Đồng tiền nào đang giảm giá mạnh nhất so với USD?
Dù đà rớt giá gần đây của đồng Nhân dân tệ so với đồng USD đã khiến các thị trường tài chính toàn cầu chao đảo nhưng biên độ điều chỉnh của đồng tiền này vẫn không là gì so với mức sụt giảm chóng mặt của các đồng tiền lớn như EUR, JPY và Rúp.
* Tiền tệ và toan tính
* Lịch sử chiến tranh tiền tệ
* Đồng ruble Nga chạm đáy mới, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2
* “Cơn bão toàn diện” trên thị trường tiền tệ châu Á sau 2 ngày phá giá của Trung Quốc
Dựa trên số liệu đến ngày 17/08/2015 của Factset, CNN Money đã thống kê đà sụt giảm của 12 đồng tiền lớn trên thế giới so với đồng USD trong một năm vừa qua.
Theo đó, trong vòng 12 tháng qua, đồng rúp của Nga đã lao dốc tới 45% so với đồng USD, mức sụt giảm mạnh nhất trong số 12 đơn vị tiền tệ được CNN Money thống kê. Tiếp đó là đồng peso của Colombia và đồng real của Brazil với đà sụt giảm lần lượt 37% và 35%.
Các đơn vị tiền tệ ghi nhận mức sụt giảm trên 20% so với đồng USD bao gồm đồng krona của Thụy Điển (-20%), đồng peso của Mexico (-20%), đồng đôla của Australia (-21%), đồng đôla của New Zealand (-22%) và đồng lia của Thổ Nhĩ Kỳ (-24%).
Trong khi đó, đồng JPY của Nhật hiện đã giảm 18% so với đồng USD, mạnh hơn mức sụt giảm 17% của đồng đôla Canada và đồng EUR so với đồng bạc xanh. Và sau 3 phiên giảm giá bất ngờ trong tuần trước, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc hiện đã giảm 4% so với đồng USD của Mỹ trong vòng một năm qua.
Đà sụt giảm của 12 đơn vị tiền tệ trên thế giới so với đồng USD trong vòng một năm qua - Nguồn: CNN Money
|
Trở lại với đà lao dốc chóng mặt của đồng rúp so với đồng USD, trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (17/08), đồng nội tệ của Nga đã sụt 1.3% và chạm mức thấp nhất trong 6 tháng tại 65.7 so với đồng bạc xanh trong bối cảnh Moscow phải đối mặt với đà sụt giảm mạnh của giá dầu và các hình phạt kinh tế. Sau đó, đồng tiền này đã khôi phục một phần giá trị và trở lại mốc 65.5.
Được biết, ngân hàng trung ương Nga đã ngừng mua dự trữ ngoại hối trong tháng 7 với hy vọng ngăn chặn đồng rúp giảm giá hơn nữa. Tuy nhiên, điều này đã không phát huy hiệu quả khi đồng rúp tiếp tục rớt giá so với đồng USD. Cụ thể, mức sụt giảm 12% trong tháng qua đã nâng tổng đà sụt giảm trong vòng một năm qua lên 45.02%.
Đồng tiền này đã bị tác động nặng nề bởi đà lao dốc của giá dầu. Nguyên nhân là do khoảng một nửa doanh thu của Chính phủ Nga đến từ ngành dầu mỏ. Ngân sách của Nga dựa trên giả định rằng nước này có thể bán dầu với giá ít nhất 50 USD/thùng. Thế nhưng, hiện giá dầu đang giao dịch sát mức thấp nhất trong 6.5 năm dưới 42 USD/thùng, chỉ sau khi đạt 115 USD/thùng cách đây một năm vào mùa hè năm ngoái.
Diễn biến của đồng rúp từ đầu năm 2015 đến nay - Nguồn: CNN Money
|
Đà sụt giảm của rúp đã đẩy Nga lún sâu hơn vào suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2009. Kinh tế Nga đã tăng trưởng âm 4.6% trong quý 2, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Nga sẽ sụt mạnh 3.4% trong năm nay và giảm tiếp hơn 1% vào năm 2016 do đà sụt giảm của lương, chi phí vay mượn cao hơn và niềm tin ngày càng giảm sút vào nhu cầu nội địa. Được biết, lạm phát của Nga đã lên tới 16% trong tháng 7 do giá thực phẩm tăng cao.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|