Cổ đông không góp vốn vào mỏ sắt Thạch Khê vì ngại rủi ro
Cho dù Chính phủ đã ra văn bản đốc thúc các cổ đông lớn của CTCP sắt Thạch Khê (TIC) phải góp đủ vốn điều lệ trước ngày 15-7 nếu không sẽ điều chỉnh tỉ lệ vốn góp qua cho Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản (TKV) để thực hiện dự án thì một số cổ đông lớn vẫn nói không với việc góp vốn.
Mỏ quặng sắt Thạch Khê đã đi vào khai thác thử suốt 8 năm qua nhưng cổ đông không góp vốn. Ảnh:TL
|
CTCP sắt Thạch Khê đã đi vào hoạt động được 8 năm, với mục đích thành lập là để đầu tư khai thác mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á tại Thạch Khê (Hà Tĩnh).
Với chín cổ đông ban đầu và số vốn điều lệ đề ra là 2.400 tỉ đồng, TIC tưởng sẽ sớm đi vào hoạt động, Song từ đó đến nay, sau khi Chính phủ cấm cổ đông lớn là các tập đoàn kinh tế không được đầu tư ngoài ngành, TIC còn lại năm cổ đông lớn, trong đó có TKV, TCT thép Việt Nam (Vinasteel), Bitexco... Tuy nhiên, các cổ đông đến nay mới chỉ góp được 57,7% vốn điều lệ khiến cho dự án gặp khó khăn.
Hồi tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã có văn bản đốc thúc việc góp vốn này. Thay vì tiếp tục tìm nguồn tiền góp vào dự án để khỏi bị giảm tỉ lệ sở hữu ban đầu, các cổ đông của TIC lại tuyên bố sẽ không thực hiện góp vốn.
Trong một văn bản gửi tới Bộ Công Thương hôm 22-7, ông Đặng Thúc Kháng, Chủ tịch HĐQT Vinasteel là đơn vị nắm 20% vốn điều lệ, nói rõ: “Xét thực trạng của CTCP sắt Thạch Khê và khó khăn nội tại của Vinasteel, đồng thời cân nhắc những rủi ro tiềm ẩn, tiến độ và hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư khai thác mỏ quặng sắt, Vinasteel tạm thời chưa tiếp tục góp vốn.”
Tại thời điểm TIC được thành lập, giá quặng trên thế giới đang tăng cao và đầu tư vào khai mỏ là một hoạt động hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp. Với trữ lượng mỏ quặng sắt tại đây lên đến 544 triệu tấn, Thạch Khê là một trong số ít mở quặng sắt có triển vọng kinh doanh tốt. Nhưng thực tế đã không diễn ra như kỳ vọng.
Hồi cuối năm 2014, Chủ tịch HĐQT TIC đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (điều chỉnh). Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán và hiện tại chưa có kết quả thẩm định nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quan trọng nhất, theo phân tích của Vinasteel, là việc thu xếp vốn cho dự án (70% tổng vốn đầu tư) vẫn chưa thực hiện được nên ảnh hưởng lớn đến dự án, kể cả khi cổ đông hiện hữu góp đủ vốn điều lệ.
Vinasteel cũng phân tích rằng, tình hình thị trường quặng sắt hai năm gần đây rớt giá thê thảm, nguồn cung quặng sắt lại đang thừa. Với mức giá quặng trong dài hạn dự báo thấp (55 đô la đến 60 đô la Mỹ/tấn) thì tiềm năng sinh lời, hiệu quả kinh tế của dự án Thạch Khê trong tương lai bị ảnh hưởng nặng.
Bản thân TIC lại có tổ chức bộ máy nhân sự quá cồng kềnh mà tám năm qua chưa hoàn thành xong thủ tục đầu tư dự án. Chi phí quản lý tại đây là gánh nặng. Nếu cổ đông có góp đủ vốn thì vẫn không đủ để công ty duy trì bộ máy và cấp quyền khai thác, chưa tính đến nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án.
Ông Kháng phân tích: Nếu trong năm 2015, các cổ đông của TIC góp đủ 30% vốn điều lệ giai đoạn 1 (kéo dài trong vòng 7 năm) tương đương 2.033 tỉ đồng, tức là vốn góp mới sẽ tăng thêm 483 tỉ nữa thì cũng không giúp TIC giải quyết được chuyện thiếu vốn. Lý do là tổng nợ phải trả và chi phí phát sinh năm 2015 của TIC đã là 877 tỉ đồng. Như vậy, kể cả góp đủ vốn thì vẫn còn thiếu 393 tỉ đồng chưa có nguồn bù đắp trong năm.
Vinasteel dù rất cần nguồn quặng tại mỏ này nhưng nhận định rằng việc tiêu thụ quặng sắt là theo cơ chế thị trường. Do vậy việc Vinasteel có nắm 20% vốn điều lệ tại đây cũng không giúp công ty có ưu đãi gì đặc biệt. Trong khi ấy, bản thân Vinasteel đang mất cân đối tài chính do bị lỗ lũy kế kéo dài. Các nguồn dài hạn tích lũy từ hoạt động sản xuất kinh doanh như khấu hao, lợi nhuận…vẫn sử dụng để bù đắp khoản thiếu hụt do mất cân đối tài chính và lỗ lũy kế. Doanh nghiệp cân đối tài chính chưa được nên không thể bỏ thêm 600 tỉ để tiếp tục góp vốn.
Lan Nhi
tbktsg
|