EVN lãi khủng: Đầu tư lớn đáng lý giá bán phải rẻ...
Nếu tính tỷ suất lợi nhuận thì EVN lãi khoảng 12% một vòng quay kinh doanh.
Đây là lý do đảm bảo cho EVN dù mua điện của Trung Quốc giá cao ngất ngưởng lên tới 1.300 đồng/kWh, cao hơn giá điện trong nước tới hơn 400 đồng/kWh vẫn lãi lớn.
Chỉ riêng những thủy điện nhỏ, do tư nhân đầu tư sản xuất mức giá đưa ra cũng thấp hơn nhiều so với giá EVN đang mua vào của Trung Quốc, chưa nói tới những thủy điện do nhà nước đầu tư. Chính vì vậy, theo TS Nguyễn Hồng Nga - Trường đại học kinh tế - Luật (TP.HCM) mức giá bình quân mua vào hơn 1000 đồng của EVN đã được xem là là bất hợp lý, nếu sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích và hiệu quả.
Ảnh minh họa
Ông giải thích, trong kinh tế có một khái niệm là Tính kinh tế theo qui mô. Có nghĩa là sản xuất với qui mô lớn thì chi phí càng giảm, dẫn tới giá bán giảm.
Do vậy nếu nhà nước đầu tư vào ngành thủy điện với qui mô lớn (thường là lớn hơn tư nhân nhỏ tự đầu tư) thì giá thành sẽ giảm hơn nhiều so với giá 800 – 900 đồng/KWh. Vì vậy, mức giá mua bình quân của EVN theo lẽ thường phải thấp hơn nhiều.
Nhưng Việt Nam vẫn phải mua điện của Trung Quốc giá cao vì: Thứ nhất, là do Việt Nam chưa chủ động được về cung điện vào những mùa cao điểm, nhất là mùa thiếu nước tại các nhà máy thủy điện. Thứ hai, là do Việt Nam rất cần mua nên bị bên Trung Quốc ép giá. Thứ ba, có thể khi ký kết thỏa thuận hợp đồng mua điện theo giá đã được niệm yết quá cao khi các khoản điều chỉnh lại không có trong hợp đồng.
Ông Nga cho rằng, lúc Việt Nam ký thì giá nhiên liệu trên thế giới cao nên giá mới đắt như vậy.
Còn một vấn đề nữa mà dư luận đang nói tới là chuyện EVN đã tự hạch toán giá xây biệt thự, siêu xe vào giá thành bán ra. Đẩy giá điện lên cao? Đây có được xem là cách giải quyết khoản chênh lệch giữa giá mua vào với bán ra của EVN?
Ông Nga lưu ý, giả thiết là việc hoạch toán việc xây biệt thự, mua xe sang trọng vào giá thành giá điện là hết sức quan trọng và cần được lưu ý. Ông nhấn mạnh, điện là một ngành độc quyền, cho nên nhà nước phải quản lý để hạn chế sức mạnh độc quyền.
Nhà nước cần kiểm soát những chi phí hợp lý của nhà độc quyền và cho phép độc quyền được hưởng một tỷ suất lợi nhuận bằng tỷ suất lợi nhuận bình quân trong nền kinh tế. Không cho phép tính toán những chi phí bất thường, hầu như không liên quan đến hoạt động chính thức của độc quyền, vào giá thành sản phẩm.
Nên quy định tỉ suất lợi nhuận
Hầu hết ý kiến phân tích đều khẳng định EVN là doanh nghiệp nhà nước, vì vậy chỉ nên để EVN được hưởng một tỷ suất lợi nhuận nhất định, tuy nhiên thực tế thì sao?
Theo con số của Bộ Công thương về giá mua điện bình quân của EVN, bao gồm cả mức giá mua bình quân, giá thành khâu phát điện thương phẩm, khâu truyền tải điện, khâu phân phối bán lẻ điện... Trong đó, riêng khâu cuối cùng là phụ trợ, quản lý... Bộ Công thương cho biết chi phí tương ứng mức giá thành 6,47 đồng/kWh.
Thực tế, con số 6.47 đồng là không phải lớn về mặt tuyệt đối, nhưng nếu tính về tương đối là khoảng 0.6% giá gốc. Còn nếu tính ra tiền thì khâu phụ trợ và quản lý tiêu tốn hơn 1100 tỷ đồng (6.67 đồng x 172 tỷ KWh). Rõ ràng, 6,47 đồng không còn là một con số nhỏ.
Vị chuyên gia tính toán: Mức lợi nhuận của EVN (chỉ tính đến khâu bán điện) là 128.63 đồng x172 tỷ kwh = 22.124 tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ đô la. Con số này chưa tính lợi nhuận gia tăng theo bậc thang giá điện như hiện nay. Nếu tính tỷ suất lợi nhuận thì EVN lãi khoảng 12% một vòng quay kinh doanh.
Vì vậy, khi có thị trường phát điện cạnh tranh, người dân không phải mua của EVN. Nhưng Tập đoàn EVN vẫn giữ vai trò chi phối khâu phát điện, với tỷ trọng hơn 60% tổng công suất phát điện toàn hệ thống, 90% khâu phân phối bán lẻ và độc quyền hoàn toàn trong các khâu truyền tải điện.
EVN vẫn còn nắm việc phân phối bán lẻ và truyền tải điện thì đó chỉ là không độc quyền về danh nghĩa mà thôi. Việc mở rộng cho các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào thị trường đầy tiềm năng này sẽ làm cho nguy cơ bắt tay giữa EVN và các nhà sản xuất điện được giảm đi tối thiểu.
Hơn nữa nếu các DN vi phạm luật cạnh tranh sẽ bị xử lý nghiêm minh, thậm trí lấy lại cấp phép tham gia ngành điện. Khi đó người dân có thể được mua điện với giá rẻ hơn nếu nhà nước điều tiết độc quyền EVN một cách hiệu quả và công minh.
Vũ Lan (ghi)
đất việt
|