Thứ Bảy, 15/08/2015 14:00

"Cơn sốt nóng" ẩn chứa rủi ro

Trước những biến động của tỷ giá những ngày gần đây, giá vàng cũng bị điều chỉnh mạnh, với mức tăng có ngày lên đến hơn 1 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, ngược chiều với giá vàng, thị trường chứng khoán (TTCK) lại "đỏ sàn" khi giới đầu tư lo ngại về sự thay đổi của tỷ giá sẽ tác động tới "sức khỏe" của doanh nghiệp…

Thị trường vàng biến động mạnh trong những ngày qua.

Vàng và chứng khoán vốn là hai kênh đầu tư thường xuyên trái chiều, bởi khi nhà đầu tư "đổ tiền" vào chứng khoán, vàng sẽ không còn là lựa chọn ưu tiên và ngược lại, nếu nhà đầu tư lựa chọn vàng, chứng khoán sẽ không thể gây "sốt".

Thế nhưng những diễn biến của giá vàng và chứng khoán những ngày gần đây không phản ánh quy luật này. Trước những biến động của thị trường tiền tệ thế giới, tỷ giá USD/VND trong nước được điều chỉnh, trong khi giá vàng "nới" rộng thì TTCK lại mất điểm mạnh trên cả 2 sàn chính thức.

Tăng, giảm thất thường vốn là đặc tính của TTCK, nhưng thị trường này cũng được coi là bức tranh phản ánh rõ nét nhất "sức khỏe" của nền kinh tế, cũng như niềm tin của giới đầu tư. Sau khi chỉ số VN-Index chinh phục lại ngưỡng 600 điểm sau 5 năm, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng đến cái đích 700 điểm, thậm chí là cao hơn.

Tuy nhiên, kỳ vọng đó khó diễn ra khi hàng nghìn DN vẫn phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.

Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, sự cộng hưởng của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến tăng lãi suất, sự suy thoái của kinh tế Châu Âu và cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp đã làm cho USD tăng giá cao hơn so với dự kiến.

Tất cả những yếu tố có vẻ khách quan đó đã tác động trực tiếp tới tâm lý của giới đầu tư trên TTCK. Vốn là một thị trường khá nhạy cảm với thông tin, nên bất kỳ một sự biến động nào của nền kinh tế cũng khiến thị trường này thay đổi nhanh chóng.

Sau khi tăng với tốc độ "phi mã" trong ngày 12-8, ngày 14-8 giá vàng trong nước đã có dấu hiệu "hạ nhiệt", với mức giảm gần 400.000 đồng/lượng. Trên thị trường Hà Nội, lúc 15h, vàng SJC được niêm yết phổ biến ở mức 33,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 34,42 triệu đồng/lượng (bán ra). Trên thị trường thế giới, giá vàng chỉ giảm nhẹ khoảng 3 USD/ounce. Mặc dù giá vàng trong nước đã bớt "nóng", song nếu so với thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá, giá vàng vẫn tăng gần 1,5 triệu đồng/lượng.

 Mới đây nhất, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần thứ ba trong năm thay đổi tỷ giá, khiến USD vượt qua ngưỡng 22.000 VND/USD, khiến thị trường thêm một lần "đỏ sàn", hàng trăm mã cổ phiếu lao đao. Trong 3 phiên giao dịch liên tiếp ngày 11, 12 và 13-8, các chỉ số chứng khoán "rớt" điểm mạnh trước áp lực bán tháo của giới đầu tư. Sự điều chỉnh tỷ giá chỉ tác động nhẹ tới bức tranh kinh tế cả nước, nhưng đây được coi là phản ứng dây chuyền của nhà đầu tư. Thêm một lần nữa, chỉ số VN-Index để "rơi" mốc 600 điểm, lùi về mức hơn 590 điểm. Có vẻ như chỉ số VN-Index vẫn còn quá "mong manh" trước những thông tin về nền kinh tế toàn cầu.

Theo các chuyên gia, phản ứng của giới đầu tư không đơn thuần do chịu tác động từ thông tin NHNN "nới" biên độ tỷ giá, nhà đầu tư bị ảnh hưởng nhiều từ đà giảm của TTCK thế giới, cũng như sự suy giảm mạnh của đồng nhân dân tệ (Trung Quốc). Lo ngại phản ứng dây chuyền từ các TTCK lớn đang hiện hữu, nhưng cũng như nhiều thời điểm khó khăn khác, nhà đầu tư cần bình tĩnh, bởi không phải tất cả các DN niêm yết trên TTCK đều chịu ảnh hưởng bởi sự biến động tỷ giá, đây đã là kịch bản mà nhiều DN đặt ra từ khi tình hình tài chính, kinh tế của nhiều nước có dấu hiệu biến động.

Ngay sau khi NHNN ban hành quyết định "nới" biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%, giá USD được niêm yết trên thị trường chính thức vượt qua ngưỡng 22.000 VND/USD, giá vàng đã tăng 600.000 đồng/lượng so với trước đó và tăng giá mạnh trở lại.

Khi thị trường tiền tệ thất thường, chứng khoán "lao đao", vàng bỗng dưng trở thành kênh đầu tư có giá

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng biến động không đáng kể. Nếu ngày 11-8 (ngày đầu tiên Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng nhân dân tệ), vàng giao ngay đạt 1.108 USD/ounce, ngày 12-8, giá vàng lại tăng lên 1.116 USD/ounce và ngày 13-8, giá vàng nhích lên 1.120 USD/ounce. Nếu quy đổi mức giá này ra VND theo tỷ giá do Vietcombank niêm yết là 22.105 VND/USD, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới gần 5 triệu đồng/lượng. Một lần nữa, giá vàng lại lên "cơn sốt" khi nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới, trong khi trước đó, khoảng cách này đã được thu hẹp xuống khoảng 3 triệu đồng/lượng.

Vàng hay chứng khoán đều là kênh đầu tư. Tuy nhiên, nếu muốn xóa bỏ nguy cơ "vàng hóa" nền kinh tế, nhà đầu tư không nhất thiết phải từ bỏ tất cả những kênh khác để tìm đến vàng, trong khi so với giá vàng thế giới, giá trong nước vẫn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Còn với TTCK, vẫn là bài học không bao giờ cũ là không nên đầu tư theo hội chứng đám đông.

Đức Anh

hà nội mới

Các tin tức khác

>   Trò chơi trốn tìm của thanh khoản (15/08/2015)

>   Các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật đã bị phá vỡ hoàn toàn (15/08/2015)

>   Các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật đã bị phá vỡ hoàn toàn (18/08/2015)

>   Các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật đã bị phá vỡ hoàn toàn (21/08/2015)

>   Các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật đã bị phá vỡ hoàn toàn (24/08/2015)

>   PTK: Một cổ đông bị phạt 50 triệu đồng do báo trễ giao dịch (14/08/2015)

>   Chứng khoán Toàn Cầu bị phạt 175 triệu đồng (14/08/2015)

>   Đầu tư chứng khoán: “Điểm mù” báo cáo tài chính! (15/08/2015)

>   Đầu tư chứng khoán: “Điểm mù” báo cáo tài chính! (17/08/2015)

>   Đầu tư chứng khoán: “Điểm mù” báo cáo tài chính! (20/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật