Giá dầu nước ngoài “rơi khủng hoảng”, ở ta “rơi thủng thẳng”
Sẽ xuất hiện ngưỡng 20 USD/thùng? Tuổi Trẻ phỏng vấn nhiều ý kiến chuyên gia xung quanh câu chuyện giá dầu rơi thẳng đứng.
Gary Shilling (chủ tịch Công ty tư vấn A. Gary Shilling & Co - Mỹ): Có thể!
Tôi dự báo giá dầu có thể chạm ngưỡng 20 USD/thùng. Bởi lẽ giá dầu nhiều năm qua là do các nhóm mà điển hình là OPEC đã cùng nhau đưa lên cao hoặc quá cao.
Các nước ngoài khối OPEC âm thầm nâng sản lượng và hưởng lợi lớn từ sự chung sức nâng giá của OPEC để rồi tăng trưởng và thậm chí lấn sang thị phần của OPEC.
Do đó gia tộc Saudi đương nhiên không thể chấp nhận. Họ liền cùng một vài đồng minh có tiềm lực tài chính dồi dào đã quyết định tăng sản lượng, chấp nhận hạ giá để lấy lại thị phần và hạ sát ván các đối thủ.
Nên nhớ, với hàng loạt giếng dầu đã khấu hao nhiều, nếu bán với giá 10 - 20 USD/thùng, nhiều điểm khai thác ở Saudi Arabia vẫn chưa tới mức lỗ. Trong khi đó dù bán giá thấp sẽ lỗ, nhiều nước vẫn phải miệt mài khai thác thêm để bù đắp ngân sách.
Cùng lúc, các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ đang ngày đêm tìm cách giảm giá thành khai thác và nhiều dự án ở North Dakota đã có thể kiếm lời dù dầu ở dải giá 24 - 41 USD/thùng. Iran, nước có trữ lượng dầu lớn thứ 2 trong OPEC, lại đang sẵn sàng bơm dầu lên ồ ạt một khi được dỡ cấm vận theo sau những tiến triển trong đàm phán hạt nhân với phương Tây.
TS Trần Ngọc Thơ: Giảm cũng như không
Giá dầu giảm thì nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu giảm mạnh nhưng giá dầu thế giới giảm có làm cho giá dầu trong nước giảm, khi nào và giảm bao nhiêu? Có làm cho giá các mặt hàng sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải, điện và các ngành công nghiệp khác giảm?
Có làm cho giá các mặt hàng khác giảm theo? Các doanh nghiệp có mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh và nhiều ngành nghề mới sẽ phát triển? Có làm cho tăng trưởng cao hơn?
Chỉ có điều chắc chắn là ngân sách hụt thu nặng, còn một chuỗi các truyền dẫn phía sau đó với kỳ vọng cuối cùng là tăng trưởng cao hơn thì không ai biết vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào hành vi mang tính đặc thù của Việt Nam.
Cách duy nhất để phá bỏ hoàn toàn các tác nhân ăn theo trong phản ứng truyền dẫn trên là Nhà nước phải tiến hành tự do hóa thị trường, bắt đầu từ những ngành kinh doanh độc quyền nặng nhất là xăng dầu.
Đây là điều giờ đây chúng ta bắt đầu thấy rõ hậu quả của nó. Các cú sốc giảm giá xăng dầu liên tiếp xảy ra từ đầu năm đến nay và vẫn còn có khả năng tiếp diễn cho đến tận sang năm 2016 đáng lý sẽ là cơ hội tạo đà cho tăng trưởng nhưng nhiều dự báo lại cho thấy tăng trưởng của Việt Nam có xu hướng giảm đi.
Bao giờ cũng vậy, các cú sốc - như cú sốc tỉ giá USD/VND tăng lên bất ngờ thời gian qua - tuy có mặt hại nhưng bao giờ cũng có mặt lợi của nó để cân bằng qua lại, thì ngược lại, cú sốc giảm giá xăng dầu dường như chỉ thấy mặt tiêu cực nhiều hơn từ việc ngân sách nhà nước hụt thu nặng từ xuất khẩu dầu thô.
Nếu Nhà nước không dám xóa bỏ các tác nhân ăn theo để cho nền kinh tế có sức cạnh tranh cao hơn thì thế giới có bao nhiêu lần giảm giá dầu đi nữa thì với Việt Nam có cũng coi như không.
Giá dầu nước ngoài “rơi khủng hoảng”, ở ta “rơi thủng thẳng”
Người dân đổ xăng trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh lúc 3g chiều 19-8. Xăng Ron 92 giảm giá xuống còn 18.530 đồng/lít - Ảnh: Thanh Tùng
|
Đó là nhận xét của anh Minh Thuận, một trong rất nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến của mình sau khi đọc thông tin giá dầu về ngưỡng 40 USD/thùng trên TTO ngày 20-8.
Nhiều ý kiến tỏ ý không hài lòng khi giá xăng A92 nhập từ Singapore tính ra chưa tới 9.000 đồng/lít trong khi giá bán lẻ cho người tiêu dùng lên tới 18.350 đồng/lít. Các ý kiến khác bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp để doanh nghiệp đầu mối giảm giá xăng dầu theo sát giá thị trường hơn nữa.
|
Hồng Quý
tuổi trẻ
|