Thứ Tư, 12/08/2015 14:56

Giá trị ngân hàng đang thay đổi

Giới đầu tư quốc tế quan tâm đến lĩnh vực tài chính NH Việt Nam nhưng còn e ngại nợ xấu.

Lấn cấn về nợ

Trong một chia sẻ mới đây tại diễn đàn mua bán sáp nhập (M&A) Việt Nam 2015 do Báo Đầu tư tổ chức, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) nói rằng, thời gian qua, cổ phiếu NH vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng do chưa hiểu rõ về xử lý nợ xấu, tái cấu trúc, cũng như do cổ phiếu NH chưa thực sự tăng trưởng ổn định, lợi nhuận NH hiện chưa bền vững do đang ở giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ xấu nên các quỹ vẫn còn tâm lý e ngại trong việc rót vốn.

Chủ trương khuyến khích NH tìm đối tác ngoại vẫn được thực hiện

Lãnh đạo một số quỹ đầu tư lớn đang có mặt tại Việt Nam có cùng quan điểm với ông Louis Nguyễn, hiện việc xử lý nợ xấu vẫn còn khó khăn nhất định buộc NH gia tăng khoản dự phòng. Thậm chí, một số nhà đầu tư có suy nghĩ, giải pháp lấy dự phòng để lấp nợ xấu của một số NH sẽ chỉ có tác dụng nhất thời. Do đó, nguồn tiền đầu tư còn rất lớn nhưng các quỹ chưa thể rót vốn mạnh vào các NH.

Đơn cử, một lãnh đạo của Quỹ đầu tư cho biết trong hai năm qua, họ có tìm hiểu về ABBank và tính đến chuyện mua số cổ phần của EVN khi có thông tin tập đoàn này thoái vốn khỏi NH. Thời điểm đó, tín dụng của ABBank vẫn tăng trưởng âm 1,4% (cuối tháng 9/2014), trong khi NH này có tổng cộng đến 3.739 tỷ đồng nợ quá hạn, chiếm 16% trên tổng dư nợ. Còn dự phòng rủi ro là một hạng mục đáng lưu ý trong báo cáo tài chính của ABBank quý III/2014, với khoản dự phòng rủi ro gấp 18 lần cùng kỳ, lên 108 tỷ đồng.

“Nợ xấu của các NHTM vẫn còn, nhất là từ khi NHNN áp dụng Thông tư 09 đầu tháng 6/2014 đến nay. Cộng với việc các NH phải đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC khiến khoản dự phòng rủi ro tăng mạnh nên lợi nhuận bị co hẹp. Đây cũng là một trong những lý do mà chúng tôi vẫn chưa có quyết sách nào trong việc đầu tư, tính đến thời điểm này”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.

Thay đổi để đón sóng

Đánh giá về dòng tiền đầu tư của khối ngoại, phần lớn lãnh đạo các NH cho rằng đó là nguồn vốn khổng lồ mà NH nào cũng mong muốn có được. Để có thể thuyết phục được khối ngoại đầu tư, các thương vụ mua bán sáp nhập phụ thuộc nhiều vào khả năng của từng NH.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực BIDV, các NH cũng đang có những giá trị mà giới đầu tư phải thừa nhận. Đó là, với các NH lớn, cổ phiếu của các NH này có giá trị thị trường lớn nhất Việt Nam đã tăng bình quân 23% trong ba tháng qua, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2013 và gấp đôi mức tăng của khu vực.

Còn theo nhận định của Bloomberg, cổ phiếu của các NH Việt Nam đang tăng nhanh nhất châu Á. Niềm tin của các nhà đầu tư vào ngành NH đang tăng lên sau khi VAMC đã mua 123 nghìn tỷ đồng nợ xấu và Chính phủ khuyến khích mua bán hợp nhất NH. Xét trên tỷ lệ nợ xấu của toàn Ngành trong hai năm qua đã giảm nhờ quá trình tái cấu trúc.

Cổ phiếu của các NH Việt Nam đang tăng nhanh nhất châu Á

Theo ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank (STB), với tình hình thị trường ngày càng gay gắt hiện nay và đặc biệt là chủ trương của NHNN đang đẩy mạnh tái cấu trúc ngành, tinh giảm số lượng NH để lành mạnh hệ thống, các NH cũng đang rất nỗ lực để thay đổi, thậm chí sáp nhập, hợp nhất. Ngoài yếu tố nợ xấu, vấn đề sở hữu chéo tại các NH mà khối ngoại lo ngại cũng đã được giải quyết khá triệt để bằng Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Quả vậy, tại Vietcombank (VCB) đã thoái được cổ phần ít nhất ở 3 TCTD trong 5 TCTD mà NH này đang sở hữu cổ phiếu. Ngoài ra, Vietcombank còn phải giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại MBB, Eximbank (EIB), OCB, Tài chính Xi măng từ mức 8 – 9% hiện nay xuống dưới 5%. Eximbank cũng cho biết đang giảm tỷ lệ sở hữu tại Sacombank xuống dưới 5% theo quy định trong thời gian gần nhất. Tương tự MDB sáp nhập MaritimeBank (MSB) đã giải quyết được vấn đề sở hữu chéo…

Về nợ xấu, mới đây Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, sau hơn 3 năm đẩy mạnh tái cấu trúc, NHNN đã chủ động xử lý những yếu kém trong hệ thống, kể cả áp dụng những biện pháp mạnh. Chẳng hạn với những NH hoạt động thua lỗ, đã phải bán lại với giá 0 đồng (VNCB, OceanBank, GPbank) và tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN. Nợ xấu của hệ thống chắc chắn sẽ được kiểm soát dưới 3% vào cuối năm nay.

Rõ ràng, sau quá trình tái cơ cấu hệ thống NH, năng lực tài chính của các NHTM dần được cải thiện và nợ xấu từng bước được xử lý. Để đón sóng đầu tư, thời gian qua các NH cũng có những nỗ lực trong việc hoàn thiện năng lực tài chính, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất giữa các TCTD, tạo cơ hội kêu gọi các tập đoàn tài chính nước ngoài góp cổ phần...

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, mục tiêu của NHNN trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo vẫn khuyến khích mua bán hợp nhất. Thậm chí nới chính sách tối đa để khối ngoại có thể tham gia vào mảng tài chính – NH.

Quỳnh Chi

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Tổng giám đốc NamABank khẳng định vị thế (12/08/2015)

>   Việt Á muốn mua mỏ vàng ở Quảng Nam (12/08/2015)

>   Tỷ giá USD tại các ngân hàng tăng mạnh sau tin nới biên độ từ NHNN (12/08/2015)

>   Agribank: Dư nợ đến 30/06 đạt 600,215 tỷ đồng (12/08/2015)

>   NHNN tăng biên độ tỷ giá lên +/-2% (12/08/2015)

>   “Không có chuyện nới tín dụng để pha loãng nợ xấu” (12/08/2015)

>   Cimb Group được mở ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam (11/08/2015)

>   Lãi suất giảm, gửi tiết kiệm kém hấp dẫn (11/08/2015)

>   NamABank khai trương trụ sở mới Ngã Bảy (10/08/2015)

>   TP.HCM: Nợ xấu còn 5,49% (11/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật