Thứ Tư, 12/08/2015 16:25

ĐHĐCĐ AVF lần 3: Dần lộ diện những nhân tố mới

Sáng 12/08, ĐHĐCĐ thường niên 2015 lần 3 của CTCP Việt An (AVF) đã diễn ra với 20 cổ đông tham dự, tương ứng 28.64% tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội lần này phần nào đã giải tỏa được những vướng mắc của cổ đông về hoạt động của công ty trong thời gian qua cũng như những cơ hội để AVF cải tổ giai đoạn sắp tới.

* ĐHĐCĐ AVF lần 2 bất thành: "Nếu tổ chức Đại hội bất thường thì AVF còn có hy vọng"

* ĐHĐCĐ AVF bất thành: Một cá nhân đã gom được 30% vốn nhưng chưa đủ điều kiện vào HĐQT

* AVF lao dốc có gây bất ngờ?

Tổng giám đốc Ngô Văn Thu trả lời chất vấn của cổ đông

Khó khăn chất chồng trong năm 2014

Tại BCTC kiểm toán 2014, đơn vị kiểm toán Deloitte đã từ chối đưa ra ý kiến do hàng loạt vấn đề trong báo cáo. Cụ thể, đơn vị kiểm toán đã không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp xác định tính đầy đủ và xác thực cho: Khoản mục chi phí khác với giá trị 712 tỷ đồng, chiếm 62% tổng chi phí phát sinh trong năm; các khoản mục trình bày trên bảng cân đối kế toán gồm các khoản phải thu khác với giá trị 866 tỷ đồng, chiếm 74% tổng giá trị tài sản; các khoản phải trả người bán và khoản phải trả khác lần lượt 172.6 tỷ đồng và 99 tỷ đồng, chiếm 17% tổng công nợ phải trả.

Giải thích về những khoản mục này, Tổng giám đốc Ngô Văn Thu lý giải, về tồn kho giảm từ 572 tỷ đồng của đầu kỳ xuống còn gần 12 tỷ đồng vào cuối năm 2014 do ảnh hưởng từ hệ số chế biến của DOC, nên chênh lệch điều chỉnh khoảng 240 tỷ đồng. Thêm vào đó hệ thống vùng nuôi bị lỗ qua các năm dồn lại là 220 tỷ đồng. Hoạt động lỗ này kéo theo chi phí tài chính, bán hàng, môi giới bán hàng cũng chiếm 250 tỷ đồng.

Cổ đông đặt câu hỏi ai chịu trách nhiệm cho khoản lỗ khủng hơn 912 tỷ đồng năm 2014, ông Thu cho biết, vấn đề báo cáo tài chính có nhiều hệ lụy từ ban điều hành trước, hiện công ty đang cùng Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng TMCP cùng các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang làm việc và sẽ có báo cáo chi tiết với cổ đông sau khi có kết quả cụ thể.

Còn theo văn bản AVF đưa ra năm 2014 lỗ nặng do là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá), chi phí nuôi cá nguyên liệu cao hơn giá bán…

Thêm vào đó việc áp thuế chống bán phá giá lần 8, 9, 10 của Bộ Thương mại Mỹ đối với sản phẩm cá tra phi lê dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bị đình trệ. Theo đó khả năng tạo ra dòng tiền và thanh toán công nợ bị ảnh hưởng. Cuối năm 2014 công ty ghi nhận lỗ lũy kế 835 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ và các nguồn vốn khác của chủ sở hữu là 387 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 655 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ cuối tháng 4/2014, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Lưu Bách Thảo đi nước ngoài trị bệnh đến nay không liên lạc được. Đến cuối tháng 6/2014 có 4/5 thành viên HĐQT từ nhiệm, 3 lần thay TGĐ… gây nên khủng hoảng nhân sự cao cấp rất trầm trọng. Hoạt động sản xuất kinh doanh bị tạm ngưng để tập trung việc xử lý nợ và gia công để ổn định công nhân.

Theo đại diện ban lãnh đạo, công ty đã xuất hiện nhiều điểm yếu như sai hướng về cơ cấu thị trường, không có định hướng, chiến lược và kế hoạch thực hiện khả dụng; mô hình quản lý không hiệu quả gây lãng phí thất thoát nhiều trong kinh doanh; nội bộ không kiểm soát được luồng tiền ra/vào như mua nguyên liệu, tồn kho, mua tài sản, phương thức thanh toán; chưa chủ động nguyên liệu; Tổng giám đốc thường xuyên làm việc và xử lý vượt cấp…

Giải quyết nợ: Vấn đề sinh tử

Ông Thu thừa nhận, tình trạng hiện tại của AVF có nhiều vấn đề nan giải, nhưng được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các đối tác, chủ nợ, tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho công ty khôi phục sản xuất, đưa ra các giải pháp phù hợp. Bởi hiện dư nợ đang bị đóng băng, ngân hàng cũng ủng hộ AVF tìm nhà đầu tư mua lại nợ của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, AVF lên kế hoạch từng bước đi như chủ động tìm nguồn đầu tư mới, ĐHĐCĐ thường niên xác lập lại bộ máy nhân sự; cơ cấu lại nợ vay thông qua hình thức mua bán nợ với đơn vị thứ 3; các khoản phải thu sẽ triệt để thu hồi kể cả làm việc với các cơ quan chức năng. Sau đó kết hợp với nhà đầu tư mới tái cấu trúc hoàn toàn công ty.

Hiện quản lý chủ chốt của AVF đa phần làm công nên tỷ lệ nắm giữ thấp, hiện HĐQT chỉ sở hữu trên 5%. Vì thế ông Thu kêu gọi các cổ đông lớn hãy mạnh dạn ứng cử vào HĐQT để cùng giúp AVF giải quyết vấn đề.

Một cổ đông lâu năm bày tỏ, vấn đề sinh tử của AVF là giải quyết nợ, vì thế trước tiên phải xác định lại số nợ, số bị chiếm dụng là bao nhiêu, số tài sản bán được là bao nhiêu… rồi tích cực đòi nợ. Hiện Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề phá sản của doanh nghiệp nên mới cho ra đời công ty DATC để mua bán nợ. Vì thế AVF có thể dựa vào đó cơ cấu lại các khoản nợ.

Tại Đại hội, cổ đông cũng ủy quyền cho HĐQT xây dựng phương án tái cấu trúc công ty. Theo đó, AVF sẽ tái cấu trúc hoạt động, cơ cấu lại các khoản nợ như kéo giãn thời gian trả, xóa nợ, chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu, thu hồi các khoản tiền mặt đã bị chiếm dụng. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ phát hành riêng lẻ tăng vốn chủ sở hữu, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đầu tư vào. Xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường với các khách hàng mục tiêu châu Âu, Mỹ, Úc, Nga, châu Á, Trung Đông…

Với những bước đi đó, AVF đặt kế hoạch năm 2015 với doanh thu 250 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng. Trong năm nay công ty bắt đầu sản xuất lại từ tháng 9, bên cạnh đó hoạt động gia công cho Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) vẫn duy trì bình thường từ đầu năm với 50% công suất (nhà máy có công suất 250 tấn/ngày). Cổ đông thắc mắc liệu với tình cảnh hiện tại, AVF có thể đạt được những con số đưa ra cho năm nay? Ông Ngô Văn Thu chia sẻ: “Ban lãnh đạo tiên lượng nếu khởi động lại được sản xuất và bán hàng thì quý cuối năm sẽ hoàn thành được”.

Nhân tố mới

Trước khi ĐHĐCĐ thường niên 2015 diễn ra 1 ngày (07/08), Chủ tịch Nguyễn Thanh Hùng và Thành viên HĐQT Trương Minh Giàu xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Vì thế, HĐQT AVF hiện chỉ còn 3 người là ông Trương Thanh Long (thành viên chính thức nhiệm kỳ 2011-2016), ông Ngô Văn Thu và ông Nguyễn Viết Tuyên là thành viên tạm thời. Theo đó, tại Đại hội lần này sẽ bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT.

Ngoài ông Thu và ông Tuyên, hai ứng viên mới gồm có ông Bùi Phú Kiệt – Giám đốc sản xuất AVF và ông Lê Thanh Thuấn  - Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Sao Mai An Giang (HOSE: ASM) - đại diện sở hữu trên 10% đề cử. Đồng thời bầu bổ sung 1 thành viên Ban kiểm soát là ông Đỗ Văn Trí.


HĐQT (thiếu ông Lê Thanh Thuấn do bận công tác) và BKS mới được bầu bổ sung của AVF

Ngoài ra, ông Thu cũng tiết lộ, một tổ chức khác cũng đang nắm khoảng 30% vốn AVF và sẽ tham gia vào công ty sau khi ĐHĐCĐ thường niên chốt các vấn đề về nhân sự.

Nhắc đến nhân sự của AVF, phải kể đến sự biến động bắt đầu diễn ra hồi tháng 6/2014, ngay sau khi phát hành xong gần 14 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Lưu Bách Thảo từ nhiệm cả hai vị trí này tại AVF dù ông là một trong những người gắn bó lâu nhất tại đây. Đồng thời, 4 vị Thành viên HĐQT khác cũng xin từ nhiệm. Thay vào đó, HĐQT bổ nhiệm Thành viên HĐQT Nguyễn Thanh Hùng giữ chức Chủ tịch, còn Trưởng ban kiểm soát Trương Thanh Long chuyển sang giữ chức Tổng giám đốc AVF.

Tại vị được 2 tháng, Tổng giám đốc Trương Thanh Long lại phải nhường ghế cho ông Lê Trọng An (tháng 8/2014). Nhưng cũng chỉ được 2.5 tháng, ông Lê Trọng An và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Huyền từ nhiệm, thay vào đó là Phó Tổng giám đốc Ngô Văn Thu lên giữ chức Tổng kể từ tháng giữa tháng 11/2014 cho đến nay.

Chỉ trong vòng 6 tháng 2014, AVF đã thay tới 4 tổng giám đốc khiến việc công bố thông tin cũng chậm trễ và bị nhắc nhở nhiều.

Thanh Nụ

Các tin tức khác

>   SD2: Báo cáo tài chính bán niên năm 2015 (12/08/2015)

>   LBE: Báo cáo tài chính bán niên năm 2015 (12/08/2015)

>   VNR: Báo cáo tài chính riêng Quý 2/2015 (12/08/2015)

>   KMT: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 (12/08/2015)

>   IDJ: Báo cáo tài chính Quý 2/2015 (công ty mẹ và hợp nhất) (12/08/2015)

>   PVX: Báo cáo tài chính quý 2/2015 (công ty mẹ) (12/08/2015)

>   PVX: Dòng tiền thuần kinh doanh âm 1,000 tỷ, lãi 6 tháng gần 16 tỷ đồng (12/08/2015)

>   PVG: Báo cáo tài chính quý 2/2015 (Hợp nhất) (12/08/2015)

>   TMS: Khởi công trung tâm logistics tại khu công nghệ cao TPHCM (12/08/2015)

>   PCT: Báo cáo tài chính quý 2/2015 (12/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật