biến ở cổ phiếu đậm chất đầu cơ như ITQ, GTN, HAI, VIX, FIT, SHN…
Chiêu bài cổ phiếu chào sàn tăng mạnh giảm sâu có vẻ không mới nhưng còn đó quá nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thuộc hoặc mau quên. Không ai dám trách ai vì điều gì, vì đến khi chuyện đã rồi, nhìn lại ta mới thấy được cả “đại cục” đã được vẽ ra như thế nào. Đôi khi chính những nhà đầu tư đoán biết quy luật cổ phiếu lên sàn sẽ được đội lái đẩy giá. Với những suy nghĩ như trên, nhiều nhà đầu tư đã tranh nhau mua cổ phiếu mới lên sàn nhằm đu theo đội lái. Nhưng quá nhiều rủi ro khó có thể đoán định được khi đội lái có sự phối hợp rất đồng điệu giữa nhiều bên và liên tục biến hóa khôn lường.
Phương Chi
|