Thứ Sáu, 21/08/2015 18:54

Chứng khoán Tuần 17 – 21/08: Lao dốc trước hàng loạt thông tin tiêu cực!

Hàng loạt thông tin tiêu cực liên quan đến tỷ giá, giá dầu, diễn biến mới trong hoạt động tái cơ cấu ngân hàng đẩy thị trường lao dốc. Việc khối ngoại liên tục bán ròng mạnh cũng đã khiến thị trường có phần tiêu cực hơn.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 17 – 21.08.2015

Giao dịch: Thị trường lao dốc trước thông tin tỷ giá. Trước những thông tin tiêu cực liên quan tới vấn đề tỷ giá đã khiến thị trường lao dốc mạnh. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 5.56%, còn 556.3 điểm; HNX cũng giảm 4.06%, còn 77.6 điểm. Trong khi đó, chỉ số VS100 giảm 5.59%, còn 152.9 điểm; VN30 cũng giảm 5.03%, còn 587.83 điểm.

Tất cả các nhóm Market Cap đều đồng loạt giảm điểm trong tuần qua với VS-Large Cap là nhóm có mức giảm điểm mạnh nhất với 7.21%. Trong khi đó, các nhóm VS-Mid Cap cũng giảm 4.81%, VS-Small Cap cũng giảm 4.13% và VS-Micro Cap có mức giảm nhỏ nhất với 2.81%.

Thanh khoản thị trường cải thiện đôi chút trong tuần qua khi khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE tăng 15.2%, lên 577.5 triệu đơn vị; trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh tăng nhẹ 1.6%, lên 202.2 triệu cổ phiếu.

Phiên giao dịch đầu tuần xuất hiện những tin đồn tiêu cực liên quan tới những ngân hàng yếu kém đã nhanh chóng đẩy nhóm cổ phiếu Ngân hàng lao dốc. Diễn biến tiêu cực ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt nhanh chóng lan rộng trên thị trường. Hoạt động bán tháo diễn ra ở hàng loạt các cổ phiếu đã khiến VN-Index mất hơn 15 điểm, tạo nên phiên giảm điểm mạnh nhất trong tuần.

Những thông tin đính chính nhanh chóng xuất hiện đã giúp một số cổ phiếu Ngân hàng tăng điểm trở lại và kéo theo đà hồi phục của thị trường. Mặc dù vậy, phiên hồi phục ngày thứ 3 không quá tích cực khi giới đầu tư duy trì sự thận trọng cao độ khiến thanh khoản vẫn ở mức thấp.

Thị trường đón nhận thông tin NHNN tăng tỷ giá lên 1% cùng với việc gia tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. Cùng với đà giảm mạnh của giá dầu thế giới đã tạo nên làn sóng bán tháo tái diễn, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu Dầu khí. Dẫu vậy, thông tin giá xăng giảm cùng với Thông tư 123 hướng dẫn về việc nới room đã phần nào giúp ủng hộ tinh thần cho nhà đầu tư và giúp thu hẹp đà giảm.

Phiên cuối tuần, không có thông tin hỗ trợ đáng kể trong khi những lo ngại tỷ giá vẫn tiếp tục hiện hữu khiến tâm lý giới đầu tư không thực sự tích cực. Điều này đã tiếp tục thúc đẩy hoạt động tháo hàng diễn ra trên thị trường và tiếp tục kéo các chỉ số lùi sâu. Điểm tích cực là phiên giảm mạnh này đã thúc đẩy dòng tiền bắt đáy gia tăng hoạt động và giúp thanh khoản thị trường cải thiện.

Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng tổng cộng 695.2 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại đã bán ra khá mạnh trong tuần qua và đã tạo tâm lý lo ngại trong giới đầu tư.

Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 557.9 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tuần qua. KBC, PVD, VIC, SBT là bốn cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 134.2 tỷ, 117.5 tỷ, 84.9 tỷ và 71.3 tỷ đồng. HHS đứng đầu danh sách cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất với giá trị gần 20.5 tỷ đồng, trong khi lực mua ròng ở các cổ phiếu khác là không đáng kể.

Trên sàn HNX, khối ngoại cũng bán ròng 137.3 tỷ đồng. PVS là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 72.3 tỷ đồng, bỏ xa các cổ phiếu bị bán ròng tiếp theo như VND, VNC tương ứng với 17.9 tỷ và 16.7 tỷ đồng. Diễn biến mua ròng ở chiều ngược lại không đáng kể.

Cổ phiếu đáng chú ý: Một tuần sụt giảm mạnh của thị trường khi chỉ có 2/23 ngành có được sắc xanh. Trong khi đó, Chứng khoán, Xây dựng, Ngân hàng, Bất động sản đều lần lượt giảm điểm 3.22%, 4.1%, 5.94% và 6.19%. Khai khoáng và Vận tải-Kho bãi là hai ngành có mức giảm mạnh nhất tương ứng với 14.01% và 9.9%.

Các cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là BIC với 7.66%; trên sàn HNX là VE9 với 25.83%, DPS với 16.22%.

BIC tăng 7.66%. Không có thông tin đáng chú ý về HĐKD của cổ phiếu này. Có lẽ BIC vẫn còn trong trào lưu đón đầu xu hướng các cổ phiếu hưởng lợi từ nới room nước ngoài.

VE9 tăng 25.83%. DPS tăng 16.22%. Không có thông tin đáng chú ý đến HĐKD của các doanh nghiệp này trong tuần qua. Việc các cổ phiếu này tăng mạnh có thể xuất phát từ dòng tiền đầu cơ đang tập trung vào các mã này.

Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là JVC với 18.84%, KBC với 16.99%, PVD với 15.99%%; trên HNX là KVC với 31.51%, BAM với 17.39%.

JVC giảm 18.84%. Việc bị nhắc nhở chậm công bố BCTC quý 1/2015 cũng như thông tin nhân sự và sau đó là những giải trình từ JVC nhiều khả năng đã khiến cổ phiếu này đánh mất niềm tin của giới đầu tư.

KBC giảm 16.99%. Một số thông tin bên lề liên quan đến ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT khiến cổ phiếu này giảm điểm mạnh trong tuần qua. Chủ tịch Đặng Thành Tâm đã lên tiếng bác bỏ và đăng ký mua 5 triệu cp trong thời gian tới.

PVD giảm 15.99%. Giá dầu sụt giảm liên tục đã khiến các cổ phiếu ngành Dầu khí bị ảnh hưởng mạnh và PVD không là ngoại lệ.

KVC giảm 31.51%. BAM giảm 17.39%. Không có thông tin đáng chú ý nào về HĐKD của các cổ phiếu này trong tuần qua. Nhiều khả năng các cổ phiếu này bị dòng tiền rút ra mạnh với đà rơi chung của thị trường.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

 

 

 

 

 

 

 

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Phòng Tư vấn Vietstock

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật