Thứ Hai, 17/08/2015 09:08

IDI khó khăn kép

CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI) có tỷ trọng xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc rất lớn, nên việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ có tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đầu tư bài bản

IDI được thành lập vào năm 2003, lĩnh vực hoạt động chính trong giai đoạn đầu mới thành lập là xây dựng công trình và kinh doanh bất động sản. Từ 2008, IDI bắt đầu tham gia lĩnh vực xuất khẩu cá tra với định hướng phát triển chính là tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín cho chuỗi  thủy sản. Để hiện thực hóa chiến lược này, IDI đã chủ động đầu tư mở rộng vùng nuôi với quy mô lên đến 150ha.

Đến nay, IDI cũng đã lập dự án nuôi cá tra với diện tích 34ha tại Cồn Quạ (Đồng Tháp) và hoàn thành hồ sơ để mua lại vùng nuôi tại huyện Thoại Sơn (An Giang) với diện tích gần 36ha. Dự kiến cuối năm 2015, diện tích nuôi cá của IDI đạt gần 110ha. Diện tích này kết hợp với hình thức nuôi liên kết cùng người nông dân để đảm bảo cơ cấu nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đông lạnh đạt khoảng 75-80% so với nhu cầu.

Để có vốn đầu tư cho các dự án, IDI đã liên tục tăng vốn trong thời gian gần đây. Từ số vốn ban đầu chỉ có 29 tỷ đồng, đến nay sau 6 lần tăng vốn IDI hiện có vốn điều lệ 855 tỷ đồng. Việc tăng vốn quá nóng này dẫn đến lo ngại rủi ro về pha loãng CP nếu hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp không theo kịp với tốc độ tăng vốn.

Song song với việc quy hoạch vùng nuôi, IDI còn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản. Theo tính toán, mỗi năm IDI phải mua thức ăn cho cá từ các công ty chế biến thức ăn với doanh số lên đến gần 1.200 tỷ đồng và con số này tiếp tục được nâng lên cùng với sự phát triển của doanh nghiệp.

Mới đây, IDI đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến thủy sản số 2 với công suất thiết kế 150 tấn nguyên liệu/12 giờ và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9-2015 nhằm mở rộng quy mô hoạt động lên một tầm cao mới.

Với chiến lược kinh doanh hợp lý, nên dù bước chân vào lĩnh vực chưa lâu nhưng IDI đã dần khẳng định được vị thế khi nằm trong top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đông lạnh hàng đầu Việt Nam. Mức tăng trưởng doanh thu của IDI đạt trung bình 25%/năm kể từ năm 2010 trở lại đây. Điều này cho thấy IDI đã có  những chính sách bán hàng và mở rộng thị trường hợp lý.

Mặc dù chịu áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp cùng ngành nhưng với tốc độ tăng trưởng trong những năm qua của IDI, có thể kỳ vọng sự tăng trưởng vượt bậc hơn của doanh nghiệp khi kinh tế phục hồi.

Những thuận lợi này cũng là yếu tố thúc đẩy IDI đặt ra chỉ tiêu ấn tượng trong năm 2015. Cụ thể, IDI đề ra kế hoạch doanh thu đạt 3.012 tỷ đồng (tăng 42,1%), trong đó doanh thu từ mảng cá tra filet đạt 2.531 tỷ đồng và mảng dầu ăn đạt mức 481 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt mức 171 tỷ đồng, trong đó cá tra filet đóng góp 70,4% lợi nhuận và mảng dầu ăn đóng góp 29,6% lợi nhuận. EPS cả năm 2015 dự kiến đạt mức 2.000 đồng/CP.

Khó khăn ngoài kế hoạch

Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vẹn thì doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này bị một phen choáng váng, vì Bộ Thương mại Hoa Kỳ tăng mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra fillet. Theo đó, giá thuế chống bán phá giá đối với cá tra fillet nhập khẩu đã lên đến mức 0,97USD/kg trong khi giá thành xuất khẩu của mặt hàng này chỉ ở mức 3USD/kg. Con số này tăng lên gần 2 lần so với kết quả sơ bộ Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra hồi tháng 7-2014 là 0,58USD/kg.

Với mức thuế chống bán phá giá cao như hiện nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất  khẩu cá tra giảm hẳn. Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam có tăng giá xuất khẩu cá tra cũng không được bởi thị trường xuất khẩu cá vào các nước đâu chỉ có riêng doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, cá tra Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với Indonesia, Bangladesh. Như vậy, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ tăng thuế chống bán phá giá đối với cá tra fillet đồng nghĩa với việc mặt hàng này đang bị thu hẹp thị trường xuất khẩu tại Hoa Kỳ.

Trong khi khó khăn với thị trường Hoa Kỳ chưa qua, IDI lại bất ngờ gặp khó ở thị trường Trung Quốc khi nước này liên tục phá giá NDT. Tác động tỷ giá có thể gây bất lợi đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra tại Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu tại thị trường này, trong đó có mặt hàng cá tra, có thể sụt giảm mạnh.

Theo thống kê, giá trị xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc chiếm khoảng 7% trong 6 tháng đầu năm 2015 (tăng hơn 50% so với cùng kỳ), trong đó IDI là doanh nghiệp đứng đầu với thị phần khoảng 65%. Hiện tỷ trọng doanh thu của thị trường Trung Quốc tại IDI vào khoảng hơn 20%. Nếu NDT tiếp tục neo ở giá thấp, khả năng IDI sẽ gặp khó trong những tháng cuối năm, từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của cả năm 2015.

Hải Hồ

Sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   TKU: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 (17/08/2015)

>   Báo cáo tài chính bán niên năm 2015 (17/08/2015)

>   Báo cáo tài chính bán niên năm 2015 (17/08/2015)

>   EFI: Gom cổ phiếu, xoay chuyển cán cân quyền lực (17/08/2015)

>   TTB: Báo cáo tài chính bán niên năm 2015 (15/08/2015)

>   VNR: BCTC hợp nhất quý 2/2015 (15/08/2015)

>   PVV: Quý 2 lỗ trở lại sau 2 quý có lãi (16/08/2015)

>   NHP: Báo cáo tài chính bán niên năm 2015 (15/08/2015)

>   VC3: Báo cáo tài chính quý 2/2015 (công ty mẹ) (15/08/2015)

>   PVV: Báo cáo tài chính quý 2/2015 (công ty mẹ) (15/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật